Khi chính sách bám sát thực tiễn

17/09/2021 | 08:23 GMT+7

Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên ngày càng khẳng định tính đúng đắn, phát huy tốt vai trò an sinh, giúp các em được chăm sóc sức khỏe toàn diện.

“Lợi ích kép”

Theo TS. Phạm Lương Sơn (ảnh), Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chính sách BHYT học sinh, sinh viên đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành. Điều đó thể hiện qua quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý thực hiện chính sách BHYT, cùng nhiều Nghị quyết, Quyết định, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về thực hiện, triển khai có hiệu quả chính sách BHYT được ban hành trong những năm qua… Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số lượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT đã gia tăng đáng kể qua từng năm. Từ năm 2016, tỷ lệ tham gia BHXH của học sinh, sinh viên trên cả nước đạt 92,5%, trong khi tỷ lệ bao phủ dân số toàn quốc là 81,3%. Đến năm 2017, tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh, sinh viên trên cả nước đã tăng lên 93,5%. Đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì sang năm 2018 với tỷ lệ bao phủ đạt 94,2% và năm 2019 đạt khoảng 95%. Hiện nay, cả nước đang có 18 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 97% tổng số học sinh, sinh viên.

Sự gia tăng độ bao phủ ở nhóm người trẻ này có một ý nghĩa đặc biệt, bởi sự hình thành “thói quen”, và “in sâu” nhận thức của nhóm học sinh, sinh viên về lợi ích, trách nhiệm tham gia BHYT sẽ là nền tảng để tạo nên sự bền vững của chính sách BHYT trong tương lai, khi nhóm đối tượng này rời khỏi ghế nhà trường, trở thành chủ nhân của đất nước. Một “lợi ích kép” nữa trong việc phát triển BHYT học sinh, sinh viên là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chính sách nhân văn và thiết thực này. Bên cạnh việc học sinh, sinh viên là nhóm thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng 30%, thì nhiều tỉnh, thành phố đã hỗ trợ thêm từ 20-50% mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, nếu như trước đây, nhiều phụ huynh chỉ tham gia BHYT khi biết con mình mắc bệnh trọng, cần điều trị với chi phí lớn, thì nay đã chuyển sang chủ động tham gia BHYT cho con em mình ngay từ khi còn khỏe mạnh. Các em học sinh, sinh viên cũng được nâng cao nhận thức, hiểu biết song song với các hoạt động đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền từ phía nhà trường…

Nâng cao ý thức về trách nhiệm xã hội cho thế hệ trẻ

Ý nghĩa thực sự khi gia tăng BHYT học sinh, sinh viên không nằm ở con số tăng trưởng vượt trội, mà thể hiện ở lợi ích thực tế mà chính sách này mang lại trong chăm sóc sức khỏe. Hiệu quả của chính sách BHYT đối với nhóm học sinh, sinh viên còn thể hiện qua số lượt khám, chữa bệnh (KCB) gia tăng theo từng năm. Theo thống kê từ năm 2016 đến nay, tính trung bình mỗi năm, có khoảng trên 8 triệu lượt học sinh, sinh viên được KCB BHYT, với tổng chi phí lên tới hơn 2.100 tỉ đồng. Quỹ BHYT chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là học sinh, sinh viên mắc các bệnh nan y, mạn tính như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo; điều trị thuốc chống ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu đến hàng tỉ đồng... Đáng chú ý, BHYT chi trả đến 30% cho các trường hợp điều trị bệnh hiếm, trong khi quỹ BHYT ở hầu hết các nước trên thế giới chưa chi trả. Đồng thời, nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu trích từ quỹ BHYT đảm bảo cho y tế trường học - quyền lợi chỉ có ở nhóm học sinh, sinh viên cũng liên tục tăng qua các năm…

Có thể nói rằng, việc thực hiện BHYT bao phủ tất cả học sinh, sinh viên không chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân học sinh, sinh viên mà còn thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng và xã hội. Rõ ràng không phải không có lý do mà trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện chính sách BHYT, nhóm học sinh, sinh viên luôn được sự quan tâm đặc biệt. Trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, học sinh, sinh viên cũng được lựa chọn là nhóm cần sớm được bao phủ BHYT, nhằm tạo động lực phát triển BHYT toàn dân bền vững và vì một nền giáo dục toàn diện… Đó là quyết tâm rất lớn của Đảng và Chính phủ đối với việc thực hiện pháp luật BHYT nói chung và pháp luật BHYT đối với nhóm học sinh, sinh viên - thế hệ tương lai của đất nước nói riêng.

Từ năm 2020 đến nay, cả nước đang ở trong giai đoạn khó khăn khi dịch Covid-19 đe dọa đến nhiều thành quả kinh tế - xã hội đã đạt được. Đây cũng là thời điểm mà công tác chăm sóc sức khỏe cho toàn dân càng cần được chú trọng, và chính sách BHYT đang giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Vì thế, cho nên việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên càng cần được tiếp tục triển khai quyết liệt và triệt để, để 100% thế hệ trẻ được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thông qua BHYT. Quyết tâm chính trị này luôn cần sự chung sức, đồng lòng của gia đình, nhà trường, các cấp, các ngành và toàn xã hội…

Theo Tạp chí Bảo hiểm xã hội

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>