Covid-19 ở châu Âu vẫn phức tạp

23/11/2021 | 08:36 GMT+7

Số ca mắc Covid-19 ở châu Âu vẫn liên tục tăng trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo khu vực sẽ có thêm nửa triệu người chết vào đầu năm sau.

Người dân đi mua sắm đông đúc ở London, Anh, ngày 20-11.  Ảnh: REUTERS

Tại Anh, chính quyền mở rộng tiêm liều tăng cường cho nhóm từ 40-49 tuổi từ đầu tuần này sau khi đã cho phép tiêm ở nhóm trên 50 tuổi. Các nhà khoa học tin rằng các liều tăng cường và sự miễn dịch trong cộng đồng do sự lây lan của biến thể Delta trong mùa Hè sẽ giúp Anh thoát được làn sóng dịch đang dâng ở châu Âu. Số ca bệnh mới ghi nhận ngày 21-11 ở Anh lại vượt mức 40.000 ca.

Chính quyền Pháp cảnh báo đợt dịch Covid-19 mới đang lan với tốc độ báo động. “Làn sóng thứ 5 đang bắt đầu với tốc độ ánh sáng”, Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn chính phủ Gabrial Attal nói.

Đại dịch Covid-19 đang lan nhanh tại Áo. Đất nước có chưa tới 9 triệu dân nhưng ghi nhận tới gần 16.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp trên khắp châu Âu, Chính phủ Áo vừa thông báo những biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt. Theo đó, toàn bộ nước này từ ngày 21-11 sẽ bước vào một đợt phong tỏa mới, Áo sẽ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên áp dụng quy định tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 bắt buộc đối với tất cả người dân.

Ngày 21-11, Pháp ghi nhận gần 20.000 ca mắc Covid-19 mới, tăng nhanh so với hơn 17.000 ca của 1 ngày trước đó và gấp đôi con số tuần trước. Mức tăng số ca mới trong 7 ngày qua ở Pháp gấp 3 lần mức trung bình của 3 tuần trước.

Tại Italia, chính quyền cho biết có hơn 9.700 ca bệnh mới vào ngày 21-11, trong khi Ba Lan cũng có hơn 18.800 ca bệnh.

Ở Mỹ, nhà dịch tễ học Anthony Fauci cảnh báo sắp hết thời gian để ngăn đợt dịch “nguy hiểm” trong mùa lễ cuối năm. Số ca mới ở Mỹ đang gia tăng trở lại sau nhiều tuần và tiến gần tới mốc 100.000 ca/ngày.

“Chúng ta vẫn còn khoảng 60 triệu người đủ điều kiện để được tiêm ngừa nhưng chưa tiêm, và điều đó dẫn đến sự bùng phát của vi-rút trong cộng đồng. Nó không chỉ nguy hiểm và khiến những người chưa được tiêm ngừa dễ bị tổn thương mà còn lây lan vào nhóm đã được tiêm”, ông Fauci nói.

AFP đưa tin Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 19-11 cho biết, Đức đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp trên cả nước. Giám đốc Lothar Wieler của Viện Robert Koch (RKI), cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức, cũng nói cả nước Đức là một ổ dịch lớn.

Theo Đài DW, số ca mắc Covid-19 mới ở Đức đã tăng 60% trong 2 tuần qua. Các bang Bavaria và Saxony ngày 19-11 thông báo hủy chợ Giáng sinh, vốn chuẩn bị mở cửa trong tuần sau. Quyết định khiến người dân “choáng váng” vì các khu chợ này có vai trò kinh tế - xã hội quan trọng và luôn thu hút khách mỗi dịp cuối năm.

Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc WHO tại châu Âu, đã kêu gọi các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước làn sóng dịch bệnh mới đang tràn lan khắp khu vực. Ông cho biết mùa Đông tới cùng với độ bao phủ vắc-xin thấp chính là những nhân tố khiến cho số ca nhiễm tăng đột biến.

Tuy nhiên, nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở một số nước châu Âu cuối tuần qua như Bỉ, Italia, Hà Lan, để phản đối các biện pháp chống dịch. Tại Hà Lan, chính quyền đã ban lệnh khẩn cấp ở thành phố Enschede, bắt giữ 5 người, vào ngày 21-11. Trước đó, biểu tình bạo lực nghiêm trọng ở Hague, Rotterdam cũng khiến nhiều người bị thương và bị bắt giữ.

Theo số liệu từ Our World In Data, số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày của EU đã tăng gấp 4 lần trong những tuần gần đây, từ hơn 110/1 triệu dân vào ngày 1-10 lên 446/1 triệu dân vào ngày 18-11. Hiện Slovakia và Slovenia là hai nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu với hơn 1.500 ca bệnh/1 triệu dân, theo sau đó là Áo, Croatia, Bỉ, Cộng hòa Czech và Hà Lan.

WHO đánh giá sự gia tăng ca bệnh mới ở châu Âu rất đáng ngại và cảnh báo khu vực này có thể có thêm 500.000 người tử vong vì Covid-19 vào tháng 3-2022 nếu không có các hành động khẩn cấp ngăn chặn dịch bệnh.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>