Bảo hiểm y tế chăm sóc toàn diện sức khỏe học sinh, sinh viên

10/09/2021 | 11:46 GMT+7

Thời gian qua, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên đã chứng minh tính ưu việt vượt trội, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe học sinh, sinh viên. Trước thềm năm học mới, TS. Ngô Thị Minh (ảnh), Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có trao đổi xoay quanh vấn đề này trên Tạp chí Bảo hiểm xã hội (BHXH)...

Thứ trưởng có đánh giá thế nào về công tác phối hợp giữa ngành giáo dục và đào tạo và BHXH Việt Nam trong chỉ đạo, tổ chức, thực hiện chính sách BHYT học sinh, sinh viên ?

- Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục về công tác BHYT học sinh, sinh viên, đối thoại về chính sách BHYT học sinh, sinh viên. Qua đó đã kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai BHYT học sinh, sinh viên. Công tác tuyên truyền các nội dung trong Luật BHYT và các chính sách của BHYT học sinh, sinh viên được ngành giáo dục tập trung chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên. Đồng thời, giao chỉ tiêu tham gia BHYT học sinh, sinh viên đối với từng cơ sở giáo dục; đưa chỉ tiêu tham gia BHYT học sinh, sinh viên là một trong các tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng cũng như để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện công tác BHYT học sinh, sinh viên, kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT học sinh, sinh viên. Đặc biệt, vừa qua, khi BHXH Việt Nam cho ra mắt ứng dụng “VssID-BHXH số”, ngành giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo phối hợp cùng BHXH các tỉnh, thành phố, hướng dẫn đăng ký cài đặt ứng dụng “VssID-BHXH số” cho các em học sinh, sinh viên.

Với sự hỗ trợ từ Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự nỗ lực trong công tác truyền thông, vận động của ngành giáo dục và đào tạo, BHXH và hệ thống các cơ sở giáo dục, số lượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT từng năm đã có sự gia tăng qua các năm. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, năm học 2020-2021, cả nước đã có khoảng 18 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 97%. Đồng thời, trung bình mỗi năm có khoảng 8 triệu lượt học sinh, sinh viên khám chữa bệnh BHYT, với tổng chi phí lên tới hơn 2.100 tỉ đồng... Điều đó đã khẳng định vị trí, vai trò của BHYT học sinh, sinh viên trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe các em.

Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay vẫn còn khoảng 3% học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT. Vậy, theo Thứ trưởng đâu là những vấn đề còn khó khăn, tồn tại trong thực hiện BHYT học sinh, sinh viên ?

- Mặc dù đã có quy định “bắt buộc” tham gia BHYT nhưng vẫn còn số ít phụ huynh, các em học sinh, sinh viên chưa nắm rõ được quy định này, các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc học sinh, sinh viên tham gia BHYT dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương, nhất là nhóm đối tượng sinh viên. Ngoài ra, hệ thống y tế học đường ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay cả nước có 40.493 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nhưng có đến 25,1% cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế trường học; 70% cơ sở giáo dục trong nhóm đã có cán bộ y tế trường học nhưng trình độ chuyên môn lại chưa bảo đảm quy định là có trình độ từ trung cấp y trở lên.

Để tạo điều kiện cũng như chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn cho học sinh, sinh viên, trong năm học mới này, cần tập trung vào những giải pháp gì để đạt được mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, thưa Thứ trưởng ?

- Năm học 2021-2022, ngành giáo dục và đào tạo và toàn xã hội đứng trước những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Với quyết tâm đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, các cấp học, trường đại học, cao đẳng sư phạm trên toàn quốc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp. Trước hết, cơ sở giáo dục tích cực triển khai công tác BHYT học sinh, sinh viên; đưa kết quả thực hiện BHYT học sinh, sinh viên vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của các sở giáo dục và đào tạo. Tích cực tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức tới học sinh, sinh viên và cha mẹ các em về quyền lợi, trách nhiệm, vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách, pháp luật về BHYT đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên. Kịp thời khen thưởng đối với tập thể nhà trường, cá nhân thực hiện tốt công tác BHYT học sinh, sinh viên. Hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại của quỹ BHYT cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu theo đúng quy định. Tham mưu UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với học sinh, sinh viên từ ngân sách của địa phương…

Xin cảm ơn Thứ trưởng !

Theo TẠP CHÍ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>