Sức lan tỏa từ các đô thị

22/01/2020 | 10:15 GMT+7

Với sự hỗ trợ, đầu tư mạnh mẽ từ Trung ương, tỉnh luôn nỗ lực, phấn đấu xây dựng, phát triển đô thị để vươn mình xứng tầm khu vực ĐBSCL và bắt kịp với xu thế mới. Hơn 15 năm hình thành và phát triển, đô thị ở Hậu Giang đang có sự hấp dẫn riêng.

Vị Thanh là trung tâm của Hậu Giang, sở hữu hệ thống hạ tầng và cảnh quan đẹp nhất tỉnh. Ảnh: LÝ ANH LAM

Phát huy lợi thế

Nhiều người nhận xét rằng, Hậu Giang bây giờ thay đổi nhiều lắm, giống như cô gái độ tuổi xuân thì. Bà Huỳnh Thị Thùy, ở khu vực 4, phường I, thành phố Vị Thanh, nhớ lại: “Tôi theo cha, mẹ từ tỉnh Bến Tre đến Vị Thanh lập nghiệp từ năm 1970. Lúc đó, tôi được 10 tuổi, còn nhớ trước đây khu vực này còn hoang sơ, nhiều tràm, sậy đế, đường sá thì đi lại rất khó khăn. Nhưng từ khi thành lập tỉnh mới Hậu Giang đến nay, tôi thấy Vị Thanh đã thay đổi từng ngày”.

Thay đổi điển hình nhất là trong đời sống hàng ngày của người dân. Trước đây, ở Vị Thanh vào buổi tối các dịch vụ ăn uống đều đóng cửa, còn bây giờ rất nhộn nhịp và cả thái độ phục vụ cũng mới. Sự khác biệt vượt bậc nữa là đường phố đã đầu tư thông thoáng, lưu thông dễ dàng, rút ngắn khoảng cách đi lại cho người dân. Các siêu thị, khu phố, đô thị mới mọc lên khang trang làm cho bộ mặt của tỉnh lỵ mỗi ngày càng thêm mới.

Là một nhà đầu tư, ông Lê Tiến Vũ, Phó Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn địa ốc Cát Tường, cho biết từng có dịp ghé thăm Hậu Giang vào những năm 2010, có thể nói đến nay Hậu Giang đã thay đổi rất nhiều. Hệ thống hạ tầng đô thị chuyển biến tích cực. Đặc biệt là các tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn, sự xuất hiện của nhiều công trình tiện ích, nhiều khu đô thị mới, khu dân cư được hình thành phát triển, những khu dân cư cũ được cải tạo, nâng cấp cũng góp phần rất lớn trong việc thay đổi bộ mặt đô thị của Hậu Giang.

Ông Nguyễn Văn Diên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang, cho biết: Thời gian qua, các đô thị từ trung tâm tỉnh đến các huyện đều được quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu dân cư, các trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa, thể dục thể thao… Công tác chỉnh trang đô thị luôn được chú trọng và thực hiện nhằm xây dựng đô thị Hậu Giang theo hướng văn minh, hiện đại, tạo tiền đề phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Đặc biệt, là sự phát triển của các đô thị trung tâm, đô thị động lực, thúc đẩy và lan tỏa đã được tỉnh lựa chọn, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển như thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và thị xã Ngã Bảy. Qua đó, các đô thị đã có sự đổi mới, phát triển rõ rệt như thành phố Vị Thanh trở thành đô thị trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế của tỉnh. UBND tỉnh vừa tổ chức lễ công bố quyết định của Chính phủ công nhận thành phố Vị Thanh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại II và hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đô thị thị xã Long Mỹ có tốc độ đô thị hóa đã và đang được chỉnh trang kết cấu hạ tầng, phát triển các khu dân cư, các công trình đô thị khác, vừa được công nhận đô thị loại III. Thị xã Ngã Bảy có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nhanh, hài hòa, bền vững và ngày càng hoàn thiện được các chỉ tiêu đô thị loại III và nằm ở khu vực phía Đông của tỉnh và là điều kiện để thành lập thành phố Ngã Bảy vào năm 2020. Tất cả các đô thị đã góp phần quan trọng tạo ra hệ thống đô thị phát triển hài hòa, bền vững, bộ mặt kiến trúc đô thị ngày một khang trang, thẩm mỹ.

Bên cạnh các dự án khu dân cư thương mại, thành phố Vị Thanh còn có khu nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp đã góp phần cho đô thị Hậu Giang phát triển hơn. Ảnh: T.XOÀN

Nhiều kỳ vọng

Một nhà đầu tư cho rằng: “Trong tương lai, khi hạ tầng liên kết vùng ngày càng đầu tư hoàn thiện, Hậu Giang sẽ khẳng định được vai trò đô thị trung tâm của tứ giác tăng trưởng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Có thể nói, Hậu Giang sở hữu vị trí rất đắc địa, trung tâm kinh tế của vùng Tây sông Hậu. Hậu Giang liền kế thành phố Cần Thơ, vì thế tỉnh có thể thừa hưởng tất cả những thành tựu về hạ tầng, kinh tế, khoa học từ thành phố Cần Thơ, cũng như đón đầu làn sóng dãn dân từ đô thị lớn này đổ về. Bên cạnh đó, tỉnh còn sở hữu vị trí trung tâm của vùng tứ giác tăng trưởng Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau, cửa ngõ của Bắc Cà Mau, cùng một mạng lưới giao thông thủy bộ quan trọng, đây là tiềm năng lớn trong việc phát triển giao thương, nếu khai thác và vận hành tốt, Hậu Giang sẽ là trung tâm vận chuyển của vùng ĐBSCL.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, gần một năm trở lại đây, sự phát triển về đô thị ở thành phố tăng vượt bậc. Hiện tại, thành phố Vị Thanh có 25 nhà đầu tư, tập trung chủ yếu ở phường III, IV, V, trong đó có trên 10 dự án đang triển khai. Sang năm 2020 sẽ triển khai nhiều dự án khác. Cùng với sự quan tâm của tỉnh và các nhà đầu tư, thành phố Vị Thanh nỗ lực thực hiện để đạt tiêu chuẩn đô thị loại II, góp phần cho phát triển đô thị ở Hậu Giang bắt kịp với xu thế mới.

Vị Thanh là trung tâm của Hậu Giang, sở hữu hệ thống hạ tầng và cảnh quan đẹp nhất tỉnh. Với vị trí trung tâm tỉnh lỵ, cùng với cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, thành phố Vị Thanh sẽ thu hút lượng lớn người dân tại các huyện đến an cư lập nghiệp. Bên cạnh đó, với tầm nhìn phát triển đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị hội tụ và lan tỏa, hạt nhân vùng tứ giác tăng trưởng kinh tế mạnh của ĐBSCL; thành phố Vị Thanh được định hướng trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch; trung tâm hành chính, tài chính, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ tỉnh Hậu Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Từ nhiều năm trước, Thường trực UBND tỉnh đã định hướng tập trung đầu tư cho các đô thị trên địa bàn tỉnh để góp phần cho thương mại - dịch vụ phát triển. Hiện nay, các đô thị này đã có nhiều dự án của nhà đầu tư đăng ký, cho thấy tín hiệu lạc quan cho phát triển đô thị của tỉnh trong thời gian tới.

THÀNH XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>