Tấm lòng của cựu chiến binh mù

07/08/2019 | 07:57 GMT+7

Ở tuổi gần 70 nhưng hàng ngày, ông Hai Lực (Huỳnh Văn Lực), Chủ tịch Hội Người mù huyện Châu Thành A, vẫn đều đặn đến cơ quan để đảm đương nhiệm vụ đặc biệt này.

Gần 4 nhiệm kỳ trôi qua, ông luôn gắn bó và xem nơi làm việc như là ngôi nhà thứ hai của mình. Đây là điểm đến để ông thực hiện tấm lòng nghĩa ân, hỗ trợ cho những cảnh đời bất hạnh...

Ông Hai Lực (đứng) tích cực vận động mạnh thường quân đóng góp để kịp thời hỗ trợ cho hội viên mất khả năng lao động.

Giàu nghị lực

Năm 1973, chàng thanh niên Huỳnh Văn Lực tham gia du kích xã tại địa phương. Bấy giờ, vùng đất này đang nằm trong vùng kìm kẹp của địch nên ông vừa tham gia hoạt động cách mạng vừa phụ mẹ nuôi sáu đứa em để ba yên tâm công tác ở căn cứ.

Lúc ấy, ông Hai Lực là Ấp đội trưởng ấp Nhơn Phú 2, xã Nhơn Ái, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ. Vào một ngày tháng 10-1974, ông phối hợp với lực lượng địa phương quân Châu Thành và bộ đội của ta đánh Tiểu đoàn 480 Chi khu Một Ngàn. Sau 7 ngày đêm, Chi khu Một Ngàn cho pháo 105 dập sập hầm nên ông cùng 3 chiến sĩ khác bị thương, trong đó ông bị gãy tay và chấn thương đầu.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Hai Lực được bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ. Năm 1990, khi xã Nhơn Hòa sáp nhập vào xã Nhơn Nghĩa, lãnh đạo huyện đề nghị ông giữ chức Chủ tịch UBND xã này nhưng ông từ chối. Vì ông cảm thấy di chứng của trận pháo địch dập sập hầm năm xưa đang “hoành hành” và nguồn sáng từ đôi mắt ông đang dần lịm tắt.

Ông Đỗ Văn Sáu, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Châu Thành A, kể: “Đang trong quá trình điều trị mắt thì đồng chí Lực được bác sĩ chuẩn y một con bị thương 60%, con còn lại 40%. Do vậy, phải giữ đồng chí ở lại tiếp tục điều trị bệnh, sau này mới tính chuyện phân công về xã Nhơn Nghĩa. Đáng tiếc là bệnh biến chuyển càng nặng hơn, khiến cả 2 mắt bị mù”.

Từ đó, người cựu chiến binh này bắt đầu làm quen với cảm nhận bằng đôi tay. Đứa con trai lớn Huỳnh Thanh Bình mới 12 tuổi nên không thể thấu cảm được nỗi đớn đau trong lòng cha, càng không thể chia sẻ những xót xa mà cha đang gánh nặng. Ông Hai Lực cũng chẳng có cách giải thích cho con hiểu về hậu quả của chiến tranh đã cướp đi ánh sáng. Tất cả cố giấu trong lòng. Cho nên có lúc trong ông đã nảy sinh suy nghĩ tiêu cực.

“Đi chỗ nào nó cũng đụng, giò, đầu, trán đều sưng, mình trở thành gánh nặng cho vợ con nên có lúc muốn uống thuốc tự vẫn cho rồi. Nghĩ lại các con còn nhỏ, dầu mình không thấy đường nhưng bằng sự kiên trì, nghị lực của người lính, giúp tôi cố gắng vươn lên, làm điểm tựa để vợ an tâm, từng bước phấn đấu nuôi bầy con nhỏ trưởng thành”, ông Hai Lực xúc động nói.

Bà Phùng Thị Nở, vợ ông Hai Lực, ở ấp Nhơn Phú 2, xã Nhơn Nghĩa A, bồi hồi nhớ lại: “Cuộc sống lúc đó khổ lắm, nhà chẳng có ruộng nương gì hết. Do đó, tôi cùng hai đứa con út và thằng con lớn đi Tân Hiệp cắt lúa mướn kiếm sống. Chỉ để lại một đứa ở nhà với ổng. Cuộc sống quá khổ nên buộc phải cố gắng mần đổi lấy miếng ăn và nuôi mấy đứa nhỏ cho nó ăn học”.

Nặng nghĩa tình

Năm 2002, ông Hai Lực chính thức vào làm Chủ tịch Hội Người mù huyện Châu Thành A. Từ đây, ông bắt đầu thực hiện ước muốn mà bấy lâu mình ấp ủ. Đó là góp chút công sức đền đáp cái nghĩa, cái tình của người dân hết lòng nuôi chứa bộ đội, bảo vệ cán bộ cách mạng trong chiến tranh.

Điều ông xác định đầu tiên là hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho người khiếm thị. Bởi ông thấu hiểu thiệt thòi của họ và muốn những cảnh đời bất hạnh này xóa bỏ mặc cảm với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. Tính từ năm 2014 đến nay, ông đã lập ba dự án cho 55 lượt hội viên vay từ 10-20 triệu đồng bằng nguồn quỹ của Trung ương và Tỉnh hội phân bổ.

Nhờ vậy, nhiều hộ hội viên đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng được cải thiện, trong đó có gia đình bà Nguyễn Thị Bông, ở ấp Nhơn Lộc, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A. Bà Bông bị bệnh mắt từ năm 1999 nên được ông Hai Lực hướng dẫn làm thủ tục vay 10 triệu đồng.

Ban đầu bà làm chuồng nuôi heo nhưng không hiệu quả, từ đó bà quyết định vay thêm 10 triệu đồng để cải tạo vườn tạp trồng cam sành. Dần dần, bà tiết kiệm được nguồn vốn và mở rộng thêm diện tích vườn cam lên 3 công. “Năm ngoái, vườn cam còn tơ, sản lượng trái thu hoạch chưa nhiều nhưng tôi bán được hai mươi mấy triệu đồng”, bà Bông phấn khởi cho biết.

Mừng cho nhiều trường hợp vượt qua nghèo khó, nhưng cám cảnh nhất vẫn là các hội viên không còn khả năng lao động, đang sống phụ thuộc vào gia đình và hưởng trợ cấp của Nhà nước. Vậy là ông dò dẫm đến với họ, khi thì túi gạo, lúc thì lon sữa để họ vững tin rằng cộng đồng vẫn quan tâm đến những cảnh đời không may cùng sự thăm hỏi, động viên giúp họ vơi bớt cô đơn và cảm thấy ấm lòng.

Là người trong cảnh, ông Hai Lực hiểu rõ điều đó nên âm thầm vận động các tổ chức và cá nhân. Hàng năm, ông tích cực phối hợp với các đoàn thể, hội đặc thù của huyện vận động tổ chức mổ miễn phí cho cả trăm trường hợp đục thủy tinh thể, khám và chữa các bệnh về mắt.

Trong ba năm gần đây, ông Hai Lực đã vận động mạnh thường quân quyên góp được hơn 1,5 tỉ đồng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo đói vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, tổng số 102 hội viên của huyện đã thoát nghèo. Qua đó, góp phần không nhỏ vào phong trào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương.

Ông Hồ Hoàng Ưng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho hay thời gian qua, đồng chí Lực đã vận động được hơn 10 tấn gạo, hơn 2.300 phần quà hỗ trợ cho các hội viên có hoàn cảnh nghèo khó. Đối với những trường hợp khiếm thị, cuộc sống lại khốn khổ thì đây là sự sẻ chia rất đáng trân quý. Anh Hai Lực còn vận động xây dựng được 10 căn nhà và sửa chữa 9 căn nhà với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng cho các hội viên khó khăn về nhà ở.

Bà Nguyễn Thị Lợi, Bí thư Chi bộ ấp Nhơn Phú, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, bày tỏ: “Có lúc tui thắc mắc sao mà ảnh (ông Hai Lực) làm được những công việc này. Chắc là ảnh có đạo đức tốt cũng như tác phong, lề lối làm việc rất hợp lòng dân nên tạo được uy tín, được nhiều người ngưỡng mộ. Từ đó các mạnh thường quân sẵn sàng hỗ trợ, đóng góp để ảnh có điều kiện làm thiện nguyện, giúp đỡ cho những người gặp khó khăn trong xã hội”.

Nếu như người khác nhìn ánh sáng cuộc đời bằng đôi mắt thì ông Hai Lực nhìn ánh sáng bằng trái tim, bằng tấm lòng rộng mở của một cựu chiến binh từng đi qua chiến tranh, đã và đang ngày đêm lặng lẽ góp sức xây đời.

Thượng úy Huỳnh Thanh Bình, con ông Hai Lực hiện là nhân viên Quản lý Hậu cần - Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Cần Thơ, thừa nhận: “Lúc đầu, gia đình cảm thấy lo lắng cho ba vì điều kiện đi lại khó khăn, bất tiện. Nhưng mỗi khi vận động được một cái nhà tặng cho hộ nghèo về là ba rất phấn khởi. Bản thân tôi cũng như gia đình luôn ủng hộ những việc làm tốt đẹp của ba”.

 

Có lẽ, ít ai ngờ 3 công đất vườn sau nhà trồng các loại bưởi da xanh, quýt, mãng cầu, măng cụt... đang sai trái trĩu cành là do bàn tay gầy dựng của ông Hai Lực và ông nói việc làm này chủ yếu là để cho con, cho cháu sau này.

 

Bài, ảnh: N.GIA - V.NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>