Diễn biến cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Hậu Giang - Cần Thơ

01/09/2016 | 11:29 GMT+7

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3-2-1930), Đặc ủy Hậu Giang được thành lập và lãnh đạo các phong trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (tháng 11-1940) nổ ra mạnh mẽ ở Cần Thơ và bị đàn áp đẫm máu. Tuy thất bại nhưng nó ảnh hưởng sâu rộng trong Nhân dân vùng Hậu Giang, để lại nhiều bài học xương máu cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Từ năm 1941 đến đầu năm 1945, các tổ chức quần chúng ở Cần Thơ, nhất là ở thị xã được nhanh chóng khôi phục và hoạt động mạnh mẽ chống lại sức đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Ở ngoại ô thị xã Cần Thơ, Cái Răng, Mỹ Khánh, bọn Nhật buộc Nhân dân phải nhổ dâu tằm trồng đay, cướp lúa gạo của dân để cung cấp cho chiến tranh. Liên Tỉnh ủy Hậu Giang đã lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống lại những hành động ăn cướp ấy, chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9-3-1945), chính quyền tay sai được thành lập ở Cần Thơ, do Đốc Phủ sứ Lưu Văn Tào làm Tỉnh trưởng, bác sĩ Lê Văn Hoạch làm Cảnh sát trưởng… Cần Thơ được quân Nhật lấy làm đầu não của miền Tây, nên tập trung lực lượng ở đây rất đông để đối phó với cách mạng của vùng rộng lớn, giàu có này. Chúng dựa vào các thế lực phản động trong các tôn giáo (Hòa Hảo, Cao Đài, Khất sĩ, Tịnh độ cư sĩ, Tứ ân Hiếu nghĩa…) để mê hoặc, lôi kéo đồng bào tín đồ chống lại cách mạng.

Trước tình hình ấy, Xứ ủy và Liên Tỉnh ủy Tiền phong chủ trương tuyên truyền chương trình của Mặt trận Việt Minh, nhất là chính sách tôn giáo, vận động quần chúng, để đồng bào tín đồ các tôn giáo hiểu rõ bộ mặt thật của “bọn phản đạo, hại nước”, cùng Nhân dân đấu tranh giành độc lập.

Đầu tháng 4-1945, Liên Tỉnh ủy miền Tây được thành lập, do đồng chí Nguyễn Văn Tây làm Bí thư. Tháng 6-1945, Tỉnh ủy lâm thời Cần Thơ được bầu trong một cuộc Hội nghị đại biểu các tổ chức cơ sở Đảng của tỉnh. Hội nghị nhất trí về thời cơ giành chính quyền đang đến; vì vậy, phải tranh thủ tập hợp mọi lực lượng quần chúng nhân dân, tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất, đặc biệt chú ý đến tín đồ Hòa Hảo, Cao Đài. Hội nghị nhấn mạnh chủ trương tích cực xây dựng đội du kích, vận động tư sản, địa chủ có súng giao cho cách mạng và tổ chức mua súng của lính Nhật. Hội nghị bầu đồng chí Trần Ngọc Quế làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Cần Thơ (nhóm Tiền Phong).

Ở Cần Thơ, tổ chức Thanh niên Tiền phong phát triển rất nhanh; đến cuối tháng 6-1945, toàn tỉnh có hơn 70.000 đoàn viên, trong đó có nhiều hội viên các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Tỉnh ủy lâm thời Cần Thơ đã thực sự nắm được tổ chức Thanh niên Tiền phong và sử dụng lực lượng này trong các hoạt động của Đảng, như: tham gia tuần tra canh gác, bảo vệ trật tự an ninh, chống cướp, luyện tập võ nghệ, rèn gươm giáo…

Việc tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang được Tỉnh ủy lâm thời Cần Thơ đặc biệt chú trọng. Đến cuối tháng 7-1945, lực lượng vũ trang các quận đã có trên 300 người, trong số này có nhiều người được chọn bổ sung vào “xung phong đội” ở thị xã (tổ chức vũ trang hoạt động công khai của Thanh niên Tiền phong).

Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, thực hiện lệnh Tổng khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ngày 17-8-1945 Tỉnh ủy Cần Thơ họp bàn kế hoạch khởi nghĩa trong tỉnh. Ủy ban dân tộc giải phóng tỉnh được thành lập do đồng chí Trần Ngọc Quế (Bí thư Tỉnh ủy) làm Chủ tịch, Huỳnh Phúc Mậu (Hòa Hảo) - Phó Chủ tịch, Trần Văn Khéo (Thanh niên Tiền phong) - Tổng Thư ký. Ngoài ra, còn có các ủy viên đại diện cho Việt Minh, Hòa Hảo, Đảng Dân chủ, Thanh niên Tiền phong, thể hiện đường lối Mặt trận dân tộc thống nhất.

Ngày 22-8-1945, Hội nghị Tỉnh ủy nghiên cứu Nghị quyết của Xứ ủy và vạch kế hoạch giành chính quyền trong tỉnh, quyết định cử các đồng chí Hồ Bá Phúc, Trần Văn Khéo, Nguyễn Văn Chức và Tú Tài Thiều (Hòa Hảo) tham gia giành chính quyền ở Sài Gòn vào ngày 25-8-1945, để rút kinh nghiệm về vận dụng cụ thể cho tỉnh nhà. Hội nghị cũng quyết định các “Xung phong đội” của các quận về thị xã để tăng cường bảo vệ cơ quan lãnh đạo, sẵn sàng chờ lệnh khởi nghĩa.

Thắng lợi cuộc khởi nghĩa trong cả nước, đặc biệt ở Sài Gòn (ngày 25-8-1945) làm cho quân Nhật và tay sai ở Cần Thơ ngày càng hoang mang, lo sợ. 600 quân Nhật tập trung về Tổng hành dinh (tức Ban Chỉ huy quân đội Nhật), đóng tại thị xã Cần Thơ để phòng thủ. Trong một cuộc họp bất thường, Tỉnh ủy quyết định cử một phái đoàn, gồm các đồng chí Trần Ngọc Quế, Nguyễn Thượng Tự (thay mặt Thanh niên Tiền phong), Huỳnh Cẩm Chương (trí thức yêu nước làm phiên dịch) đến gặp Satô, chỉ huy Sở Hiến binh Nhật, báo cho hắn biết ngày 26-8-1945 sẽ có cuộc mít-tinh lớn ở thị xã Cần Thơ.

Mục đích tổ chức cuộc mít-tinh này là để biểu dương lực lượng và thăm dò thái độ của quân Nhật. Trong trường hợp thuận lợi sẽ tiến hành giành chính quyền ngay. Để bảo vệ cho đoàn đại biểu và làm áp lực với quân Nhật, Tỉnh ủy cử đồng chí Huỳnh Phan Hộ chỉ huy lực lượng “Xung phong đội” bí mật bao vây Sở Hiến binh Nhật, theo dõi thái độ của Tỉnh trưởng Lưu Văn Tào.

Trong thế suy yếu và trước sức mạnh của cách mạng, quân Nhật không dám kháng cự và chấp nhận những yêu cầu của đoàn đại biểu ta. Ngay lập tức, Tỉnh ủy quyết định biến cuộc mít-tinh ngày 26-8-1945 thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Cần Thơ và các địa phương trong tỉnh.

Sáng sớm ngày 26-8-1945, trên 20.000 đồng bào thị xã và các quận Ô Môn, Châu Thành, Phụng Hiệp… xếp thành từng đoàn, mang băng, cờ, khẩu hiệu, kéo về tập trung tại sân vận động Cần Thơ, trước lễ đài có treo tấm bảng lớn:

“Chính quyền về tay Nhân dân!”; “Nước Việt Nam độc lập muôn năm!”

Đúng 6 giờ sáng, Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh ra mắt Nhân dân. Đồng chí Huỳnh Phan Hộ thay mặt Ủy ban đọc lời hiệu triệu và kêu gọi đồng bào đoàn kết, đấu tranh giành lấy chính quyền.

Sau cuộc mít-tinh, quần chúng được tổ chức theo từng khối, có lực lượng tự vệ vũ trang và “Xung phong đội” hỗ trợ xuống đường biểu tình thị uy. Đoàn biểu tình kéo qua khắp các ngả đường trong thị xã, biểu dương lực lượng, rồi tập trung tại dinh xã Tây.

Trước khí thế của quần chúng, Tỉnh trưởng Lưu Văn Tào buộc phải giao chính quyền cho đại diện của Ủy ban Dân tộc giải phóng và tuyên bố giải tán chính quyền bù nhìn trong toàn tỉnh. Lưu Văn Tào xin chính quyền cách mạng cho làm người công dân của nước Việt Nam độc lập. Đồng chí Trần Ngọc Quế, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh long trọng tuyên bố:

- Chính quyền về tay Nhân dân.

- Bãi bỏ các thứ thuế vô lý do phát xít Nhật và thực dân Pháp đặt ra.

- Trả tự do cho tù chính trị.

- Bảo vệ tài sản cho Nhân dân.

- Tịch thu toàn bộ tài sản của thực dân Pháp.

Đồng chí kêu gọi toàn thể đồng bào lấy đoàn kết chung quanh chính quyền cách mạng để giữ gìn nền độc lập của Tổ quốc. Sau đó, các đồng chí trong Ủy ban Dân tộc Giải phóng chia nhau đi tiếp quản các cơ quan hành chính, kinh tế, văn hóa, ngân hàng, kho bạc… ở thị xã.

Cuộc khởi nghĩa thành công lan nhanh ra các địa phương trong tỉnh. Ở quận Ô Môn và Châu Thành, đến chiều ngày 26-8-1945 chính quyền hoàn toàn về tay Nhân dân. Riêng ở làng Thới Lai (Ô Môn), ngay từ ngày 18-8-1945, đồng chí Hoàng Chiếu, cán bộ của Đảng đã lãnh đạo Nhân dân cướp đồn Thới Lai, giải tán chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng. Nhân dân ở đây xây dựng một trung đội tự vệ, được trang bị một số súng. Đơn vị này được điều ra Cần Thơ bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và hỗ trợ cho Nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền.

Ở quận Phụng Hiệp, tên Quận trưởng gây nhiều tội ác với cách mạng, ngoan cố không chịu đầu hàng. Sáng ngày 27-8-1945, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, quần chúng đã tấn công bắt được hắn và tước súng của bọn lính quận. Ngay sau đó, Ủy ban nhân dân quận được thành lập.

Các địa phương khác trong tỉnh lần lượt thành lập chính quyền cách mạng. Về cơ bản, chính quyền ở Cần Thơ đã về tay Nhân dân nhưng tình hình còn nhiều phức tạp. Quân Nhật còn rất đông; các “lãnh tụ” Hòa Hảo, Cao Đài ngoài mặt tuyên bố hợp tác với cách mạng nhưng ngấm ngầm chống đối. Một số trí thức, học sinh, các thành phần lớp trên lo lắng, dao động. Trước tình hình đó, ngày 28-8-1945 Ủy ban hành chính Nam bộ quyết định thành lập Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ do đồng chí Trần Văn Khéo làm Chủ tịch. Đây là Ủy ban nhân dân được công nhận sớm nhất ở Nam bộ.

Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của Đảng bộ và Nhân dân Cần Thơ góp phần vào thắng lợi của cách mạng cả nước, mở ra một trang sử mới cho dân tộc.

(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>