Hàng triệu người Sudan đứng trước nguy cơ thiếu đói

17/06/2022 | 07:41 GMT+7

Liên tục các vụ đụng độ sắc tộc diễn ra ở Sudan đã làm cho tình hình an ninh chính trị tại quốc gia này vốn đã bất ổn nay lại càng lộn xộn hơn.

Bạo lực sắc tộc thường nổ ra tại Darfur. Ảnh: REUTERS

Vụ bạo lực gần nhất nổ ra vào tuần trước tại thị trấn Kulbus thuộc khu vực Tây Darfur, do tranh chấp đất đai giữa các bộ tộc Arab và châu Phi. Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA) nêu rõ, lực lượng dân quân Arab địa phương sau đó đã tấn công nhiều ngôi làng trong khu vực. Tổng cộng 126 người đã thiệt mạng, trong đó có 101 người thuộc bộ tộc Gimir và 25 người thuộc bộ tộc Rizeigat Arab.

Ngoài ra, hơn 130 người khác đã bị thương trong các cuộc đụng độ kéo dài một tuần. Ít nhất 25 ngôi làng trong khu vực Kulbus đã bị tấn công, cướp bóc và đốt phá, hơn 50.000 người phải rời bỏ nhà cửa ở Tây Darfur và tỉnh Bắc Darfur lân cận, nơi các cuộc đụng độ lan rộng.

OCHA cho biết các vụ đụng độ sắc tộc ở Sudan trong tháng này đã khiến ít nhất 145 người thiệt mạng và hơn 180 người bị thương, đồng thời gây chấn động quốc gia Đông Phi đang bị chiến tranh tàn phá này.

Theo OCHA, giao tranh đã lắng xuống sau khi quân đội được triển khai tới khu vực này. Trong tuần qua, giới chức sở tại đã tuyên bố lệnh giới nghiêm hàng đêm, song tình hình vẫn căng thẳng.

Bạo lực ở các tỉnh Tây Darfur và Nam Kordofan - hai trong số các tỉnh xung đột đẫm máu nhất những năm gần đây - diễn ra khi tình hình Sudan ngày càng hỗn loạn hơn sau cuộc đảo chính hồi tháng 10 năm ngoái. Việc tiếp quản quân sự đã ngăn chặn quá trình chuyển đổi ngắn hạn của nước này sang chế độ dân sự sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ vào tháng 4-2019.

Đặc phái viên LHQ tại Sudan Volker Perthes bày tỏ quan ngại sâu sắc về các cuộc đụng độ giữa các nhóm sắc tộc, đồng thời kêu gọi các lực lượng an ninh đảm bảo trật tự, bảo vệ dân thường, các thủ lĩnh địa phương nỗ lực làm trung gian hòa giải.

Trước đó, Cao ủy nhân quyền LHQ Michelle Bachelet cũng đã lên án vụ việc hàng trăm người thiệt mạng do tình trạng bạo lực tại khu vực Tây Darfur của Sudan, đồng thời yêu cầu tiến hành những cuộc điều tra “công bằng và độc lập” đối với các vụ tấn công.

Bà Bachelet cho rằng: “Mặc dù những biện pháp ban đầu được các cơ quan chức năng triển khai để hạ nhiệt căng thẳng, tôi vẫn đề nghị nhà chức trách giải quyết những nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng bạo lực ở khu vực này và thực hiện trách nhiệm của họ trong công tác bảo vệ người dân… Tôi kêu gọi các cơ quan chức năng của Sudan tiến hành những cuộc điều tra ngay lập tức, toàn diện, công bằng và độc lập đối với các vụ tấn công và đưa tất cả những đối tượng phải chịu trách nhiệm ra xét xử theo luật nhân đạo quốc tế”.

LHQ cảnh báo, nếu tình trạng bạo lực tiếp tục diễn ra thì đến cuối năm nay, 20/45 triệu người ở Sudan có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực. Đáng chú ý, những nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở Sudan, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, là hơn 3,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, hầu hết đều sinh sống tại Darfur.

Giới quan sát cho rằng, xung đột sắc tộc ở Sudan sẽ còn kéo dài khi nhiều mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết. Đây sẽ là hệ lụy làm cho tình hình chính trị bất ổn ở quốc gia này ngày càng trầm trọng hơn.

Theo LHQ, Sudan đã hứng chịu nhiều hậu quả trong hàng chục năm nội chiến dưới thời Tổng thống Omar Al Bashir, người đã bị lật đổ vào năm 2019. Ông Al Bashir đã trang bị vũ khí cho các nhóm người Arab để chiến đấu chống lại lực lượng nổi dậy của các sắc tộc thiểu số muốn chấm dứt tình trạng bị phân biệt đối xử. Chiến dịch của ông Al Bashir đã khiến 300.000 người chết và làm 2,5 triệu người mất nhà cửa.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>