Không chủ quan trong phòng, chống sốt xuất huyết

21/07/2019 | 23:32 GMT+7

Muốn đẩy lùi sốt xuất huyết (SXH), ngoài vai trò chủ đạo từ ngành y tế, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể thì người dân vẫn là yếu tố cốt lõi.

Để phòng, chống SXH, người dân hãy chung tay diệt muỗi, diệt lăng quăng.

Thống kê từ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, đến ngày 17-7, toàn tỉnh ghi nhận 192 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 110 cas so cùng kỳ. Bệnh đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao nếu không có những giải pháp phòng, chống tích cực.

Chủ động từ người dân

Tình hình SXH trên địa bàn huyện Long Mỹ đến nay vẫn được kìm chế ở mức độ ổn định, chưa có dấu hiệu bùng phát, khi chỉ ghi nhận 7 cas bệnh và hơn 1 tháng qua không xuất hiện trường hợp mới. Ông Trần Phong Nhã, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ, cho biết: “Do nắm bắt được tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng phòng, chống dịch chủ động, phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, ban, ngành, đoàn thể địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, đặc biệt là ý thức tự phòng, chống”.

Xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ là 1/16 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận cas bệnh SXH, đến ngày 17-7. Bởi bên cạnh nỗ lực từ cán bộ làm công tác phòng, chống dịch bệnh còn có sự tham gia vào cuộc của chính quyền địa phương, mạng lưới cộng tác viên, tổ y tế phủ khắp. Từ đó, phát huy tối đa hiệu quả việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân. Bà Duy Thị Đẹp, ở ấp 5, xã Xà Phiên, nói: “Tôi đậy kín lu, khạp chứa nước, thường xuyên cọ rửa để tránh muỗi đẻ trứng, quần áo trong nhà cũng được sắp xếp sao cho ngăn nắp. Phòng, chống SXH là trách nhiệm của bản thân chứ không nên trông chờ, ỷ lại vào địa phương. Mỗi người cùng tự ý thức, góp phần chung tay thực hiện việc phòng, chống bệnh mới mang lại kết quả, đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh”.

Hầu hết người dân trên địa bàn xã đều biết cách phòng, chống SXH, được thực hiện cụ thể dưới nhiều hình thức như dọn dẹp vệ sinh nơi ở, phát quang bụi rậm, ngủ mùng kể cả ban ngày, tích cực diệt muỗi, diệt lăng quăng,… Ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng khám Đa khoa khu vực Xà Phiên, thông tin: “Người dân đã có ý thức phòng bệnh, nhưng điều chúng tôi cần làm là tuyên truyền đi vào chiều sâu, những kiến thức cụ thể như muỗi gây bệnh SXH sống ở đâu, thường xuất hiện thời điểm nào, mức độ nguy hiểm, tác hại sức khỏe… Khi người dân hiểu càng rõ về hệ lụy mà SXH mang lại thì ý thức sẽ cao hơn”.

Có kiến thức phòng, chống bệnh

Còn thị xã Long Mỹ, tính đến ngày 17-7, ghi nhận 9 cas SXH, tăng 2 cas so cùng kỳ (tăng ít nhất so với các địa phương trong tỉnh). Trong đó, có 6/9 xã, phường xuất hiện cas bệnh, dao động từ 1-2 cas/đơn vị. Phường Thuận An dù tập trung đông dân cư, khu vực chợ, việc kiểm soát tình hình dịch bệnh không hề dễ dàng, nhưng hiện vẫn chưa ghi nhận cas bệnh nào. Bà Phạm Ngọc Nhãn, Trưởng trạm Y tế phường Thuận An, nói: “Chúng tôi thực hiện vãng gia tại hộ dân, kiểm tra mật độ lăng quăng để diệt kịp thời. Y tế địa phương luôn thực hiện phòng, chống bệnh với phương châm, mỗi người dân là một cộng tác viên tuyên truyền SXH”.

Truyền thông sâu rộng (gián tiếp và trực tiếp), là cách để từng bước thay đổi hành vi cộng đồng, giúp việc vận động người dân tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng bệnh SXH dễ dàng hơn. Truyền thông còn giúp người dân kịp thời cập nhật tình hình dịch bệnh, để thực hiện theo đúng các khuyến cáo của ngành y tế trong công tác phòng bệnh SXH.

Chị Lê Thị Thúy Vân, ở khu vực 6, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, nói: “SXH chưa có thuốc đặc trị, đặc biệt là vào mùa mưa dễ sinh thêm lăng quăng - nguyên nhân gây bệnh, nên tôi rất ngán ngại. Vì vậy, tôi cho con ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc áo dài tay, đốt nhang muỗi để không bị muỗi đốt. Khi thành viên trong gia đình có biểu hiện nóng sốt, tôi đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để khám kịp thời, bởi người lớn cũng có thể bị SXH”.

Còn chị Lưu Thị Thanh Dung, ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, bộc bạch: “Nhờ nghe nhiều thông tin trên báo, đài nên tôi có thêm kiến thức, hiểu cách thức phòng, chống bệnh SXH. Tôi luôn đảm bảo vệ sinh môi trường quanh nhà thông thoáng, không tạo nơi ứ đọng nước mưa nhằm hạn chế muỗi đẻ trứng. Muỗi gây bệnh SXH thường cắn vào lúc sáng sớm và chiều tối nên thời gian này mình cần phải cảnh giác nhiều hơn”.

 Hiện nay, tình hình SXH tuy vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng thời gian tới, nhất là vào mùa mưa, bệnh này sẽ tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Do đó, cách phòng, chống SXH tốt nhất vẫn là diệt muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt, người dân không được chủ quan, lơ là. Công tác phòng chống dịch bệnh SXH không phải là nhiệm vụ của riêng ngành y tế mà cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Ngành y tế cần lắm sự ý thức, chủ động, tự giác phòng, chống dịch bệnh nơi người dân. Mỗi người dân hãy cùng chung tay diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng, chống SXH nhằm bảo vệ sức khỏe gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>