Dấu ấn hạ tầng

06/10/2020 | 07:20 GMT+7

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng, Hậu Giang đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Lãnh đạo tỉnh cùng đoàn đi kiểm tra tình hình thực hiện các tuyến đường giao thông ở thành phố Ngã Bảy.

Đổi thay từ cơ sở

Sau khi thành lập năm 2004, tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút và kêu gọi đầu tư vào địa bàn. Qua từng giai đoạn, chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng tiếp nối triển khai trên từng lĩnh vực, tạo bước đổi thay ở các địa phương. Hậu Giang ngày nay là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhất là các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, phát triển cơ sở hạ tầng và du lịch.

Trong giai đoạn 2016-2020, Trung tâm Hành chính thành phố Vị Thanh được đầu tư hoàn thiện. Công trình tọa lạc trên Quốc lộ 61C, phường III, thành phố Vị Thanh, sau khi đi vào hoạt động đã tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch, góp phần phát triển và mở rộng không gian đô thị theo định hướng quy hoạch chung của thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2040. Trên cơ sở tiềm năng sẵn có, thành phố Vị Thanh thu hút, kêu gọi nhiều dự án phát triển đô thị lớn tại các vị trí “đất vàng” như: Khu đô thị Cát Tường Western Pearl; Trung tâm thương mại Vincom; Tổ hợp khách sạn 4 sao và chợ du lịch Xà No tại phường I, thành phố Vị Thanh...

Còn tại huyện Long Mỹ, khu hành chính huyện Long Mỹ cũng chính thức được đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư 317,5 tỉ đồng. Hạng mục khối trụ sở HĐND - UBND huyện có tổng mức đầu tư khoảng 52 tỉ đồng mới khởi công vào cuối tháng 9. Trước đó, hạng mục hạ tầng kỹ thuật được khởi công vào tháng 8-2020 với tổng mức đầu tư trên 80 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho rằng công trình khu hành chính sau khi được xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn, giúp cán bộ công chức có nơi làm việc khang trang, đồng thời góp phần phát triển đô thị huyện Long Mỹ, tạo động lực thu hút và kêu gọi đầu tư vào địa bàn.

Hạ tầng phát triển

Theo UBND tỉnh, tổng vốn đầu tư công 5 năm qua là trên 13.000 tỉ đồng. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công hạn chế, tỉnh còn huy động tối đa các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, trong dân và các thành phần kinh tế để đầu tư cho sự phát triển tỉnh. Vốn đầu tư từ các nguồn ngân sách nhà nước thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, nguồn ngân sách nhà nước đã đầu tư cho lĩnh vực kinh tế chiếm 49,2%, lĩnh vực xã hội 50,8%. Nhiều công trình lớn trên các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục - đào tạo, nâng cấp đô thị, cấp điện, xử lý nước thải, văn hóa, du lịch được tập trung đầu tư hoàn thành và phát huy hiệu quả, tình trạng đầu tư dàn trải và thiếu đồng bộ được khắc phục.

Giai đoạn 2016-2020, trong tổng số nhiều dự án được đầu tư, UBND tỉnh đã chọn ra 18 công trình trọng điểm với quy mô khá, có tính kết nối và sức lan tỏa trên địa bàn của tỉnh để tập trung chỉ đạo. Đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình, cụ thể như: Cơ sở hạ tầng khu hành chính mới thành phố Ngã Bảy; khối trụ sở hành chính mới thị xã Ngã Bảy; khu hành chính thành phố Vị Thanh, đường nối Vị Thanh - Cần Thơ; Bệnh viện Đa khoa huyện Phụng Hiệp; Bệnh viện Đa khoa huyện Long Mỹ; Bệnh viện Đa khoa thành phố Vị Thanh; các công trình của phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế; Trung tâm Hội nghị tỉnh; trụ sở các hội đặc thù...

Trong buổi đến tham quan Hậu Giang, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, ông Chu Tiến Dũng cho rằng với lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, đặc biệt là mạng lưới hạ tầng giao thông đang từng bước hoàn chỉnh, kết nối tốt với các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang có thể tính đến việc xây dựng một trung tâm logictics và các công trình phụ trợ, trung tâm phân phối hàng hóa cho vùng.

Năm năm qua, kết cấu hạ tầng trên các lĩnh vực đều phát triển, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Điểm nhấn trong 5 năm qua của Hậu Giang là về hạ tầng giao thông. Tuy là tỉnh trẻ trong khu vực ĐBSCL nhưng tỉnh đã sớm triển khai xây dựng quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải đáp ứng cho nhu cầu đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong nhiệm kỳ này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục xác định giao thông là mũi nhọn đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tương xứng với tiềm năng sẵn có. Nhiều dự án giao thông quan trọng đã được đầu tư ngay từ đầu nhiệm kỳ như: Đường tỉnh 927C (đoạn từ Quốc lộ 1 đến Nam Sông Hậu), Đường tỉnh 931 (đoạn từ xã Vĩnh Viễn đến đường Vị Thanh - Cần Thơ), Đường tỉnh 930 (đoạn từ thị trấn Long Mỹ đến Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang), Đường tỉnh 930B, Đường tỉnh 927 (từ thị trấn Cây Dương đến xã Phương Bình); các đường ô tô về trung tâm xã như: đường ô tô về xã Long Bình, Đông Phước A, Đông Phước… UBND tỉnh còn quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư. Các dự án sau khi hoàn thành đã phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, giúp việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

Định hướng phát triển giao thông của tỉnh trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh sẽ tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch được duyệt, trong đó ưu tiên các dự án có tính lan tỏa, có tính kết nối cao. Rà soát đầu tư hệ thống cầu trên các tuyến đường tỉnh; đầu tư nâng cấp tuyến đường thủy nội địa, trong đó xem xét nâng cao các cầu chưa đạt tĩnh không theo quy hoạch. Đầu tư các tuyến đường tránh các đô thị để giảm ùn tắc giao thông, kéo giảm tình hình tai nạn giao thông tại các điểm đen có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông ở mức cao.

Nhìn chung, qua 5 năm triển khai thực hiện chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng, mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo có hiệu quả của Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực các bộ, ngành Trung ương, sự liên kết hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong khu vực và cả nước, Hậu Giang nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tận dụng các điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Thành tựu sau 17 năm thành lập là một diện mạo mới; kết cấu hạ tầng trên các lĩnh vực đều có bước phát triển. Nhất là mạng lưới giao thông được nối liền từ ấp đến xã, huyện, tỉnh và kết nối vào hệ thống đường quốc lộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Các hạ tầng khác cũng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước và xã hội hóa như: đô thị, nông thôn, khu cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa, y tế, giáo dục, truyền thông, đã tạo ra một diện mạo mới cho Hậu Giang ngày nay.

Từ Chiến dịch giao thông nông thôn, thủy lợi và trồng cây, 5 năm qua, toàn tỉnh xây dựng được khoảng 600km đường giao thông và 73.000m2 cầu. Tổng kinh phí thực hiện trên 2.200 tỉ đồng (trong đó Nhà nước đầu tư 71,3%;  Nhân dân ủng hộ tương đương 23,1%; huy động xã hội hóa khoảng 5,6%). Chiến dịch giao thông nông thôn, thủy lợi và trồng cây được các địa phương thực hiện mỗi năm đều vượt xa so với kế hoạch. Nhìn chung, hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh tiếp tục được chú trọng xây dựng và phát triển không chỉ về số lượng mà còn nâng cấp về chất lượng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>