Nhiều hộ dân chưa chủ động phòng, chống dịch bệnh

28/04/2017 | 07:16 GMT+7

Sau 3 ngày ra quân, Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, zika đợt 1 năm 2017 trên phạm vi toàn tỉnh, qua thực tế ở nhà hộ dân, nhiều vật dụng chứa nước vẫn có lăng quăng, điều kiện môi trường xung quanh nhà ở còn ô nhiễm.

Tuyên truyền, kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước nhà bà Bùi Thị Liền, ở thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A.

Do bận bịu nên không có thời gian diệt… lăng quăng

Tại khu vực 1, phường IV, thành phố Vị Thanh, theo đoàn cán bộ đi giám sát thực tế tại nhà người dân mới thấy vẫn còn không ít nhà có lăng quăng. Bà Võ Thị Tư giải thích: “Thường thì chỉ đậy các kiệu chứa nước để uống, vật dụng xung quanh nhà chưa để ý, gia đình sẽ dọn dẹp để không có lăng quăng”. Còn nhà của ông Đinh Văn Trạng, cũng ở khu vực 1, phường IV, có một lu chứa nước dùng để rửa tay chân có lăng quăng. Khi cán bộ đến kiểm tra có lăng quăng, ông Trạng đã tự đổ nước trong lu để diệt lăng quăng.

Ông Trương Tỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đánh giá: “Đi 10 hộ đã có 5 hộ nhà có dụng cụ chứa nước có lăng quăng là thực trạng đáng lưu ý ở khu vực này. Ở đây, trong các kiệu chứa nước uống thường không có lăng quăng mà chỉ những vật dụng xung quanh nhà hay các lu chứa nước rửa tay, chân có lăng quăng. Một số gia đình còn vứt rác bừa bãi xung quanh nhà, điều kiện môi trường chưa đảm bảo”.

Tình trạng cũng tương tự ở ấp Láng Hầm, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, hộ dân có kiến thức biết thực hành phòng bệnh sốt xuất huyết nhưng thực hành chưa triệt để. Nhà bà Bùi Thị Liền, có 3 kiệu nước nhưng chỉ đậy kín 2 kiệu, còn 1 kiệu để sinh hoạt hàng ngày không được đậy nắp. Bà Liền nói: “Kiệu đó chỉ để rửa tay, không có uống”. Nhà bà Nguyễn Thị Chính gần đó cũng có mấy lu, thùng nhựa chứa nước chưa đậy kín. Tuy nhiên, bà Chính có để dầu lửa vào một vài lu nước nên không có lăng quăng nhưng có mùi hôi của dầu lửa. Riêng 2 dụng cụ chứa nước bằng nhựa thì không có làm cách này, đây là môi trường thuận lợi để muỗi lăng quăng sinh sôi, nảy nở.

Các hộ dân đều nói vì lý do bận bịu công việc nên đa số chưa thực hành phòng bệnh đúng và đầy đủ. Bà Phạm Thị Thẻ, cộng tác viên khu vực 1, phường IV, nói: “Lăng quăng vài ba ngày là có lại, gia đình phải kiểm tra thường xuyên chứ mình không thể đi kiểm tra cho bà con hoài”. Cùng chung nhận định, ông Lê Minh Thi, Phó Chủ tịch UBND phường IV, khẳng định: “Người dân chưa quan tâm nhiều việc phòng bệnh. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các khu vực tăng cường tuyên truyền nhất là đối với những gia đình còn chưa thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà có lăng quăng. Đồng thời, cho khai thông cống rãnh để tạo môi trường thông thoáng phòng, chống dịch bệnh”. Phường IV, thành phố Vị Thanh là địa bàn có số cas bệnh tay - chân - miệng nhiều nhất tỉnh hiện nay với 15 cas bệnh. Ông Chu Biên Cương, Phó trạm Y tế phường IV, cho biết: “Đa số trẻ mắc bệnh thuộc nhóm trẻ chưa đến trường, ở nhà gia đình giữ. Vì vậy, chiến dịch lần này chúng tôi tập trung truyên truyền phòng bệnh tay - chân - miệng ở các gia đình”.

Khó khăn trong truyền thông, nhân rộng mô hình

Những tháng đầu năm nay, trên địa bàn huyện Phụng Hiệp tình hình dịch bệnh tay - chân - miệng và bệnh sốt xuất huyết đều gia tăng, ngành y tế huyện đã triển khai chiến dịch sớm hơn trước khi tỉnh ra quân chiến dịch và đồng thời thực hiện chiến dịch lần này. Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng mô hình điểm phòng chống dịch bệnh ở hai ấp có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao là ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng và ấp 4, xã Hòa Mỹ. Mô hình này bước đầu được nhận định mang lại hiệu quả tích cực. Bà Lê Kim Hồng, Trưởng trạm Y tế xã Hòa Mỹ, cho biết: “Thực hiện mô hình này, địa phương đã huy động toàn lực cộng tác viên, cán bộ trạm, các ban, ngành, hội đoàn thể và sự hỗ trợ của Trung tâm Y tế huyện tập trung đi tuyên truyền vận động từng nhà dân. Do số lượng cán bộ tuyên truyền đông nên có nhiều thời gian truyền thông cho các gia đình và hiệu quả cao”. Tuy nhiên, hiện tại địa phương muốn nhân rộng mô hình này mà chưa thể nhân rộng được. Bà Hồng cho biết thêm: “Khó khăn lớn nhất là không có kinh phí để nhân rộng mô hình, vì cần có khoản tiền hỗ trợ cộng tác viên đi tuyên truyền. Nếu nhân rộng được hiệu quả phòng bệnh sẽ cao hơn”.

Khó khăn về kinh phí không chỉ ở xã Hòa Mỹ, mà công tác truyền thông ở tỉnh cũng gặp khó. Ông Lê Văn Chúc, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh, cho biết: “Kế hoạch thực hiện chiến dịch có tổ chức tọa đàm nhưng đến nay chưa có kinh phí. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch khi nào có kinh phí sẽ tổ chức tọa đàm trực tiếp trên Đài PT-TH tỉnh. Buổi tọa đàm lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, lãnh đạo trung tâm y tế huyện sẽ trực tiếp trao đổi với khán giả các vấn đề liên quan đến dịch bệnh”. Đến nay, tờ rơi tuyên truyền vẫn chưa có kinh phí để in, một số địa phương tận dụng tờ rơi những năm trước để tuyên truyền. Qua thực tế cùng các tổ đi tuyên truyền ở cộng đồng, một số gia đình không có ở nhà hoặc có gia đình chỉ có người lớn tuổi và trẻ nhỏ ở nhà nên hiệu quả truyền thông còn chưa cao.

Theo ngành chức năng, để chiến dịch phòng, chống dịch bệnh có hiệu ứng tốt, bên cạnh sự nỗ lực của ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người từ tỉnh đến xã, sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể thì nhất định phải có sự chung tay thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh của hộ dân.

Thực hiện Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, zika đợt 1 năm 2017, đến nay tất cả các xã, phường, thị trấn đã ra quân xuống tận nhà dân để tuyên truyền và đề ra mục tiêu 100% hộ dân được truyền thông phòng, chống các loại bệnh này. Chiến dịch diễn ra từ ngày 25 đến 28-4.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>