Kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh khóa IX: Chất vấn nhiều vấn đề dư luận quan tâm

11/12/2017 | 08:28 GMT+7

Chất vấn và trả lời chất vấn là nội dung được đại biểu và cử tri dành nhiều sự quan tâm trong mỗi kỳ họp HĐND tỉnh. Tại Kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Công thương đã trả lời chất vấn nhiều vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm về công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tình trạng hàng gian, hàng giả xuất hiện còn nhiều trên thị trường...

Các đại biểu đặt nhiều câu hỏi chất vấn xoáy sâu vào các nội dung mà dư luận dành nhiều sự quan tâm hiện nay.

Nỗ lực thực hiện tốt chính sách cho người có công

Chất vấn về công tác giải quyết các chế độ chính sách đối với người có công, đại biểu Nguyễn Văn Quận, đơn vị huyện Vị Thủy, cho biết hiện nay việc xem xét và giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng khá lớn nên đề nghị Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có những giải pháp gì giải quyết dứt điểm các hồ sơ, thủ tục, cũng như tập trung xem xét những hồ sơ có cơ sở để sớm giải quyết trong thời gian tới.

Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sau hơn 5 năm thực hiện Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng của Đảng và Nhà nước, Sở đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và thực hiện tốt các chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 23 ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015, toàn tỉnh có 15.824 đối tượng được rà soát. Kết quả, số đối tượng hưởng đầy đủ chế độ, chính sách là 15.434 (chiếm 97,53%); hưởng thiếu (chưa đầy đủ) 3 đối tượng (chiếm 0,019%); hưởng sai 3 đối tượng (chiếm 0,019%).

Thực hiện Quyết định số 408 ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xà hội ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, qua rà soát, phân loại, toàn tỉnh có 32 hồ sơ tồn đọng.

Với vai trò là Thường trực Ban Chi đạo xác nhận người có công của tỉnh, đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh cơ bản giải quyết xong 32 hồ sơ. Trong đó, tham mưu UBND tỉnh gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chính phủ tặng bằng Tổ quốc ghi công đối với 13 trường hợp; phối hợp với địa phương hướng dẫn 3 đối tượng thiết lập hồ sơ thương binh, nâng tổng số hồ sơ đủ điều kiện công nhận thương binh, liệt sĩ là 16. Bên cạnh đó, có 14/32 hồ sơ không đủ điều kiện; 2 hồ sơ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan và địa phương xác minh làm rõ.

Riêng đối với các trường hợp không đủ điều kiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND cấp huyện thu hồi giấy báo tử, đồng thời thông báo đến đối tượng được biết. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND huyện Phụng Hiệp xác minh làm rõ thêm 2 trường hợp còn lại.

“Để thực hiện tốt hơn chính sách dành cho người có công, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục tổ chức các buổi đối thoại, gặp gỡ với các đối tượng người có công tại các xã, phường, thị trấn tiếp thu, lắng nghe và giải quyết các vấn đề mà người dân còn bức xúc; sẽ tích cực cải cách hành chính, thực hiện liên thông đối với nhiều loại hồ sơ nhằm giảm thời gian làm thủ tục cho người dân. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phụ trách thực hiện chính sách đối với người có công. Bởi chỉ khi có đủ năng lực và đạo đức thì người cán bộ mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, bà Hồ Thu Ánh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nói.

Trước băn khoăn của đại biểu Nguyễn Hồng Quân, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, về tỷ lệ lao động thất nghiệp của tỉnh còn khá cao, nhất là tình trạng học sinh, sinh viên ra trường không có việc làm nhưng có một nghịch lý là nhiều doanh nghiệp lại không tìm đủ nguồn lao động, bà Ánh cho biết, những hạn chế do đại biểu Quân nêu ra xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động nhưng người lao động có sự chọn lựa doanh nghiệp uy tín, mức lương cao nên công tác tuyển dụng, đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra.

Về tình trạng học sinh, sinh viên sau khi ra trường không có việc làm một phần xuất phát từ nguyên nhân một số trường hợp chưa xác định đúng mục đích, động cơ học tập, học theo phong trào, học xong không chịu đi làm, lựa chọn nghề khác có thu nhập cao hơn. Mặt khác, vẫn còn tình trạng phụ huynh, học sinh có tâm lý chọn trường đại học, cao đẳng mà chưa nghĩ đến việc học nghề để có việc làm.

Để khắc phục những hạn chế trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện công tác đào tạo nghề đảm bảo về chất lượng, không chạy theo số lượng, phải bám sát nhu cầu của người lao động và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ khảo sát về nhu cầu lao động của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó làm cơ sở để xác định hướng đào tạo theo địa chỉ và giới thiệu việc làm cho người lao động cũng như cung ứng theo yêu cầu của người sử dụng lao động.

Chú trọng chất lượng các chuyến hàng Việt về nông thôn

Chất vấn lãnh đạo Sở Công thương, đại biểu Thích Thông Hạnh, Phó trưởng Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam, nêu vấn đề dư luận xã hội quan tâm hiện nay: “Thời gian qua đã có nhiều chuyến hàng Việt về nông thôn nhưng người dân phản ánh có tình trạng một số mặt hàng không rõ nguồn gốc, thậm chí có cả hàng Trung Quốc. Vậy lãnh đạo Sở có giải pháp gì để khắc phục hạn chế này trong thời gian tới?”.

Trả lời câu hỏi này, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương, cho biết Sở đã nhận thấy hạn chế này và đang từng bước khắc phục để nâng cao hiệu quả tổ chức các kỳ hội chợ cũng như tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn. So với những năm trước, các hội chợ tổ chức trong năm 2017 chất lượng được nâng lên và tương đối đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là các hội chợ cấp tỉnh tổ chức tại thành phố Vị Thanh. Về công tác quản lý nhà nước, Sở Công thương chỉ đạo sát sao lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trưng bày trong các kỳ hội chợ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; chú trọng chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ...

Để nâng cao hiệu quả trong tổ chức các kỳ hội chợ, phiên chợ và những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, hỗ trợ hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như thị trường nông thôn. Đồng thời, Sở sẽ lựa chọn đơn vị tổ chức hội chợ có chất lượng và việc mời gọi các doanh nghiệp tham gia hội chợ phải có thương hiệu và chất lượng, hàng hóa tham gia hội chợ phải có nguồn gốc rõ ràng.

Về ý kiến của đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về tình trạng hàng gian, hàng giả vẫn còn xuất hiện nhiều trên thị trường, lãnh đạo Sở Công thương thông tin, trong năm 2017, lực lượng quản lý thị trường của tỉnh thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường được 1.125 vụ, qua đó phát hiện và xử lý 534 vụ vi phạm (tăng 15 vụ so với cùng kỳ năm 2016), với tổng số tiền hơn 2,4 tỉ đồng (tăng 6,77% so với năm 2016).

“Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với ngành chức năng có liên quan tiếp tục thực hiện sâu rộng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất kinh doanh để họ không sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm”, ông Phong nhấn mạnh.

Khá hài lòng hai phần trả lời chất vấn

Cử tri Ngô Văn Khá, ở huyện Vị Thủy: Qua theo dõi phần trả lời chất vấn, tôi đánh giá cao lãnh đạo hai sở vì đã trả lời trên tinh thần cầu thị, không né tránh vấn đề. Tuy nhiên, tôi mong Sở Công thương phải có kế hoạch cụ thể, giải pháp quyết liệt hơn nữa để phát hiện, xử ý nghiêm các cơ sở sản xuất, buôn bán hàng gian, hàng giả. Còn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần thực hiện các giải pháp khả thi hơn để giúp học sinh, sinh viên có được việc làm sau khi ra trường.

Cử tri Nguyễn Văn Bá, ở thị xã Ngã Bảy: Theo dõi phần trả lời chất vấn, tôi đánh giá lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời đạt khoảng 90% yêu cầu đặt ra; còn Sở Công thương đạt khoảng 80% so với yêu cầu, vì còn một số vấn đề lãnh đạo sở chưa nêu được những giải pháp rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, qua phần trả lời của lãnh đạo Sở Công thương, tôi thấy quyết tâm rất cao của Giám đốc Sở trong công tác phòng, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; mong sự quyết tâm này sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

 

Tiếp nhận 15 ý kiến qua đường dây nóng

Tại Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh thành lập Tổ đường dây nóng qua hai số điện thoại: 0293.3504.624 và 0293.3504.987, để ghi nhận ý kiến, đóng góp của cử tri gửi đến kỳ họp và các đơn vị được chất vấn. Trong 2,5 ngày diễn ra kỳ họp, tổ đã tiếp nhận 15 lượt ý kiến của cử tri. Qua đó giải thích, hướng dẫn 5 ý kiến, 10 ý kiến còn lại đã tổng hợp gửi về đoàn thư ký của kỳ họp.

 

 Bài, ảnh: T.SƠN - Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>