Kiểm soát đường biên giới Tây Nam: Chống mầm bệnh từ người buôn lậu

25/03/2020 | 13:54 GMT+7

Việc đóng chặt các đường mòn, lối mở kiểm soát dịch khiến một số hàng hóa ở các khu vực biên giới tăng giá. Điều này khiến cho các đối tượng buôn lậu càng liều lĩnh hơn. Và đó cũng là nguồn lây bệnh qua biên giới.

Tổ công tác đo thân nhiệt và làm tờ khai y tế tại cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương - Ảnh: BỬU ĐẤU

Để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan từ hướng Campuchia, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tình hình vẫn còn khá nhiều khó khăn.

Nguy cơ hàng lậu gia tăng

Ghi nhận ở khu vực biên giới xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang ngày 24-3 cho thấy chỉ một đoạn biên giới dài 6,2km đã được bố trí 11 tổ lực lượng dựng lều trại để ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép. Nhưng khả năng "lọt" một số đối tượng buôn lậu vẫn có thể xảy ra.

Mới đây, lãnh đạo Đội quản lý thị trường số 2, huyện Tịnh Biên cho biết đơn vị đã liên tiếp phát hiện hàng lậu như điện máy, điện lạnh, máy điều hòa nhiệt độ... đã qua sử dụng ở khu vực kênh Vĩnh Tế, xã An Nông, huyện Tịnh Biên. Toàn bộ lô hàng này được cho là xuất xứ từ chợ Gò Tà Mâu ở Campuchia (đối diện phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc).

"Có thể do biên giới đóng cửa nên nhóm buôn lậu đã tuồn hàng này vào nội địa để bán nhưng đã bị chúng tôi bắt quả tang khi xe này đang vận chuyển. Vấn đề là họ tuồn hàng này qua bằng cách nào thì chưa biết" - vị này nói.

Ông N.V.T., 53 tuổi, ngụ xã Vĩnh Xương, cho biết nếu như trước kia nhóm buôn lậu thường hay lợi dụng 5 đường mòn dân sinh ven khu vực cửa khẩu thì nay đã đổi hướng hoạt động và thay đổi khung thời gian hoạt động theo tình hình dịch bệnh.

"Nhóm buôn lậu bây giờ vẫn đi nhỏ lẻ xuống vào ban đêm nhưng đi đường khác. Thay vì lúc trước họ đi ngay địa bàn xã Vĩnh Xương thì nay đã chuyển sang đi đường giáp ranh giữa Vĩnh Xương và xã Phú Lộc" - ông T. nói.

Trong khi đó ở biên giới Long An, chỉ trong đêm 22, rạng sáng 23-3, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp đã liên tiếp bắt giữ một xe ba gác chở 33.000 chiếc khẩu trang không rõ nguồn gốc định tuồn qua Campuchia và một lô hàng 1.200 gói thuốc lá định nhập lậu vào Việt Nam.

Đại tá Đoàn Văn An - chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Long An - cho rằng dù vẫn cho lưu thông hàng hóa theo đường chính nhưng các đường mòn, lối mở bị đóng và kiểm soát chặt chẽ, chắc chắn nhu cầu hàng hóa qua lại giữa hai bên vẫn tăng cao.

"Một số hàng hóa như thuốc lá tăng giá thì các đối tượng buôn lậu lại liều mình thực hiện" - ông An nói.

Xâm nhập trái phép để trốn dịch

Từ khi có dịch COVID-19, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết chỉ ghi nhận 1 trường hợp xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua đường mòn.

Tuy nhiên, theo thiếu tá Trần Duy Ê - chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước, sắp tới có thể sẽ có hai loại đối tượng tìm cách xâm nhập trái phép là qua lại để làm ăn và qua Việt Nam để trốn dịch bệnh.

"Chốt chặn cuối cùng sẽ là các tổ tự quản đường biên cột mốc và người dân sống hai bên biên giới. Qua tuyên truyền, từng thành viên tổ tự quản và người dân hợp tác tốt với lực lượng chức năng nhanh chóng báo ngay những trường hợp người lạ xuất hiện ở địa phương" - đại tá Duy Ê chia sẻ.

Chưa kể, địa bàn xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự trước đây có khá nhiều người dân Việt Nam sang Campuchia làm ăn, buôn bán và ngược lại, nhiều người dân xã Coroka, huyện Peam Chor, tỉnh Prây Veng sang Việt Nam mua nhu yếu phẩm.

Trong những ngày đầu thực hiện lệnh cấm người dân hai nước qua lại, người dân xã Coroka gặp nhiều khó khăn vì không có hàng hóa, nhu yếu phẩm để sử dụng. Họ đã quá quen việc đi chợ Thường Phước thay vì phải đi hơn 20km sâu vào Campuchia mới có chợ.

Do đó, lực lượng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu Thường Phước thường phát hiện tình trạng lén ném hàng hóa qua biên giới để "chữa cháy", trong đó có cả nước đá giải khát trong những ngày nắng nóng.

Tạm thời, để giúp người dân xã Coroka, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước quyết định thành lập điểm trao đổi hàng hóa, với điều kiện người mua, người bán không tiếp xúc trực tiếp. Cụ thể, ngay tại cửa khẩu bố trí một điểm trao đổi và một chiếc bàn để ở giữa.

Giao dịch mua bán thông qua điện thoại, hàng hóa để trên bàn, người mua khi nhận hàng hóa cũng để tiền tại bàn. Tuy nhiên, hình thức này cũng gây ra lo ngại lây lan dịch bệnh, chủ yếu là việc tiếp xúc tiền mặt.

Theo S.LÂM - N.TÀI - B.ĐẤU – Tuổi trẻ Online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>