Cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có

11/10/2021 | 08:03 GMT+7

Cuộc khủng hoảng năng lượng do điều kiện thời tiết bất thường và nhu cầu tăng đột biến đang trở nên tồi tệ hơn, làm dấy lên nhiều nỗi lo trước thềm mùa đông - khi các nước cần thêm nhiên liệu để sưởi ấm.

Một nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn khí đốt Gazprom ở Sochi, Nga. Ảnh: AFP

Chính phủ trên khắp thế giới đang nỗ lực để hạn chế tác động của tình trạng này lên người tiêu dùng, nhưng thừa nhận họ có thể không ngăn được hóa đơn năng lượng tăng phi mã.

Tại Trung Quốc, giải pháp cắt điện luân phiên đã được triển khai, trong khi tại Ấn Độ, các nhà máy điện đang ráo riết tìm nguồn cung than đá. Ở châu Âu, giá khí đốt tự nhiên đang được giao dịch ở mức tương đương 230 USD/thùng nếu tính theo giá dầu - tăng hơn 130% kể từ đầu tháng 9 và cao hơn gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Cơ quan Tình báo hàng hóa độc lập (ICIS, trụ sở London - Anh).

Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận tại Đông Á, nơi khí đốt tự nhiên tăng 85% kể từ đầu tháng 9 lên mức tương đương 204 USD/thùng nếu tính theo giá dầu. Ở Mỹ, giá khí đốt tự nhiên dù thấp hơn nhiều so với Đông Á và châu Âu nhưng cũng đã chạm mức cao chưa từng thấy trong 13 năm trở lại đây.

Chuyên gia Nikos Tsafos của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - trụ sở Washington) khẳng định tình trạng giá năng lượng tăng đột biến phần lớn xuất phát từ nỗi sợ “không biết mùa đông sắp tới sẽ ra sao”. Theo ông Tsafos, nỗi sợ này đã khiến thị trường vượt ra khỏi khuôn khổ của những quy tắc cơ bản liên quan đến cung và cầu.

Theo giới phân tích, không có giải pháp giản đơn đối với khủng hoảng hiện tại, bởi nó bắt nguồn từ nhu cầu tăng đột ngột khi các nền kinh tế thế giới gỡ bỏ lệnh phong tỏa Covid-19 và từ một hệ thống dễ bị gián đoạn do các sự kiện thời tiết hoặc sự cố máy móc.

Mùa đông kéo dài và lạnh bất thường vào đầu năm nay đã hút cạn nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên ở châu Âu. Nhu cầu năng lượng tăng mạnh đã cản trở quá trình bổ sung dự trữ, thường diễn ra trong mùa xuân và mùa hè.

Cơn khát khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) gia tăng của Trung Quốc đồng nghĩa các thị trường LNG đến giờ không thể lấp đầy khoảng trống. Điều kiện gió lặng bất thường cùng quyết định cắt giảm sản lượng khí đốt xuất khẩu của Nga khiến vấn đề càng thêm trầm trọng.

Khủng hoảng nguồn cung khí đốt đang khiến giá than đá và dầu mỏ - những sản phẩm có thể dùng thay thế khí đốt trong một số trường hợp - tăng mạnh.

Tại Mỹ, giá dầu tuần này chạm mốc cao chưa từng thấy trong 7 năm trở lại đây. Ngân hàng Mỹ dự đoán một mùa đông rét đậm có thể đẩy giá dầu Brent chuẩn toàn cầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng.

Giá cả tăng vọt đã đặt vấn đề này lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của EU với việc các nhà lãnh đạo kêu gọi độc lập hơn về năng lượng - do gần 90% nguồn cung của khối được nhập khẩu, với Nga là một trong những nguồn nhập khẩu chính cùng với Na Uy.

Nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu từ lâu đã là một chủ đề hóc búa. Nó thường làm xấu đi mối quan hệ giữa Nga, Mỹ và EU. Các chuyên gia coi cuộc chiến về nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu như một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga, cả hai đều tranh giành thị phần trong khu vực với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên (Nga) và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (Mỹ).

Hiện các nhà lãnh đạo châu Âu đang chia rẽ về cách ứng phó với tình trạng giá năng lượng leo thang hiện nay. Pháp và Tây Ban Nha ngày 6-10 kêu gọi có hành động quyết đoán toàn EU, trong khi nhiều nước cho rằng cần bình tĩnh.

Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ đề xuất các biện pháp để giảm thiểu những tác động của giá nhiên liệu tăng đối với người tiêu dùng và được đưa ra thảo luận tại một hội nghị thượng đỉnh tại Brussels vào ngày 21, 22-10 tới.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>