Tất cả vì mục tiêu xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng phát triển

10/12/2018 | 08:15 GMT+7

Để đạt được mục tiêu này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu (ảnh) mong muốn toàn thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hậu Giang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, cùng nhau xây dựng quyết tâm chính trị, nâng cao ý thức, trách nhiệm và năng lực hành động; chú ý lắng nghe ý kiến đóng góp, nắm bắt nhu cầu của xã hội, đòi hỏi của thời đại, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; tích cực dự báo tình hình, tính toán khả năng thực hiện.

Cùng với đó, xác định trọng tâm, trọng điểm, các mũi đột phá, xây dựng kế hoạch khả thi, có lộ trình thống nhất, có bước đi cụ thể, phù hợp, vững chắc; huy động sức mạnh tổng hợp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân, khai thác tốt mọi tiềm năng, thế mạnh, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội...           

Ngoài nội dung trên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giải trình những vấn đề mà cử tri và dư luận dành nhiều sự quan tâm hiện nay tại phiên họp cuối của Kỳ họp thứ mười HĐND tỉnh khóa IX vừa qua.

Nhiều giải pháp cải thiện chỉ số PCI

Những năm gần đây, chỉ số PCI của tỉnh luôn đứng thứ hạng thấp so với khu vực và cả nước, mặc dù hàng năm UBND tỉnh đều có kế hoạch cải thiện cũng như việc tổ chức đoàn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm nâng cao chỉ số này của tỉnh bạn.

Về vấn đề này, ông Lê Tiến Châu cho biết, theo kết quả báo cáo chỉ số PCI năm 2017, Hậu Giang đứng vị trí thứ 50/63 tỉnh, thành trên cả nước (giảm 13 bậc so với năm 2016), đứng vị trí thứ 12/13 địa phương của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, trong 10 chỉ số thành phần thì có 6 chỉ số tăng điểm, gồm: chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động; 4 chỉ số thành phần giảm điểm gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Để cải thiện chỉ số PCI trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tỉnh cần cải thiện 4 chỉ số thành phần giảm điểm nêu trên. Trong đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại các chính sách đất đai, nhất là giá đất giữa các khu vực để bảo đảm hợp lý, hấp dẫn nhà đầu tư nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân; chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương rà soát, cập nhật để ban hành danh mục các dự án kêu gọi xúc tiến đầu tư của toàn tỉnh, hoàn thành trong năm 2018. Tiếp tục rà soát cắt giảm thời gian xử lý đối với các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp theo hướng rút ngắn tối đa trong khả năng cho phép.

Cùng với đó, công bố rộng rãi, đầy đủ và kịp thời thông tin về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch, chương trình phát triển ngành, lĩnh vực; danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị, thành. Triển khai sớm việc thực hiện bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành tỉnh và cấp huyện, thị, thành, để từ đó các sở, ngành, địa phương tạo sự chuyển biến rõ nét, góp phần cải thiện chỉ số PCI cấp tỉnh.

Phải nâng cao giá trị ngành mía đường

Về khó khăn mà người trồng mía trên địa bàn tỉnh gặp phải thời gian qua, ông Lê Tiến Châu thông tin, năm 2018, lợi nhuận của nông dân trồng mía sụt giảm nghiêm trọng (từ lợi nhuận khoảng hơn 26 triệu đồng/ha năm 2016, năm 2017 đã giảm còn 3,9 triệu đồng/ha năm 2018).

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, nhưng theo Chủ tịch UBND tỉnh, chủ quan có yếu tố quyết định. Cụ thể, các nhà máy đường chưa quyết liệt trong tái cơ cấu, hiện đại hóa quy trình, công nghệ sản xuất, quản trị doanh nghiệp… nên chi phí sản xuất đường thành phẩm cao, yếu thế trong cạnh canh với đường ngoại nhập. Công tác quy hoạch vùng nguyên liệu mía còn nhiều bất cập, cung vượt cầu; phương thức canh tác, sản xuất còn lạc hậu, chưa tập trung, và đặc biệt là chưa áp dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên giá thành sản xuất cao.

Nâng cao giá trị ngành mía đường là nhiệm vụ mà ngành chức năng của tỉnh đã và đang tập trung thực hiện.

Mặt khác, tình trạng gian lận thương mại, tiêu thụ đường nhập lậu chưa được xử lý triệt để; đồng thời, áp lực cạnh tranh của đường ngoại nhập ngày càng cao, trong khi công tác dự báo thị trường còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, ông Lê Tiến Châu cho rằng, giải pháp căn cơ nhất là phải nâng cao giá trị ngành mía đường. Theo đó, các nhà máy đường cần chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, có định hướng phát triển bền vững. Công tác quy hoạch vùng nguyên liệu mía cần thực hiện theo hướng cánh đồng lớn, chuyển từ sản xuất chiều rộng sang sản xuất chiều sâu, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có định hướng và hướng dẫn nông dân từng bước chuyển đổi cây trồng đối với những nơi ngoài vùng nguyên liệu.

“UBND tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như nông dân trồng mía, như: chính sách tạm trữ đường; có lãi suất ưu đãi cho ngành sản xuất mía đường; tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với mặt hàng đường, đặc biệt tại các địa phương có biên giới tiếp giáp với các nước láng giềng”, ông Lê Tiến Châu cho biết thêm.

Bao giờ tỉnh có nhà máy xử lý rác ?

Đó vừa là câu hỏi và vừa là nỗi trăn trở của nhiều người dân chịu ảnh hưởng bởi các bãi rác. Vì thời gian qua, người dân phản ánh rất nhiều về tình trạng hầu hết các bãi rác trên địa bàn tỉnh đều quá tải, một số bãi rác vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Cử tri đã nhiều lần phàn nàn và cơ quan chức năng đã có văn bản xử phạt nhưng vẫn chưa khắc phục.

Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 bãi rác do Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang quản lý, khai thác. Các bãi rác này hiện nay đều quá tải nên đôi khi vấn đề về môi trường có lúc không đảm bảo, chưa tuân thủ theo đúng quy định pháp luật (như đã để xảy ra mùi hôi, nước rỉ rác chảy tràn khi xảy ra mưa lớn...).

Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang khẩn trương thực hiện dự án “Cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác thải sinh hoạt Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp”, đồng thời có thể chứa thêm lượng rác khác từ 2 bãi rác quá tải tại Hỏa Tiến và Long Mỹ. Ngoài ra, để giảm thiểu mùi hôi tại các bãi rác thì ngành chức năng có liên quan sẽ cho phun xịt chế phẩm sinh học đảm bảo thân thiện, an toàn môi trường và hạn chế vấn đề mùi hôi tại các bãi rác.

Liên quan tới câu hỏi: Bao giờ tỉnh có nhà máy xử lý rác?, ông Lê Tiến Châu cho biết, năm 2016, UBND tỉnh đã có quyết định chủ trương cho Công ty Cổ phần Greenity đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải Hậu Giang tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp. Thời gian qua, nhà đầu tư đang tiến hành các thủ tục và hoàn chỉnh theo quy định.

“Do yêu cầu cấp bách hiện nay là các bãi rác của tỉnh không còn khả năng chứa rác nên tôi đề nghị các sở, ngành có liên quan khẩn trương phối hợp, đôn đốc công ty sớm đưa vào vận hành giai đoạn 1 trong tháng 1-2019 như cam kết, kể cả giai đoạn 2. Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện dự án theo cam kết, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh thu hồi dự án để giao cho nhà đầu tư khác, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15-1-2019”, ông Lê Tiến Châu nói.

Ngoài 3 vấn đề kể trên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giải trình, làm rõ đối với 38 lượt ý kiến, tập trung vào 7 nhóm vấn đề mà đại biểu đặt ra tại 4 tổ thảo luận, cũng như nhiều vấn đề khác liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhìn chung, đại biểu và cử tri hài lòng với phần giải trình của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã thẳng thắn làm rõ nhiều vấn đề bức xúc, bất cập hiện nay. Đặc biệt là đã đề ra những giải pháp mang tính căn cơ và có tính khả thi cao để giải quyết những “điểm ngẽn” đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh.

TRƯỜNG SƠN lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>