Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Điểm tựa của người lao động khi về già

21/01/2022 | 07:52 GMT+7

Không có nguồn thu nhập ổn định, ốm đau bệnh tật không được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả,... là những rủi ro, thiệt thòi của người lao động tự do khi về già. Hiểu được điều này, không ít người trong số họ đã lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện để được hưởng trợ cấp, có lương hưu, ổn định cuộc sống,...

Công tác tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện luôn được quan tâm đẩy mạnh.

Bên hiên nhà, chị Lưu Kim Ánh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 2, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh trò chuyện cùng một vài chị em hội viên. Trong câu chuyện cùng mọi người, ngoài nói về những kết quả năm qua mà chi hội đã thực hiện được, chị còn chia sẻ về lợi ích của BHXH tự nguyện. Chị Ánh nói rành rẽ: “Trước đây, chỉ có cán bộ đi làm mới có lương hưu, giờ thì những người như chị em mình cũng sẽ có lương hưu thông qua chính sách BHXH tự nguyện. Mọi người biết không, chính sách này hay và có nhiều lợi ích lắm”.

Để giải thích cho những gì vừa nói, chị Ánh tiếp tục nói thêm, BHXH tự nguyện là chính sách của Nhà nước, nên mọi người yên tâm. Khi tham gia BHXH tự nguyện, bà con sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia và được lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, đồng thời phương thức đóng linh hoạt như có thể đóng hàng tháng, 3 tháng, hoặc 6 tháng,… Đặc biệt, khi hết tuổi lao động và đóng đủ 20 năm còn được cấp thẻ BHYT miễn phí suốt đời để chăm sóc sức khỏe. Nói chung là có nhiều lợi ích cho lao động tự do lắm. Chị Ánh cho biết: “Nếu như chúng ta già, không thể đi làm kiếm tiền, lúc đó khoản lương hưu sẽ vô cùng ý nghĩa, giúp chúng ta trang trải cuộc sống, không phải cậy nhờ con cháu. Với nhiều lợi ích như vậy, vợ chồng tôi cũng đã tham gia chính sách này được hơn một năm rồi”.

Chị Ánh công tác ở ấp, còn chồng chị thì làm vườn. Chị bảo rằng, khi mình còn sức khỏe có thể đi làm kiếm tiền, cuộc sống cũng tạm ổn, nếu sau này sức khỏe yếu đi, không còn đủ khả năng lao động để nuôi sống bản thân và gia đình thì không biết phải làm sao. Vì vậy, vợ chồng chị cùng tham gia BHXH tự nguyện coi như bỏ ống để lo cho tuổi già. “Mình không có điều kiện thì chọn mức đóng thấp, khi nào cuộc sống ổn hơn thì chọn mức cao hơn”, chị Ánh chia sẻ.

Cũng với mục đích lo cho tuổi già, hơn 3 năm nay, chị Trần Thị Cẩm Nhung, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp đã tham gia BHXH tự nguyện. Chị Nhung làm nghề thợ may, còn chồng chị là giáo viên. Chị muốn sau này khi hết tuổi lao động, chị cũng có lương hưu như chồng, con cái đỡ phải lo, nên khi biết về chính sách BHXH tự nguyện chị đã tham gia. “Giờ đây, đâu chỉ cán bộ nhà nước mới có lương hưu, những lao động tự do như tôi cũng sẽ có lương hưu. Tôi thấy chính sách này ý nghĩa lắm!”, chị Nhung bộc bạch.

Còn anh Nguyễn Tứ Lan, ở phường IV, thành phố Vị Thanh, sau khi biết về những lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện cũng đã tích cực tham gia. Hiện nay, anh làm công nhân xây dựng, nhận được nhiều công trình. Nhờ công việc này giúp anh đủ trang trải cuộc sống. “Giờ còn trẻ, còn sức khỏe tôi cũng chưa nghĩ tới tuổi già khi không đi làm kiếm tiền được sẽ như thế nào. Nhưng khi nghe các anh, chị làm BHXH phân tích về những lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện, tôi đã tham gia đóng một lần cho cả 12 tháng”, anh Lan cho biết.

Nếu như BHXH bắt buộc có các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất thì BHXH tự nguyện gồm có hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Tức là, nếu đóng BHXH tự nguyện, người tham gia sẽ được hưởng lương hưu; đồng thời được trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất theo quy định… Tuy vậy, loại hình này vẫn được coi là sự lựa chọn đúng đắn đối với những người lao động tự do, công việc không ổn định. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc BHXH tỉnh, để đảm bảo cuộc sống khi về già, với những lao động tự do khi quyết định tham gia BHXH tự nguyện là quyết định “lợi đủ đường”, bởi vừa có thu nhập ổn định, lại được chăm sóc sức khỏe trọn đời, sống an nhàn không phụ thuộc vào con cháu. Mọi người hãy xem sổ BHXH là một tài sản, của để dành cho tương lai.

Từ năm 2022, mức đóng BHXH tự nguyện thay đổi. Cụ thể, mức thu nhập thấp nhất lựa chọn làm căn cứ tham gia BHXH tự nguyện bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (1,5 triệu đồng). Với tỷ lệ đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập lựa chọn, thì số tiền đóng mỗi tháng tương đương 297.000 đồng (đã được Nhà nước hỗ trợ 10% mức đóng), tỷ lệ hưởng lương hưu khi đến tuổi có thể đạt đến 75% bình quân mức thu nhập làm lựa chọn đóng. Ngoài ra, người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ BHYT có mức hưởng 95% khi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Bên cạnh đó, người thân, người chăm lo cho người tham gia BHXH còn được hưởng chế độ tuất khi người tham gia BHXH tự nguyện không may qua đời.

T.TÚ - B.CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>