Khó cứu vãn JCPOA

06/10/2021 | 09:20 GMT+7

Liên tục có những động thái phản đối Mỹ và các nước liên quan của Iran đã khiến thỏa thuận P5+1 ngày càng khó phục hồi.

Nguồn: AP

Trong thông báo mới đây, Iran cho biết sẽ khởi động trở lại lò phản ứng Arak, thay thế lò phản ứng ban đầu bằng một lò phản ứng mới nhằm hỗ trợ “nghiên cứu hạt nhân một cách hòa bình”. Ông Mustafa Nakhai, người phát ngôn Ủy ban Năng lượng Quốc hội Iran, cho biết: “Lò phản ứng Arak IR-20 sẽ được khởi động trong vòng một năm tới, kể từ thời điểm này” và lò phản ứng hạt nhân Arak sẽ được chuyển đổi từ một địa điểm sản xuất nước nặng thành một cơ sở nghiên cứu sản xuất điện. Ông Nakhai cũng dẫn lời tân Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohamed Eslami cho biết lò phản ứng IR-20 mới tại Arak được thiết kế để tạo ra 8.000 MW điện hạt nhân với việc xây dựng thêm các lò phản ứng bổ sung.

Thời gian gần đây, Iran tiến hành làm giàu urani vượt xa mức cho phép theo  JCPOA. Từ đó đã làm Pháp, Đức và Anh bày tỏ quan ngại và cho rằng điều này vi phạm nghiêm trọng các cam kết của Tehran.

Theo thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1 (Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức) mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký kết với các cường quốc thế giới năm 2015, nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ phải đóng cửa lò phản ứng Arak ở tỉnh Markazi để không thể tiếp tục sản xuất plutoni phục vụ mục đích quân sự. Đổi lại, các nước sẽ giúp Iran giảm bớt các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhằm vào nước này. Đi kèm với JCPOA là sự giám sát chặt chẽ của LHQ đối với chương trình phát triển hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, hồi tháng 5-2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Đáp lại, Tehran đã dần từ bỏ việc thực thi các cam kết trong thỏa thuận kể từ tháng 5-2019, đồng thời tăng cường làm giàu urani và theo đuổi chương trình hạt nhân.

Hiện các bên đang nỗ lực để nối lại đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử này, nhưng Iran đã đề nghị tạm ngừng các cuộc đàm phán vào tháng 6 vừa qua, do nước Cộng hòa Hồi giáo này tiến hành bầu cử và thành lập chính phủ mới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho hay, Tehran dự kiến nối lại cuộc đàm phán hạt nhân với các cường quốc thế giới vào đầu tháng 11. Tuy nhiên, đến nay, các bên vẫn chưa ấn định thời điểm nối lại đàm phán. Mới đây, ngày 30-9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo thời gian sắp hết để Iran quay trở lại thỏa thuận.

Trong một động thái liên quan, Ngoại trưởng Iran vừa lên tiếng yêu cầu Mỹ dỡ bỏ phong tỏa 10 tỉ USD tại các ngân hàng nước ngoài nhằm dọn đường cho việc Tehran quay lại thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc. Các khoản tiền của Iran hiện đang bị đóng băng tại các ngân hàng Hàn Quốc. Ông Amir-Abdollahian cũng cảnh báo rằng Tehran sẽ kiện Hàn Quốc nếu nước này tiếp tục từ chối thanh toán khoản nợ gần 8 tỉ USD mua dầu mỏ của Iran. Ông cảnh báo Chính phủ Iran sẽ cho phép ngân hàng trung ương thực hiện hành động pháp lý đối với 2 ngân hàng Hàn Quốc nắm giữ tài sản của Iran.

Phản ứng trước yêu cầu của Iran, Đức đã bác bỏ việc Iran yêu cầu Mỹ dỡ bỏ phong tỏa đối với tài sản của nước này như là một điều kiện để nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân. Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ: “Iran không thể đặt thêm bất kỳ điều kiện nào để nối lại các cuộc đàm phán. Chúng tôi kêu gọi Iran nối lại các cuộc đàm phán sớm nhất có thể”.

Theo giới quan sát, mặc dù các bên liên quan đều có những động thái mong muốn Iran quay lại bàn đàm phán JCPOA nhưng những diễn biến gần đây cho thấy khó có khả năng thỏa thuận hạt nhân sẽ được cứu vãn vì còn quá nhiều bất đồng giữa các bên liên quan.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>