Phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại

28/04/2017 | 06:36 GMT+7

Sau một năm thực hiện theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, bộ mặt các đô thị lớn trên địa bàn tỉnh có bước đổi thay rõ nét, tạo đà phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.

Đến năm 2020, thành phố Vị Thanh sẽ trở thành đô thị loại II.

Đột phá về kết cấu hạ tầng

Là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh nên thời gian qua, thành phố Vị Thanh đã tập trung huy động, tranh thủ nhiều nguồn vốn để từng bước đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng trên địa bàn một cách đồng bộ, trong đó ưu tiên cho các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm. Nhờ vậy góp phần tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho địa phương. Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho rằng: Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, thành phố còn đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa thông qua các doanh nghiệp. Cụ thể là đến nay, địa phương đã kêu gọi được 17 doanh nghiệp tham gia đầu tư vào Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh. Qua đó giúp phủ kín 70% diện tích, với tổng số vốn 691 tỉ đồng, chưa kể là giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động tại địa phương.

Tương tự, thực hiện theo Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng thị xã Ngã Bảy đến năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, hiện nay Ngã Bảy đã và đang triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình phúc lợi, hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông, trường học. Đáng nói là hạ tầng đô thị của thị xã đang được tập trung đầu tư tương đối đồng bộ theo quy hoạch nên Ngã Bảy ngày càng phát triển theo hướng của một đô thị văn minh, hiện đại. Ông Nguyễn Thiện Nhơn, Bí thư Thị ủy Ngã Bảy, cho biết: Để xây dựng thị xã Ngã Bảy đến năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, đơn vị sẽ tiếp tục huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và nâng cấp, chỉnh trang đô thị. Trước mắt sẽ tập trung xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng trung tâm y tế, trung tâm hành chính, hạ tầng Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thị xã  Ngã Bảy…

Mặt khác, thị xã sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án bảo tồn chợ nổi Ngã Bảy, lập dự án xây dựng chợ đầu mối nông sản, đồng thời sớm hoàn chỉnh đề án “Xây dựng sản phẩm và xúc tiến khai thác du lịch thị xã Ngã Bảy giai đoạn 2017-2025” để góp phần thu hút đầu tư vào địa bàn. Hòa cùng nhịp độ phát triển của các đô thị trung tâm và vùng ven của tỉnh là Vị Thanh và Ngã Bảy, đến nay bộ mặt đô thị vệ tinh Long Mỹ cũng đang có bước “chuyển mình” mạnh mẽ. Theo đó, các tuyến đường chính trong nội ô thị xã Long Mỹ đã cơ bản thông suốt, dần hình thành mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn.

Cùng với đó là một số dự án chiến lược khác như dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61B cũng đang được triển khai thực hiện quyết liệt nhằm sớm tạo động lực giao thương hàng hóa, kết nối giữa Hậu Giang với tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, góp phần giảm lưu lượng xe trọng tải lớn lưu thông qua khu vực nội ô thị xã. Các dự án trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, kể cả hạ tầng y tế, văn hóa, thể thao… cũng được quan tâm đầu tư thực hiện nên đã cơ bản giải quyết tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và vui chơi, giải trí của người dân.

Tập trung thực hiện nhiều giải pháp

Thông tin từ UBND thị xã Ngã Bảy, nếu căn cứ theo Nghị quyết số 1210 và Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc tỉnh thì quy mô dân số phải đạt 150.000 người trở lên. Mặc dù dân số thị xã hiện chỉ mới đạt khoảng 60.600 người, nhưng do Ngã Bảy có Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Liên hiệp Đình chiến Nam Bộ nên được giảm 50% quy mô dân số. Như vậy, nếu so với tiêu chuẩn, thị xã vẫn còn thiếu 14.400 người so với quy định.

 Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nội vụ Hậu Giang, phân tích: “Mặc dù còn thiếu so với quy định, nhưng nếu tính dân số được phép quy đổi như: tạm trú, khách vãng lai, người lao động tại cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thì quy mô dân số theo tiêu chuẩn của thị xã Ngã Bảy tới đây sẽ đạt”. Tuy nhiên, trên thực tế, các đô thị trong tỉnh đều có xuất phát điểm thấp nên quá trình thu hút, mời gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào địa bàn gặp một số khó khăn nhất định, chưa kể là các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ, lẻ. Trong khi đó, mặc dù thời gian qua, hạ tầng kinh tế - xã hội đã được đầu tư nhưng chưa đảm bảo, nguồn vốn đầu tư công có hạn nên chưa đáp ứng tốt nhu cầu thực tế phát triển đô thị của các địa phương.

 Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang, cho hay: Từ nay đến năm 2020, ngành đã lên kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công cho 3 đô thị là Vị Thanh, Long Mỹ và Ngã Bảy theo từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, để sử dụng nguồn vốn hiệu quả, các địa phương cần hoàn chỉnh lại quy hoạch. Mặt khác, trên cơ sở quy hoạch đã được duyệt cần rà soát lại danh mục chi tiết các dự án thu hút, kêu gọi nhà đầu tư. Đồng thời tiến hành rà soát lại kế hoạch trung hạn để điều chỉnh ngay nhu cầu đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế phát triển trong thời gian tới. Nhất là trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công hạn chế, các địa phương nên tập trung khai thác nguồn quỹ đất, áp dụng nhiều hình thức đầu tư để khai thác có hiệu quả các nguồn vốn.

Tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Hậu Giang, khóa XIII về xây dựng các đô thị đến năm 2020 mới đây, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, đề nghị: Trong thời gian tới, các địa phương cần nghiên cứu kỹ từng tiêu chí, tiêu chuẩn của từng loại đô thị để thực hiện cho phù hợp. Đồng thời, tạo nhận thức sâu rộng trong hệ thống chính trị, kể cả quần chúng nhân dân để họ hiểu được ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng đô thị mà tích cực tham gia. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, cũng như xác định mục tiêu phát triển đô thị phải theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu xanh, sạch, đẹp, đảm bảo nâng cao nếp sống văn hóa và chất lượng cuộc sống cho cư dân đô thị…

Nếu đánh giá hiện trạng phát triển đô thị theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII thì đến nay thành phố Vị Thanh đã đạt được 50/59 tiêu chuẩn; trong đó có 28 tiêu chuẩn đạt điểm tối đa, 22 tiêu chuẩn đạt yêu cầu nhưng chưa đạt điểm tối đa cần nâng chất và 9 tiêu chuẩn chưa đạt. Còn đối với thị xã Long Mỹ, đến nay cũng đã đạt được 50/59 tiêu chuẩn; trong đó có 25 tiêu chuẩn đạt điểm tối đa, 25 tiêu chuẩn đạt yêu cầu nhưng chưa đạt điểm tối đa cần nâng chất, còn lại 9 tiêu chuẩn chưa đạt. Riêng, đối với thị xã Ngã Bảy, trong 5 tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc tỉnh dựa theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII thì thị xã Ngã Bảy đã đạt 3/5 tiêu chuẩn, còn tiêu chuẩn chưa đạt là đơn vị hành chính trực thuộc và quy mô dân số.

 

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>