Tỉnh rất nỗ lực để phát triển hạ tầng giao thông

30/11/2018 | 07:35 GMT+7

Trải qua gần 15 năm xây dựng, phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, nhưng Hậu Giang luôn tập trung xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư và đã phát huy vai trò mở đường, tạo sức bật cho tỉnh... Liên quan đến lĩnh vực này, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tuấn (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Xin ông đánh giá về sự phát triển cơ sở hạ tầng ở Hậu Giang sau 15 năm xây dựng và phát triển ?

- Hậu Giang được thành lập vào năm 2004, trên cơ sở một tỉnh có hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông, đô thị rất hạn chế, xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, được sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành trong cả nước cũng như quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh nên 15 năm qua cơ sở hạ tầng của tỉnh Hậu Giang đã được cải thiện rất rõ.

Hạ tầng giao thông trước đây rất thấp kém, nhưng được sự hỗ trợ của các bộ, ngành thì hiện nay hạ tầng giao thông phát triển rất tốt. Trên địa bàn tỉnh có 6 tuyến quốc lộ; trên cơ sở Quốc lộ 1 và Quốc lộ 61 ban đầu, sau 15 năm thành lập, Hậu Giang có thêm được 4 tuyến quốc lộ nữa. Các tuyến này đáp ứng được yêu cầu kết nối của Hậu Giang, Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực.

Việc đầu tư của tỉnh để phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua như thế nào, thưa ông ?

- Đối với tỉnh, trong 15 năm qua đã tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, đến nay theo tôi đánh giá chỉ còn 1-2 tuyến đường chưa được đầu tư xây dựng, còn lại toàn bộ các tuyến đường tỉnh đã được đầu tư xây dựng, sửa chữa, tuy nhiên chưa đạt cấp theo quy định. Nhưng hiện tại đối với đường tỉnh vẫn đáp ứng được hoạt động vận tải, cũng như đáp ứng được nhu cầu đi lại của Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngoài ra, đối với đường huyện và đường giao thông nông thôn, được sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, đã xây dựng được các tuyến đường ô tô về trung tâm huyện. Hiện nay, tỉnh còn 3 tuyến chưa có đường ô tô về trung tâm xã, còn lại các tuyến đường ô tô về trung tâm xã đều được xây dựng đạt cấp quy định. Còn đối với hệ thống giao thông nông thôn, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, đóng góp ngày công, tiền, hiến mặt bằng để xây dựng. Có thể nói, hiện các tuyến đường liên ấp, ấp liên xã đi lại rất thuận lợi làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Có thể thấy rằng, 15 năm qua cùng với sự quyết liệt, cố gắng của chính quyền và Nhân dân Hậu Giang, hệ thống hạ tầng giao thông nói chung đáp ứng được yêu cầu. Dù chưa tròn với quy hoạch được phê duyệt, nhưng theo đánh giá của Thường trực UBND tỉnh thì giao thông đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông cho người dân Hậu Giang.

Thưa ông, hiện tại tỉnh còn những khó khăn gì trong việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông ?

- 15 năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, theo quan điểm thì hệ thống hạ tầng giao thông của chúng ta chỉ có một vài tuyến được đầu tư đúng theo cấp được phê duyệt. Còn lại cũng được thực hiện phân kỳ đầu tư. Nhưng để phát triển, hệ thống giao thông của ta phải được đầu tư theo quy hoạch đã được phê duyệt. Riêng đối với hệ thống quốc lộ, hiện nay dù đáp ứng được yêu cầu nhưng hiện đã bắt đầu quá tải. Riêng Quốc lộ 61 từ thị trấn Cái Tắc đi thành phố Vị Thanh và qua tỉnh Kiên Giang, đây là một tuyến đường được hình thành từ lâu đời, hiện nay mặt đường còn rất tốt nhưng mật độ xe đông đúc nên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Tuyến Nam Sông Hậu, dù đi qua địa bàn Hậu Giang chỉ khoảng 8km, nhưng có Khu công nghiệp, xe lưu thông đông đúc, hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải. Còn lại Quốc lộ 61C (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ), tuyến này phục vụ đi lại rất tốt cho người dân, tuy nhiên mới được đầu tư giai đoạn 1.

Còn lại hệ thống giao thông nông thôn, đường huyện, qua 15 năm xây dựng bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, cần được sửa chữa, thực hiện theo quy hoạch xây dựng các tuyến đường phù hợp theo tiêu chí của xã nông thôn mới, đảm bảo đi lại thuận lợi, dễ dàng cho người dân.

15 năm, một bước tiến đầy nỗ lực của tỉnh Hậu Giang trong phát triển hạ tầng giao thông.

Định hướng xây dựng trong những năm tới để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông ở Hậu Giang ra sao, thưa ông ?

- Để đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông trong những năm tiếp theo, tỉnh sẽ đề xuất Trung ương bố trí kế hoạch đầu tư công từng giai đoạn, ưu tiên làm trước những công trình bức xúc. Đối với hệ thống đường tỉnh, cân đối ngân sách của địa phương để thực hiện phát triển hạ tầng giao thông. Áp dụng thực hiện các dự án BOT, thu hút các nguồn lực từ xã hội để đầu tư hạ tầng giao thông, giảm bớt gánh nặng ngân sách đầu tư. Tiếp tục vận động xã hội hóa tài trợ cầu, đường. Tiếp tục thực hiện giải pháp Nhà nước và Nhân dân cùng làm để xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, nhất là ở các xã nông thôn mới…

Riêng các công trình bức xúc khác, các tuyến quốc lộ, về phía tỉnh sẽ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ quan tâm đầu tư cho các tuyến quốc lộ trên địa bàn đáp ứng yêu cầu đi lại. Tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu mở rộng Quốc lộ 61 theo đúng quy hoạch cũng như cải tạo một điểm đi qua khu vực đông dân cư như chợ Cái Tắc, Rạch Gòi. Tùy theo từng công trình, mức độ để đầu tư từng bước đáp ứng được yêu cầu của Nhân dân.

Xin cảm ơn ông !

NGUYÊN ANH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>