Hỗn loạn ở Afghanistan cản trở cứu trợ nhân đạo

26/08/2021 | 08:18 GMT+7

Sau khi Taliban chiếm toàn bộ Afghanistan, ngoài hỗn loạn vì nhiều quốc gia ráo riết rút lực lượng, người dân tháo chạy, công tác cứu trợ nhân đạo cũng gặp khó khăn.

Hàng trăm người tập trung gần một máy bay vận tải C-17 của Không quân Mỹ quanh một sân bay quốc tế tại Kabul, Afghanistan, ngày 16-8. Ảnh: CNN

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kế hoạch vận chuyển hơn 500 tấn vật tư thiết bị y tế, thực phẩm đến Afghanistan trong tuần này sẽ bị hoãn do sự hỗn loạn tại sân bay ở thủ đô Kabul của Afghanistan. Những thiết bị, vật tư này nhằm cứu trợ cho khoảng 300.000 người phải đi sơ tán tại Afghanistan hơn 2 tháng qua trong bối cảnh lực lượng Taliban tấn công nhiều thành phố, đỉnh điểm là chiếm thủ đô Kabul.

Xung đột liên tục diễn ra đã khiến gần 18,5 triệu người (khoảng một nửa dân số) của Afghanistan phải sống nhờ vào viện trợ nhân đạo. WHO cũng kêu gọi thiết lập một cầu hàng không nhân đạo để gửi vật phẩm tiếp tế tới Afghanistan.

Trước diễn biến trên, mới đây Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã họp khẩn cấp để thảo luận và tìm giải pháp cứu trợ cho người dân Afghanistan. Phiên họp có sự tham dự của Cao ủy Nhân quyền LHQ, Chủ tịch Ủy ban Điều phối các Thủ tục đặc biệt và đại diện 73 quốc gia, gồm 4 nước ASEAN là Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam, tổ chức quốc tế. Tại cuộc họp, có 4 quốc gia phát biểu ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao đều bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành động bạo lực, vi phạm và lạm dụng nhân quyền và những vi phạm luật nhân đạo quốc tế tại Afghanistan.

Các nước kêu gọi Taliban và tất cả các bên liên quan đến xung đột tại Afghanistan chấm dứt các hành động bạo lực, tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế, tôn trọng và tạo thuận lợi cho người nước ngoài và người dân Afghanistan có nguyện vọng được rời nước này một cách an toàn và có trật tự; nhấn mạnh cần bảo vệ dân thường, bao gồm phụ nữ và trẻ em gái, học giả, nhà báo, nhà bảo vệ nhân quyền và những người thuộc các nhóm dân tộc, tôn giáo và các nhóm thiểu số khác, đồng thời lên án việc tấn công những người này.

Các quốc gia đều khẳng định ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp chính trị bao trùm, toàn diện và lâu dài, và hòa giải dân tộc tại Afghanistan; kêu gọi những tiến bộ xã hội, dân chủ và nhân quyền đạt được tại Afghanistan trong 20 năm qua, đặc biệt là những tiến bộ về bảo vệ quyền của phụ nữ, cần được duy trì; kêu gọi các nước tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan và tạo điều kiện cho người dân Afghanistan được tị nạn.

Cũng tại phiên họp, nhiều quốc gia Hồi giáo khẳng định ủng hộ tiến trình hòa bình và hòa giải do người dân Afghinstan làm chủ và dẫn dắt nhằm đạt được một giải pháp chính trị bao trùm và toàn diện tại Afghanistan; nhấn mạnh việc tiến hành đối thoại rộng rãi giữa tất cả các bên và đại diện của người dân Afghanistan đóng vai trò quyết định trong việc đạt được hòa bình, ổn định và phát triển lâu dài tại Afghanistan.

Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden tin rằng Mỹ đủ thời gian để sơ tán tất cả các công dân Mỹ ra khỏi Afghanistan vào thời hạn rút toàn bộ binh lĩnh Mỹ là ngày 31-8.

Còn Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã đưa ra kế hoạch 5 điểm nhằm giải quyết trước mắt những vấn đề đang đặt ra ở quốc gia Tây Nam Á. Theo đó, duy trì kiểm soát sân bay Kabul sau ngày 31-8 nhằm sơ tán các trường hợp cần thiết khỏi Afghanistan, kể cả khi binh sĩ Đức cũng như các nước khác đã rút khỏi nước này được đề cập đầu tiên. Tiếp sau đó, Berlin lên kế hoạch chi 100 triệu euro để các nước lân cận tiếp nhận và cấp thị thực nhập cảnh Đức một cách nhanh chóng và dễ dàng cho những trường hợp liên quan. Đức có kế hoạch dành thêm 10 triệu euro cho một chương trình dành riêng cho những người Afghanistan phải đối mặt với những nguy cơ nghiêm trọng.

Trong một động thái liên quan, Taliban đã lên tiếng không kỳ thị với những người từng hoạt động trong bộ máy chính quyền cũ và người dân; đồng thời kêu gọi Mỹ không đưa những người có chuyên môn cao của Afghanistan rời khỏi đất nước. Mặt khác, đe dọa nếu Mỹ không rút hết quân theo cam kết thì Taliban sẽ phong tỏa sân bay Kabul.

Giới phân tích nhận định, tình trạng chính trị rối ren ở Afghanistan vẫn chưa có hồi kết làm nhiều người dân rơi vào cảnh khó khăn thiếu đói chưa có lối thoát. Nếu những hoạt động cứu trợ nhân đạo không đến kịp thời thì người dân nơi đây phải đối mặt với tác động kép từ dịch Covid-19 và thiếu đói.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>