Hiểu đúng để không kỳ thị người nhiễm HIV

23/10/2017 | 08:49 GMT+7

Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là thực trạng vẫn đang tồn tại trong cộng đồng, nhiều giải pháp truyền thông nhằm giảm sự kỳ thị đã và đang được thực hiện để khắc phục vấn đề này.

Người dân chăm chú nghe nói về căn bệnh HIV ở Trường Mẫu giáo Xà Phiên 1 (huyện Long Mỹ).

Chia sẻ, thông cảm với người bệnh sau khi được tuyên truyền

Một buổi truyền thông nhóm vừa được Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS triển khai ở Trường Mẫu giáo Xà Phiên 1, huyện Long Mỹ, cho đối tượng là cán bộ, giáo viên, phụ huynh của trường. Có rất nhiều người đến tham dự và chăm chú nghe thông tin về căn bệnh HIV/AIDS. Đây là buổi truyền thông có nội dung tuyên truyền khá sâu về căn bệnh HIV/AIDS nhằm cung cấp kiến thức đầy đủ để mọi người không phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS. Chị Huỳnh Thị Chúc Linh, phụ huynh có con học lớp lá 2, chia sẻ: “Mình quan tâm nhất là đường lây bệnh, các bác sĩ đã giải thích rõ bệnh chỉ lây qua đường máu, quan hệ tình dục và lây truyền từ mẹ sang con. Những tiếp xúc thông thường thì không lây bệnh, khi biết được thông tin như vậy, đối với người nhiễm HIV tôi không còn lo bị lây nhiễm khi trò chuyện với họ, an tâm hơn, không sợ nhiều như trước”.

Chị Chúc Linh chỉ là một trong hơn một trăm người được truyền thông về căn bệnh HIV/AIDS ở buổi truyền thông nhóm này. Qua buổi truyền thông đã cung cấp kiến thức đầy đủ cho người nghe về căn bệnh HIV. Ông Võ Chí Đại, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết: “Nội dung truyền thông tập trung giải thích rõ cho người nghe về các đường lây nhiễm, nguyên nhân lây nhiễm HIV/AIDS, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh. Tuyên truyền về ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức cũng như người dân về thái độ cảm thông, giúp đỡ, không kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS. Tuyên truyền các quy định của pháp luật về căn bệnh này”.

Buổi truyền thông đã làm thay đổi trong suy nghĩ và hành động của người dân, giảm được sự kỳ thị đối với người bị nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, cũng cung cấp cho cán bộ, giáo viên của trường những kiến thức cơ bản để phòng lây bệnh ở trường nếu có trẻ nhiễm HIV và giúp người nhiễm bệnh hòa nhập cộng đồng. Bà Dương Thị Ánh Hồng, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Xà Phiên 1, khẳng định: “Sau buổi truyền thông, thầy, cô giáo ở trường và cả phụ huynh các bé đã có sự thông cảm, chia sẻ và an tâm hơn về căn bệnh HIV/AIDS. Hình thức truyền thông đa dạng giúp mọi người dễ tiếp cận vừa nghe, xem băng đĩa, vừa được phát tờ rơi và hỏi đáp trực tiếp. Với sự hiểu biết đúng mong rằng sẽ không còn tình trạng phân biệt kỳ thị đối với người nhiễm HIV”.

Tiếp tục nhân rộng và phát huy các buổi truyền thông nhóm

Theo bác sĩ Vũ Hải Đường, Trưởng khoa Giám sát, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, khi một người nhiễm HIV/AIDS trải qua thời gian điều trị khoảng 6 tháng, đồng thời tuân thủ điều trị tốt, xét nghiệm miễn dịch (CD4) cao trên 500 tế bào, tải lượng vi-rút không phát hiện thì tỷ lệ lây truyền cho người khác là rất thấp. Đối với đường lây truyền từ mẹ sang con theo nghiên cứu của các chuyên gia chỉ khoảng 1,7%. Trong tỉnh thì trước giờ chưa có trường hợp người nhiễm HIV nào trong quá trình điều trị, sinh hoạt chung mà xảy ra tình trạng chồng lây cho vợ hay vợ lây cho chồng hay lây cho người khác trong gia đình.

Hình thức truyền thông này đã cho thấy hiệu quả tốt, được Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh xác định sẽ là một trong những hình thức truyền thông chủ yếu thời gian tới. Theo ông Võ Chí Đại, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh: “Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng và phát huy các buổi truyền thông nhóm như thế này vì hiệu quả đem lại giúp người dân hiểu sâu hơn và đúng hơn về bệnh HIV/AIDS. Qua buổi tiếp xúc truyền thông cũng có thể trực tiếp biết được người dân đang thiếu kiến thức gì về căn bệnh này để định hướng tuyên truyền phù hợp. Trước mắt, sẽ tiếp tục chọn những địa bàn trọng tâm để truyền thông trước, sau đó mới tiếp tục nhân rộng thêm”.

Ngoài truyền thông nhóm, thời gian qua hoạt động truyền thông về căn bệnh HIV/AIDS đã được thực hiện với nhiều hình thức qua báo, đài, băng rôn, tờ rơi, tờ bướm, sổ tay, cẩm nang,… Trung tâm cũng duy trì thường xuyên mua tạp chí phòng, chống HIV/AIDS để cấp phát cho các cơ quan, đơn vị. Tại các cơ sở y tế luôn duy trì truyền thông về bệnh HIV/AIDS lồng ghép với tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện. Nhờ vậy, dần nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh HIV/AIDS và giảm kỳ thị ở cộng đồng.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>