Tiến tới loại trừ bệnh phong

10/09/2019 | 07:47 GMT+7

Loại trừ bệnh phong ở 4/8 huyện, thị xã, thành phố trong năm 2019, là mục tiêu mà tỉnh đã đề ra và ngành y tế Hậu Giang quyết tâm thực hiện.

Ông H. luôn tự tin để hòa nhập cộng đồng chính nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ địa phương.

Quan tâm phòng, chống bệnh phong

Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh đang quản lý 170 bệnh nhân phong (66 trường hợp đang giám sát và 104 người ngừng giám sát nhưng vẫn được chăm sóc tàn tật). Thông tin từ ngành y tế tỉnh, số bệnh nhân phong ngày càng giảm dần, tình hình chăm sóc tàn tật được duy trì tốt, không có tàn tật thêm… Bà Nguyễn Hồng Nhặn, Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần và Da liễu tỉnh, chia sẻ: “Chúng tôi luôn kết hợp chặt chẽ với trung tâm y tế các địa phương, cán bộ chương trình, cộng tác viên tiến hành giám sát, quản lý chặt chẽ bệnh nhân phong trong cộng đồng. Với những kế hoạch đã đề ra, chúng tôi đang thực hiện cụ thể theo lộ trình, tiến tới loại trừ bệnh phong ở cấp huyện”.

Điều trị bệnh phong giờ đây không cần phải cách ly hay tập trung mà sẽ được thực hiện tại hộ gia đình. Nếu điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ tiến triển khá tốt, giúp ngăn ngừa tổn thương mô, hạn chế sự lây lan của bệnh và các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng sức khỏe. Nhưng do nhiều nguyên nhân, người bệnh có thể bị di chứng tàn tật, bởi phát hiện muộn, không được điều trị kịp thời. Điều cần thiết là nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe cho mọi người, cung cấp kiến thức để phát hiện bệnh, tránh những biến chứng về sau.

Những năm qua ở Hậu Giang, 100% bệnh nhân phong mới đều được đa hóa điều trị, không có người bỏ trị kể cả từ năm trước chuyển sang. Đây được xem là tín hiệu tích cực, đáng mừng nhằm góp phần giúp ngành y tế tỉnh nhà làm tốt hơn công tác loại trừ bệnh phong ở cấp huyện trong thời gian tới.

Ông Ngô Văn Vũ, cán bộ phụ trách chương trình phong, Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Mới đây, các cộng tác viên, giáo viên trường THCS được tập huấn kỹ năng tư vấn, tuyên truyền kiến thức liên quan về bệnh phong. Nhờ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông tại cộng đồng, giúp người bệnh và người nhà bệnh nhân hiểu, sẵn sàng phối hợp, cũng như hạn chế sự xa lánh của mọi người xung quanh”.

Ngành y tế luôn thực hiện tốt giữa phòng ngừa tàn tật, chăm sóc lỗ đáo tích cực cho người bệnh hoặc hướng dẫn bệnh nhân cách tự thực hiện. Nhờ đó, tình hình lỗ đáo ngày càng giảm, bệnh nhân cải thiện được chức năng lao động, có thể tái hòa nhập cộng đồng, giảm bớt thành kiến của xã hội.

Quyết tâm loại trừ bệnh phong

Ông Trần Văn H., ở khu vực 4, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Những năm 1999, tôi thấy chân tê nhưng đâu nghĩ bệnh, do cuộc sống mưu sinh nên không đi điều trị, lúc nặng quá đến bệnh viện thì mới biết bị phong. Hiện nay, tôi vẫn sinh hoạt bình thường ở gia đình, cũng không ngại ngần gì khi tiếp xúc mọi người xung quanh do biết bệnh rất khó lây”. Từ việc phát hiện muộn, lại một vết tổn thương trên bàn chân và loét dần khiến ông H. đi lại khó khăn. Sau đó, ông đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ 2 ngón ở bàn chân trái.

Cán bộ y tế luôn hướng dẫn ông cách vệ sinh chân hàng ngày, lời khuyên nên hạn chế đi lại, khi làm việc phải mang bảo hộ để tránh bị các vật sắc nhọn đâm phải. Bà Phạm Thị B., vợ ông H., bộc bạch: “Nhờ cán bộ y tế quan tâm, động viên, chia sẻ kiến thức nên gia đình tôi rất thoải mái tâm lý dù ông nhà bị bệnh. Gia đình tôi cũng không mặc cảm, vẫn sinh hoạt và lao động bình thường. Nhờ uống thuốc đều đặn, biết cách chăm sóc nên sức khỏe chồng tôi ổn định, gia đình ai cũng mừng”.

Những bệnh nhân phong đa phần kinh tế đều khó khăn, việc giúp họ được tái hòa nhập cộng đồng là thật sự cần thiết. UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2019-2023, đề ra nhiều mục tiêu cụ thể, như 100% số người bệnh có lỗ đáo được điều trị; số người bệnh có bàn chân mất cảm giác được cấp giày phòng ngừa lỗ đáo; số người bệnh phong phát hiện được đa hóa trị liệu…

Trong năm 2019, tỉnh sẽ tiến tới loại trừ bệnh phong ở 4 địa phương là thị xã Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ, huyện Châu Thành và huyện Long Mỹ. Ở các địa phương này đều chủ động và thực hiện nghiêm túc các phần việc liên quan dưới sự hỗ trợ, giám sát từ ngành y tế tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thêu, cán bộ phụ trách chương trình phong, Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ, cho biết: “Chúng tôi hiện quản lý 13 bệnh nhân phong đang điều trị tại nhà. Tôi thường xuống vãng gia tại hộ gia đình để giúp đỡ họ khi cần thiết, tư vấn thêm kiến thức... Ngoài ra, chủ động phát hiện sớm cas bệnh trong cộng đồng, để điều trị kịp thời, hạn chế tàn tật”.

Ngoài ngành y tế, mỗi người dân hãy cùng chung tay hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh phong cấp huyện.

4 tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế về loại trừ bệnh phong

Để được công nhận loại trừ bệnh phong, địa phương cần đảm bảo 4 tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Tiêu chuẩn 1: Trong 3 năm liền tỷ lệ lưu hành bệnh phong dưới 0,2/10.000 dân. Tiêu chuẩn 2: Tại thời điểm kiểm tra, tỷ lệ phát hiện bệnh phong mới dưới 1/100.000 dân. Tiêu chuẩn 3: Tại thời điểm kiểm tra tỷ lệ bệnh phong mới được phát hiện bị tàn tật độ 2 dưới 15%. Tiêu chuẩn 4: Kiểm tra ngẫu nhiên 20% cán bộ (bao gồm cán bộ khối Đảng, chính quyền, cán bộ đoàn thể của xã); cán bộ y tế và học sinh THCS tại xã: 100% số người được kiểm tra đều trả lời đúng các câu hỏi cơ bản trong nội dung tuyên truyền về bệnh phong.

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>