Khủng hoảng kinh tế khiến Sri Lanka khó chồng khó

19/05/2022 | 07:59 GMT+7

Khủng hoảng kinh tế trầm trọng khiến Sri Lanka đang rơi vào tình cảnh khó khăn không lối thoát.

Người biểu tình Sri Lanka đụng độ với cảnh sát trước Văn phòng Cảnh sát Quốc gia tại thủ đô Colombo. Ảnh: REUTERS

Quốc đảo này có thể chính thức bị tuyên bố vỡ nợ nếu không thanh toán lãi suất cho các chủ nợ trước ngày 18-5, khi thời gian ân hạn 30 ngày đối với các trái phiếu bằng USD kết thúc. Sự kiện này sẽ đánh dấu lần vỡ nợ đầu tiên của Sri Lanka.

Theo đó, Sri Lanka không thể trả món nợ trái phiếu trị giá 78 triệu USD đáo hạn vào năm 2023 và 2028, dẫn đến việc tổ chức S&P Global Ratings tuyên bố quốc gia này đã vỡ nợ có chọn lọc.

Đáng quan ngại là nhiều trái phiếu của Sri Lanka có điều khoản vi phạm chéo nên sẽ kéo tất cả các khoản nợ bằng đồng USD chưa thanh toán khác rơi vào tình trạng vỡ nợ. Đối với khoản nợ nước ngoài đến hạn vào năm 2023 và 2028, điều khoản vi phạm chéo sẽ được kích hoạt nếu như có bất kỳ khoản thanh toán nào vượt quá 25 triệu USD không thể chi trả được.

Hãng Bloomberg đưa tin, Chính phủ Sri Lanka đã tuyên bố ngừng trả nợ nước ngoài để bảo toàn lượng tiền mặt cho việc nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu. Trước đó, Sri Lanka đã phải kiểm soát vốn và hạn chế nhập khẩu nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng ngoại hối trầm trọng.

Trong một tác động liên quan, mới đây, Đài Sputnik đưa tin tân Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe nói với các phóng viên rằng quốc gia Nam Á này đã hết xăng cung ứng cho hoạt động các phương tiện đi lại trong nước. Điều này đã khiến hàng nghìn phương tiện phải xếp hàng dài chờ ở các cây xăng. Mặc dù Bộ trưởng Điện và Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera cho biết sẽ sớm đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong nước, nhưng xem đến nay tình trạng khan hiếm xăng dầu vẫn chưa có giải pháp khả thi. 

Bên cạnh xăng dầu, quốc gia này cũng đang bị thiếu hụt 14 loại thuốc thiết yếu, đồng thời lạm phát có khả năng tăng trong ngắn hạn. Ông Wijesekera cũng cho biết thời gian mất điện hàng ngày có thể tăng lên 15 giờ/ngày.

Sri Lanka đã và đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng đi kèm với thiếu điện, thiếu lương thực, xăng dầu và nhiều nhu yếu phẩm cần thiết khác kể từ các vụ bạo lực đã bùng phát ngày 9-4. Từ đó đến nay, quốc đảo này liên tiếp xảy ra các cuộc biểu tình và đụng độ. Thống kê cho thấy, ít nhất 9 người đã thiệt mạng và hơn 200 người bị thương từ khi đụng độ bùng phát. Điều này đã làm bùng phát các cuộc biểu tình và khiến Thủ tướng Mahinda Rajapaksa phải từ chức.

Anh trai của ông là Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã chỉ định nghị sĩ đối lập Ranil Wickremesinghe nắm quyền điều hành chính phủ nhằm nỗ lực mang lại một phương thức ổn định cho đất nước. Tuy nhiên, đến nay nội các này vẫn chưa được bổ nhiệm đầy đủ.

Tính đến sáng ngày 16-5, quốc gia Nam Á này vẫn chưa bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nandalal Weerasinghe dọa sẽ từ chức nếu nền chính trị của nước này không sớm ổn định trở lại. Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 4, ông Weerasinghe tuyên bố vỡ nợ đối với khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỉ USD. Ông nói rằng nước này không có tiền để trả cho các chủ nợ. Sri Lanka hiện chỉ còn chưa đầy 50 triệu USD dự trữ ngoại hối có thể sử dụng.

Có thể nói, Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập. Tình trạng khan hiếm lương thực và nhiên liệu tiếp tục diễn ra, giá cả hàng hóa leo thang và cắt điện liên miên đang ảnh hưởng tới một bộ phận lớn trong 22 triệu người dân nước này. Theo giới quan sát, cho dù Sri Lanka đã thay đổi chính phủ nhưng khủng hoảng tại quốc đảo này vẫn chưa được cải thiện. Điều này sẽ còn kéo dài trong những tháng tiếp theo.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>