Tiếp tục chấn chỉnh nhiều nội dung cải cách hành chính

25/07/2017 | 09:28 GMT+7

Trả lời Báo Hậu Giang về hai nội dung cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông do Sở Tư pháp (một phần của Sở Nội vụ) tham mưu triển khai thực hiện bị chấm điểm thấp, bà Phạm Thanh Tuyền (ảnh), Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết bà cũng như lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh phải suy nghĩ, nhìn nhận lại các phần việc đã làm thời gian qua. Bà Phạm Thanh Tuyền nói:

- Những năm qua, công tác cải cách thủ tục hành chính của tỉnh có nhiều cố gắng, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành nghị quyết, các chương trình, kế hoạch, công văn cụ thể để triển khai thực hiện. Cụ thể là Nghị quyết số 06/2015 của HĐND tỉnh về quy định mức chi kinh phí thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 26/KH-UBND về kiểm soát thủ tục hành chính năm 2016, Kế hoạch số 59/KH-UBND về việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trọng tâm năm 2016; các công văn của UBND tỉnh và Sở Tư pháp về đôn đốc, hướng dẫn; mời Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Bộ Tư pháp tập huấn nghiệp vụ cho địa phương; phối hợp với các đơn vị trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố bộ thủ tục hành chính trên các lĩnh vực…

Tuy nhiên, việc triển khai nhiệm vụ này tại một số sở, ngành và địa phương chưa đảm bảo kịp thời và thống nhất (trong công bố, niêm yết, công khai thủ tục hành chính).

Nguyên nhân khách quan và chủ quan của vấn đề này là gì, thưa bà ?

- Về mặt khách quan, Bộ tiêu chí chấm điểm chỉ số cải cách hành chính được ban hành trong thời điểm cuối năm 2016, khi tỉnh đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhiệm vụ cải cách hành chính nên không kịp điều chỉnh; đồng thời, đối với tỉnh hiện nay ngân sách còn hạn chế nên việc đầu tư cho công tác cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu đề ra trên một số lĩnh vực (công nghệ thông tin; hiện đại hóa tại bộ phận một cửa…). Còn một số sở, ngành chưa có công chức là kỹ sư công nghệ thông tin nên chưa phát huy hết vai trò trong việc ứng dựng công nghệ thông tin. Một số quy định, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương về chế độ báo cáo chưa thống nhất, do đó gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện.

Về chủ quan, tôi cho rằng vẫn còn một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm sâu sát, toàn diện đến công tác này. Việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở đôi lúc thiếu thường xuyên; cơ chế phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn gặp khó khăn dẫn đến chậm trễ.

Thưa bà, nguyên nhân trên có xuất phát từ ý thức phục vụ nhân dân của một bộ phận cơ quan công quyền không ?

- Về vấn đề này, trên cái nhìn toàn diện có thể ở một số cán bộ, công chức do phải đảm trách nhiều công việc, chưa xác định đúng trọng tâm và yêu cầu công việc nên sự quan tâm, đầu tư cho công tác cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn đổi mới hiện nay.

Trong nội dung về xây dựng, ban hành văn bản pháp quy do Sở Tư pháp phụ trách cũng bị trừ điểm. Theo bà, tỉnh có bị động về vấn đề này không ?

- Theo tôi, việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương trên nhiều ngành, lĩnh vực đôi lúc cũng không tránh khỏi bị động.

Trong năm 2016, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu trình UBND tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ. Tuy nhiên, khi thực hiện, các đơn vị gặp không ít khó khăn do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được áp dụng kể từ ngày 1-7-2016 đã không còn quy định Chương trình xây dựng văn bản nên Kế hoạch lập quy năm 2016 chỉ thực hiện trong 6 tháng đầu năm, việc ban hành văn bản từ tháng 7 trở về sau thực hiện theo luật mới. Quá trình thực hiện còn một số sở, ngành chưa chủ động xin rút khỏi Chương trình xây dựng văn bản để UBND tỉnh kịp thời điều chỉnh. Bên cạnh đó, công tác dự kiến ban hành văn bản của các ngành đôi lúc chưa sát với tình hình thực tế; việc ban hành văn bản trong một số trường hợp phụ thuộc vào văn bản của Trung ương.

Sở sẽ tham mưu và trực tiếp làm như thế nào để những nội dung trên không bị trừ điểm vào cuối năm nay, thưa bà ?

- Trong từng lĩnh vực cụ thể có liên quan đến công tác cải cách hành chính do Sở Tư pháp thực hiện, ngay từ đầu năm 2017, Sở đã chủ động tham mưu trình UBND tỉnh ban hành đầy đủ, kịp thời các kế hoạch và công văn triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác.

Đối với công tác xây dựng thể chế, Sở đã trình UBND tỉnh ban hành Công văn số 645 ngày 21/4/2017 về thực hiện trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; về phía Sở, đã ban hành 2 công văn gửi các sở, ngành và địa phương về thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng văn bản cho đội ngũ pháp chế sở, ngành tỉnh và cấp huyện. Bên cạnh đó, Sở còn tiếp tục tham mưu hướng dẫn chi tiết về trình tự, cách thức thực hiện công tác xây dựng văn bản; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra theo quy định.

Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 121 ngày 29/12/2016 về kiểm soát thủ tục hành chính năm 2017 và Kế hoạch số 10 ngày 24/01/2017 về rà soát, đánh giá thủ tục hành chính. Sở cũng đã ban hành Công văn 96 ngày 14/02/2017 về rà soát, cập nhật, trình công bố thủ tục hành chính.

Tới đây, Sở Tư pháp sẽ tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành chỉ thị cá biệt về chấn chỉnh công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong tổ chức kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Sẽ kịp thời uốn nắn, khắc phục những tồn tại, hạn chế và tháo gỡ khó khăn trong thực hiện công tác này tại địa phương.

Xin cảm ơn bà !

TRÍ THỨC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>