Bất ổn trên bán đảo Triều Tiên chưa có hồi kết

15/10/2021 | 08:03 GMT+7

Cáo buộc Mỹ - Hàn gia tăng sức mạnh quân sự gây bất ổn trên bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng có động thái đáp trả thích đáng.

Ảnh minh họa. Nguồn: KOREAPORTAL.COM

Theo đó, sau 2 lần Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều không mang lại kết quả đáng kể nào, quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn còn khoảng cách khá xa, trong bối cảnh cả hai phía cùng có những động thái ngầm chạy đua vũ trang.

Phía Mỹ - Hàn vẫn tiến hành tập trận thường xuyên hàng năm, đồng thời gia tăng sức mạnh quân sự mục tiêu là nhằm vào Triều Tiên. Mới đây, lãnh đạo Văn phòng Do thám Quốc gia Mỹ (NRO) xác nhận đã bổ sung 2 hệ thống vệ tinh giúp thu thập thêm các thông tin về Triều Tiên. Giám đốc NRO Chris Scolese cho biết những hệ thống vệ tinh mới được bổ sung có thể cung cấp “thông tin chi tiết ở những khu vực tại Triều Tiên mà Mỹ khó có thể thu thập trong quá khứ”. Từ năm 1992 đến nay, Chính phủ Mỹ mới chính thức xác nhận sự tồn tại của NRO, với việc cung cấp các ảnh chụp của nhiều khu vực trên tổng diện tích lên tới 100 triệu km2 vào mỗi tuần, trong đó có nhiệm vụ theo dõi Triều Tiên.

Trong một động thái liên quan, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cũng vừa tuyên bố, cùng với Mỹ, nước này sẽ tăng cường khả năng răn đe “phù hợp” nhằm chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Hàn Quốc gần đây đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đầu tiên của mình, cùng với các kế hoạch chế tạo nhiều loại vũ khí mới có quy mô lớn hơn như tàu sân bay, và mua thêm các loại chiến đấu cơ tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất. Hàn Quốc sẽ ra mắt các thiết bị giám sát và do thám gồm phương tiện không người lái và củng cố khả năng phát hiện, cũng như đánh chặn tên lửa đạn đạo bằng việc nâng cấp tên lửa Patriot và các hệ thống cảnh báo sớm.

Đáp trả lại sự gia tăng sức mạnh quân sự của Mỹ - Hàn, Triều Tiên cũng liên tục tăng cường khả năng “tự vệ” bằng việc hiện đại hóa các loại vũ khí. Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song cho biết, các hoạt động quân sự giữa Mỹ - Hàn đang đạt đến “một mức độ nguy hiểm. Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố khả năng răn đe “tự vệ” để bảo vệ an ninh quốc gia nhằm đối mặt với môi trường địa chính trị của bán đảo Triều Tiên và cân bằng sức mạnh trong khu vực cũng như quan hệ quốc tế ngày càng căng thẳng”.

Theo Đại sứ này, Triều Tiên buộc phải đi theo con đường gian khổ để xây dựng lực lượng phòng thủ tự vệ “trước môi trường bên ngoài khắc nghiệt do chính sách thù địch của Mỹ tạo ra và mối đe dọa hạt nhân kéo dài suốt hơn 70 năm cùng với những hành động hai mặt của các thế lực thù địch”. Mặc dù không nêu đích danh kẻ thù của Triều Tiên là Mỹ - Hàn nhưng ông Kim cũng lên án mạnh mẽ các hoạt động liên minh Hàn - Mỹ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cho rằng việc phát triển vũ khí của nước ông là điều cần thiết, khi phải đối mặt với các động thái quân sự gây bất ổn khu vực của Mỹ và Hàn Quốc. Ông Kim cho rằng: “Chúng ta không thảo luận vấn đề chiến tranh với bất kỳ ai, mà chỉ đang tìm cách ngăn chặn chiến tranh và tăng cường khả năng răn đe nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

Gần đây, Hàn Quốc và Triều Tiên đã nối lại liên lạc nhằm hướng đến đàm phán hòa trong tương lại gần. Tuy nhiên, cả hai miền Triều Tiên cũng đang dần bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, với tần suất các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn của mỗi bên diễn ra ngày càng nhiều. Điều này vô hình trung làm cho cánh cửa đàm phán ngày càng hẹp hơn nếu các bên liên quan không sớm có thiện chí giảm bớt thù địch.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>