Cần lắm bác sĩ thể thao

18/10/2018 | 09:35 GMT+7

Tình trạng thiếu bác sĩ thể thao đã và đang xảy ra ở khắp các trung tâm huấn luyện thể thao trong cả nước và kéo dài từ nhiều năm qua. Vậy tại Hậu Giang thực trạng này ra sao ?

Anh Trung vừa đảm trách vị trí HLV, vừa chăm sóc VĐV khi thi đấu.

“Bác sĩ thể thao” là một cụm từ còn khá xa lạ đối với nhiều người, bởi đến nay lực lượng này ở tỉnh vẫn chưa có. Đa phần các giải thể thao lớn nhỏ khi tổ chức chỉ có vài cán bộ y tế đảm trách việc hỗ trợ chữa trị chấn thương trong thi đấu của vận động viên (VĐV). Riêng việc chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng cho VĐV thể thao thành tích cao, hầu hết đều phụ thuộc vào huấn luyện viên (HLV). Tuy HLV là người gần gũi, chia sẻ cùng VĐV nhưng để có được sự am hiểu vững chắc về tình trạng sức khỏe, chấn thương trong thi đấu vẫn còn lắm khó khăn. Ông Lê Tấn Hảo, HLV karatedo tỉnh, nói: “Khi VĐV bị chấn thương tôi trực tiếp chăm sóc, đưa các em đến cơ sở y tế điều trị. Bản thân HLV chúng tôi phải vừa đảm trách vai trò huấn luyện, vừa là người chăm sóc VĐV”.

Nhiều năm qua, những người gắn bó với công tác thể thao tỉnh nhà luôn mong mỏi có thêm sự hỗ trợ cần thiết từ lực lượng bác sĩ thể thao. Đây có thể được xem là cánh tay đắc lực của HLV, giúp kiểm soát chế độ dinh dưỡng, sức khỏe VĐV. Từ đó, đưa ra nhiều định hướng, giải pháp hiệu quả kịp thời trong tập luyện. Việc thiếu bác sĩ thể thao cũng là nguyên nhân khiến phong trào thể thao gặp nhiều hạn chế, khó khăn trong việc cải thiện thành tích. HLV cử tạ Huỳnh Thị Ngọc Đào bộc bạch: “Tôi thật sự rất mong muốn có bác sĩ hỗ trợ điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp hơn cho các em. Điều này sẽ giúp thuận lợi trong tập luyện, hạn chế những chấn thương hy hữu có thể xảy ra”. Bác sĩ thể thao là một “nghề” còn khá mới mẻ với nhiều người, vì thế ít ai lựa chọn đi theo con đường này. Đó cũng là nguyên nhân khiến nguồn bác sĩ thể thao bị khan hiếm ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Bên cạnh đó, bác sĩ thể thao có vai trò đảm bảo tốt nhất sự hồi phục và diễn tiến chấn thương của VĐV. Nhờ sự giám sát chặt chẽ từ bác sĩ thể thao, giúp nhiều VĐV kịp thời điều chỉnh và tập luyện phù hợp để hồi phục chấn thương nhanh chóng, tránh trường hợp phải giã từ sự nghiệp khi đang độ chín. Ngoài hỗ trợ ổn định thể lực, tập luyện, đưa ra lời khuyên nhằm kiểm soát và phòng ngừa chấn thương, bác sĩ thể thao còn thiết lập khẩu phần ăn cho VĐV phù hợp với bài tập. Yếu tố này vô cùng quan trọng giúp VĐV sử dụng và nạp nguồn năng lượng đầy đủ, hỗ trợ tốt hơn trong cải thiện sức khỏe và thành tích. Anh Lương Minh Trung, HLV môn bóng rổ, cho biết: “Bóng rổ là môn tập thể nên rất cần có một bác sĩ riêng để áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp. Tuy nhiên, do khó khăn chung của địa phương nên chúng tôi đành chấp nhận”.

Tay nghề của bác sĩ thể thao tốt đến đâu, câu trả lời sẽ thể hiện qua phong độ VĐV trên sân. Do đó, vai trò, vị trí của bác sĩ thể thao vô cùng quan trọng bên cạnh HLV và điều kiện cơ sở vật chất tập luyện. Khi VĐV bị thương, bác sĩ thể thao sẽ giúp xử lý tại chỗ hoặc chuyển tới bệnh viện ngay lập tức. Trong thể thao, chấn thương không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng tới sự nghiệp thể thao của VĐV, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng. Ông Nguyễn Phước Hưng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, chia sẻ: “Chúng tôi rất mong mỏi có được những bác sĩ thể thao phục vụ, hỗ trợ công tác huấn luyện nhưng vẫn là niềm trăn trở lớn. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu của VĐV nên trung tâm luôn cố gắng uyển chuyển, phối hợp nhịp nhàng với HLV. Mục tiêu cuối cùng là giúp sức khỏe VĐV được đảm bảo tốt nhất trong tập luyện lẫn thi đấu”.

Tuy nhiên, mong ước có bác sĩ thể thao tỉnh nhà trong thời gian tới vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết!

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>