Không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng

29/06/2022 | 08:52 GMT+7

Ngày 18-4-2022, Bộ Chính trị đã thông qua Kết luận số 34 về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030. Cụ thể hóa nội dung này, ngày 7-6-2022, Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 108 về tổ chức triển khai, thực hiện kết luận trên. Thông tin thêm về Chương trình số 108, ông Trịnh Hoàng Ba (ảnh), Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, cho biết:

- Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng và thông qua Chương trình số 108 về tổ chức triển khai, thực hiện Kết luận số 34 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030.

Những nhiệm vụ trọng tâm và cụ thể của chương trình này như thế nào, thưa ông ?

- Nhằm chỉ đạo có hiệu quả Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, Tỉnh ủy đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện. Một là, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời cụ thể hóa các văn bản của cấp trên phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; lãnh đạo, chỉ đạo ủy ban kiểm tra thực hiện tốt quy chế phối hợp với các tổ chức đảng, cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.

Hai là, tăng cường công tác dự báo, nắm tình hình về vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; tập trung kiểm tra, giám sát vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm, những nơi có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ…; chủ động cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa; chú trọng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên, xử lý kỷ luật nghiêm các tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm.

Ba là, tiếp tục thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác đối thoại, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh phải được giải quyết triệt để, kịp thời, xử lý nghiêm theo quy định.

Thưa ông, ngoài 3 nhiệm vụ trọng tâm đề ra, Tỉnh ủy chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu triển khai, thực hiện đầy đủ các giải pháp nêu trong Kết luận số 34 là gì ?

- Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm trên, Tỉnh ủy yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy và cơ quan liên quan thực hiện xác minh tính trung thực về kê khai, công khai tài sản, thu nhập theo Quyết định số 56, ngày 08-02-2022 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp ủy giao với tinh thần chủ động, nỗ lực quyết tâm cao; tăng cường sự chỉ đạo của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với hoạt động ủy ban kiểm tra cấp dưới; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động của ngành kiểm tra.

Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề; chủ động kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi phạm ngay tại chi bộ, không để kéo dài “đùn đẩy” lên cấp trên, tăng cường công tác “hậu kiểm” đối với các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên sau khi nhận được thông báo kết luận kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng có thẩm quyền. Các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực phân công, phụ trách được quy định tại Điều 5, Quy định số 22, ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng cấp dưới, cơ quan cùng chuyên ngành cấp dưới về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn thuộc lĩnh vực cơ quan, đơn vị phụ trách.

Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; phát huy có hiệu quả vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác kiểm tra, giám sát; tập trung lãnh đạo rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra; thường xuyên bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác kiểm tra nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ; kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, cách làm hay, phát huy sự năng động, sáng tạo của tổ chức đảng và đảng viên trong công tác kiểm tra, giám sát.

Nhưng phải thừa nhận rằng, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát của tỉnh vẫn còn một số hạn chế trong việc kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm, thưa ông ?

- Đúng vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là công tác nắm tình hình để phát hiện, xác định, quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm còn hạn chế; một số nơi, ủy ban kiểm tra thiếu chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm để kiểm tra, nhất là đối với đối tượng thuộc cấp mình quản lý và những lĩnh vực trọng yếu, phức tạp, nhạy cảm dễ xảy ra vi phạm, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát.

Thưa ông, để khắc phục hạn chế trên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã chỉ đạo ủy ban kiểm tra cấp ủy trực thuộc thực hiện ra sao ?

- Trên cơ sở nhận diện các hạn chế trong việc kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm thời gian qua, chúng tôi yêu cầu ủy ban kiểm tra cấp ủy trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, gắn với các nhiệm vụ được nêu trong Chương trình của Tỉnh ủy thực hiện Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát đến năm 2030 nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Tăng cường công tác nắm tình hình, kết hợp nhiều kênh thông tin, phát hiện chuẩn xác dấu hiệu vi phạm của đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới để kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, dễ phát sinh vi phạm, có nhiều bức xúc trong dư luận quan tâm. Bảo đảm ủy ban kiểm tra các cấp đều thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là đối với cấp ủy ủy cùng cấp, cán bộ thuộc diện bổ nhiệm, đề bạt, chuẩn bị nhân sự…

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với ủy ban kiểm tra cấp dưới để hỗ trợ, giúp đỡ ủy ban kiểm tra cấp dưới, nhất là nơi gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm này. Nâng cao chất lượng phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan thanh tra, điều tra để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, trước hết là vi phạm về tham nhũng, lãng phí, trong công tác tổ chức cán bộ.

Mặt khác, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra, nhất là về kỹ năng, kinh nghiệm công tác đối với cán bộ mới được điều động về làm công tác kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng cán bộ kiểm tra theo hướng chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, bản lĩnh, kinh nghiệm và phương pháp công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cấp ủy quan tâm tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhất là về máy vi tính, máy ảnh, máy ghi âm,... để ủy ban kiểm tra thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

Như vậy, nội dung của việc yêu cầu ủy ban kiểm tra cấp ủy trực thuộc tăng cường kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nơi có nhiều bức xúc, dư luận xã hội quan tâm được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cụ thể hóa thế nào, thưa ông ?

- Nội dung cụ thể mà Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chỉ đạo ủy ban kiểm tra cấp ủy trực thuộc là tập trung triển khai, toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ do cấp ủy giao. Trọng tâm là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, phải kịp thời phát hiện kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với tổ chức đảng và đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, mất đoàn kết nội bộ, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; những vụ việc phức tạp, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát chuyên đề đối với tổ chức đảng và đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng cấp trên đối với cấp dưới; quan tâm lãnh đao, chỉ đạo của cấp ủy đối với hoạt động công tác kiểm tra, giám sát; cụ thể hóa các văn bản của cấp trên phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị về công tác kiểm tra, giám sát để tổ chức thực hiện.

Xin cảm ơn ông !

M.NGHĨA - G.NGUYỄN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>