COVID-19 tác động thế nào đến kinh tế thế giới ?

25/01/2022 | 09:10 GMT+7

Các thị trường nhiều khả năng tiếp tục biến động khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhóm họp và các đại gia công nghệ báo cáo doanh thu.

Cảng Ninh Ba, Trung Quốc. Nguồn ảnh: Reuters

Lúc này, các nhà đầu tư đang hồi hộp chờ đợi các cuộc họp trong ngày 25 và 26-1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), để tìm hiểu manh mối về việc cơ quan này tăng lãi suất cơ bản như thế nào trong năm nay và khi nào thì bắt đầu.

Đây cũng là thời điểm hàng loạt công ty báo cáo doanh thu, trong đó có các hãng lớn như 3M, IBM, Caterpillar, American Express... Hai đại gia lớn nhất về giá trị vốn hóa thị trường là Microsoft và Apple dự kiến công bố doanh thu trong ngày 25 và 27-1, trong khi Tesla chọn ngày 26-1.

Cũng trong ngày 27-1 sẽ có đánh giá về kinh tế Mỹ trong quý IV/2021 và một ngày sau là dữ liệu về chi tiêu tiêu dùng cá nhân. Những diễn biến liên tiếp này hứa hẹn sẽ khiến thị trường chứng khoán khắp thế giới thêm dậy sóng.

Một trong số vấn đề mà Chủ tịch FED Jerome Powell dự kiến thông báo với truyền thông trong ngày 25-1 là tình hình lạm phát ở Mỹ.

Theo CNBC, nhiều khả năng FED không quyết định tăng lãi suất hay thay đổi chính sách trong các cuộc họp tới song có thể tạo tiền đề cho chính sách của họ một khi kết thúc chương trình mua trái phiếu.

Nhiều nhà kinh tế dự đoán FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % từ mức hiện tại (đang gần 0%) vào tháng 3 tới. FED cũng sẽ thi hành nhiều bước thắt chặt chính sách, bao gồm giảm chi.

Trước kịch bản Mỹ sớm tăng lãi suất cơ bản, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhận định động thái này có thể “tạt gáo nước lạnh” vào tiến trình hồi phục kinh tế vốn đã mong manh ở một số quốc gia.

Vào thời điểm đại dịch đã bước sang năm thứ ba, ngày càng rõ rằng khả năng quay trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch vẫn còn hết sức xa vời. Nền kinh tế thế giới đang chia đôi, với một bên chấp nhận sống chung với đại dịch, bên kia, dẫn đầu bởi Trung Quốc, công xưởng của thế giới, vẫn kiên trì với giải pháp Zero Covid.

Ở nhiều nước, bao gồm Australia, Mỹ, Anh, việc cung ứng thực phẩm đang đứt gãy: các con tàu tắc nghẽn ở những bến cảng đông nghẹt, các cửa hàng thì thiếu nhân viên bán lẻ, công ty vận chuyển thì thiếu tài xế, kết hợp với thời tiết xấu và giá điện, giá khí đốt tăng vọt đã gây ra cảnh hàng hóa vừa thiếu vừa đắt.

Liên đoàn vận tải Mỹ cho biết nước này đang thiếu 80 nghìn tài xế vận tải, và trong thập kỷ tiếp theo, con số này sẽ tăng lên thành 160 nghìn người.

Ở châu Âu, các hãng xe ô tô đã chứng kiến doanh thu giảm tháng thứ 6 liên tiếp. Niềm tin người tiêu dùng vẫn còn yếu, và các hãng xe đều chật vật tìm cách mua đủ chip cho những chiếc xe chờ xuất xưởng của họ.

Ở khắp các cảng biển trên thế giới, thời gian bốc dỡ hàng hóa kéo dài do thiếu lao động, dẫn đến tình cảnh có ít tàu di chuyển trên biển hơn trước, và có nhiều tàu phải xếp hàng đợi nhau ở cảng hơn trước.

Chính sách kiểm soát của Trung Quốc phần nào phát huy hiệu quả, được minh chứng bằng việc nước này vẫn duy trì vị thế trung tâm sản xuất toàn cầu, nhưng dịch thì không lúc nào yên, thỉnh thoảng lại phát sinh ca nhiễm mới, và cứ khi ấy các công ty lại phải ngừng hoạt động để phòng dịch. Các nhà sản xuất có trụ sở ở Trung Quốc như Volkswagen đã phải đóng cửa nhà máy vài lần trong hai năm qua, mỗi lần như vậy tình trạng sản xuất lại bị đứt quãng.

Ngân hàng thế giới WB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2022, và nâng dự báo cho năm 2023, với niềm tin rằng dịch sẽ được giải quyết và mọi thứ sẽ sớm vận hành bình thường, nhưng chưa có gì đảm bảo được điều này. Trong trường hợp Covid-19 phát sinh các biến thể mới, thế giới sẽ phải duy trì một phần nguồn lực để chống dịch, nhiều người không muốn đi làm, và cứ thế áp lực không bao giờ chấm dứt.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>