Hướng tới chính quyền thân thiện

06/08/2019 | 17:19 GMT+7

Một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình chính quyền thân thiện. Kết quả bước đầu cho thấy mô hình này cần được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Người dân khi đến Bộ phận một cửa xã Hiệp Lợi luôn được phục vụ tận tình.

Bà Nguyễn Thị Nga, ở ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, vừa đến Bộ phận một cửa xã làm lại giấy khai sinh cho con phấn khởi chia sẻ: “Đến đây lúc nào cũng được cán bộ đón tiếp niềm nở, giải quyết hồ sơ lại nhanh, chính xác nên tôi cảm thấy rất hài lòng”.

Không chỉ bà Nga, ngồi quan sát hồi lâu tại Bộ phận một cửa xã Hiệp Lợi đều thấy người dân đến và ra về với vẻ hài lòng. Không gian tại bộ phận một cửa xã này thông thoáng, sạch sẽ, có bố trí ghế ngồi chờ và nước uống cho người dân. Cán bộ phụ trách thì niềm nở, hướng dẫn tận tình, cố gắng giải quyết hồ sơ nhanh nhất có thể để người dân không phải đợi lâu.

“Dù có một hồ sơ thì chúng tôi cũng trình cho lãnh đạo ký. Đôi khi người dân đến đây đã quá giờ làm việc nhưng chúng tôi vẫn nán lại để giải quyết dứt điểm cho bà con”, anh Lê Hữu Thịnh, cán bộ địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường xã Hiệp Lợi, chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Hiệp Lợi Huỳnh Ngọc Tấn cho biết đã có sự chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức, hành động, lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, công chức xã khi phục vụ Nhân dân. Kết quả trong thời gian qua là không có hồ sơ trễ hẹn và không có phản ánh khiếu nại của người dân đối với cán bộ, công chức của xã; mức độ hài lòng của Nhân dân đối với chính quyền xã hàng năm luôn đạt trên 98%.

Xã Hiệp Lợi là đơn vị thí điểm thực hiện mô hình chính quyền thân thiện, rất nhiều biện pháp, cách làm được xã triển khai để cụ thể hóa nhiệm vụ này. Theo đó, xã tổ chức niêm yết công khai 160 thủ tục hành chính (TTHC) đã được UBND tỉnh công bố tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo đúng quy định và đảm bảo thực hiện giải quyết các TTHC theo đúng quy trình; xây dựng các bảng khẩu hiệu thể hiện rõ phương châm: “Trọng dân, gần dân, học dân, hiểu dân và có trách nhiệm với Nhân dân”; động viên và yêu cầu cán bộ, công chức có thái độ hòa nhã, lịch sự trong quan hệ giải quyết các công việc của công dân.

Bộ phận một cửa xã này còn công khai nội quy tiếp nhận hồ sơ, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức phục vụ tại đây. Có bố trí khu vực cung cấp thông tin, bộ hướng dẫn TTHC, niêm yết công khai TTHC; khu vực tiếp nhận và trả kết quả; bố trí thùng thư để cá nhân, tổ chức góp ý về các nội dung liên quan đến TTHC. Bên cạnh đó, triển khai thư xin lỗi, thư cảm ơn, thư chúc mừng, thư chia buồn nhằm thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với Nhân dân.

Ông Huỳnh Ngọc Tấn cho biết thêm là xã đã công khai số điện thoại của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND và Trưởng Công an xã tại nhà văn hóa ấp và nơi đông dân cư để tạo điều kiện cho người dân phản ánh kịp thời những yêu cầu bức xúc cần được giải quyết.

Tương tự, phường Ngã Bảy, đơn vị cũng thí điểm thực hiện mô hình chính quyền thân thiện, đã triển khai nhiều biện pháp để thực hiện tốt các nội dung trong mô hình. Theo đó, bộ quy tắc ứng xử nơi công sở được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường và được quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức; yêu cầu từng cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa tập trung thực hiện cụ thể từng nội dung quy tắc ứng xử, như: tác phong, lời nói, thái độ, cử chỉ ứng xử với đồng chí và người dân; biết xin lỗi khi làm sai…

Hàng năm, bộ phận một cửa của phường tiếp nhận trên 15.000 trường hợp người dân và doanh nghiệp đến giải quyết hồ sơ, kết quả là giải quyết đạt 100% và không còn hồ sơ tồn đọng. Đáng chú ý là phường còn phối hợp xây dựng quy chế, quy trình tiếp nhận và giải quyết TTHC liên thông hai cấp như: thủ tục 3 trong 1 gồm giấy khai sinh, bảo hiểm y tế, nhập khẩu cho trẻ em dưới 6 tuổi; thủ tục cấp giấy phép xây dựng; chuyển mục đích sử dụng đất… Nhờ vậy mà công tác cải cách TTHC của phường từng bước đi vào nề nếp, mức độ hài lòng của người dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương hàng năm đạt từ 98% trở lên.

Chủ tịch UBND phường Ngã Bảy Sầm Đồng còn cho biết là lãnh đạo phường thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân thường xuyên, định kỳ theo quy định; bố trí thời gian trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với công dân. Các kiến nghị, phản ánh của công dân thuộc thẩm quyền luôn được HĐND, UBND phường và các khu vực tiếp nhận, giải quyết kịp thời; các vấn đề vượt quá thẩm quyền được chuyển lên cấp trên giải quyết theo quy định.

Trong nỗ lực xây dựng chính quyền thân thiện, từ năm 2017, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành A xây dựng thí điểm mô hình chính quyền thân thiện với tên gọi “Chính quyền thân thiện, công sở thân thiện”. Trong đó, xác định phương châm “Chân thành, tích cực, tôn trọng, nhẫn nại, tế nhị, nhanh gọn, hiệu quả”; thực hiện phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”…

Đáng chú ý là Trường Chính trị tỉnh đã thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Xây dựng mô hình chính quyền thân thiện cấp xã ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang”, qua đó để nghiên cứu, tạo nhận thức rõ những vấn đề đang đặt ra trong việc xây dựng mô hình chính quyền thân thiện ở các địa phương hiện nay.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu đánh giá cao sự tích cực, chủ động và nỗ lực của Trường Chính trị trong thực hiện đề tài này, đồng thời giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương triển khai, nhân rộng mô hình chính quyền thân thiện ra toàn tỉnh; hoàn thành chậm nhất 3 tháng sau khi đề tài được nghiệm thu.

Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá sau 15 năm thành lập, tổ chức và hoạt động của hệ thống chính quyền cấp xã trên địa bàn tỉnh nhanh chóng được kiện toàn và hoạt động ổn định. Công tác triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên phạm vi quản lý của cấp xã ngày càng có hiệu quả; hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước ngày càng nâng cao; trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao và chuẩn hóa so với yêu cầu; thái độ phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức ngày càng cải thiện theo hướng trọng dân, gần dân.

Những thành quả đó phản ánh hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của chính quyền địa phương ngày càng được củng cố và nâng cao, là cơ sở quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương và đóng góp vào thành tích chung của tỉnh. Minh chứng là cả 4 chỉ số trong lĩnh vực cải cách hành chính của tỉnh năm 2018 như: PCI, Par Index, Papi, Sipas đều tăng hạng.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng quá trình xây dựng và kiện toàn chính quyền cấp xã thời gian qua vẫn còn những hạn chế như: TTHC còn rườm rà; cơ sở vật chất phục vụ tại bộ phận một cửa còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu theo quyết định mới của Chính phủ; tính liên thông trong xử lý công việc còn hạn chế, việc giải quyết các TTHC giữa các cơ quan có liên quan chưa có sự thống nhất, thiếu đồng bộ.

Mặt khác, trình độ chuyên môn, kỹ năng và phương pháp làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu, một số cán bộ, công chức vẫn còn biểu hiện xa dân, chưa trọng dân. Công tác tiếp dân chưa đem lại hiệu quả cao, từ đó dẫn đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm thời gian so với quy định... Tất cả những vấn đề này đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, dẫn đến thứ hạng của tỉnh trong bảng xếp hạng các chỉ số về cải cách hành chính vẫn còn nằm ở nhóm thấp nếu so sánh với các địa phương khác trên cả nước.

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền ở cơ sở, trước hết là hai đơn vị thí điểm mô hình chính quyền thân thiện là xã Hiệp Lợi và phường Ngã Bảy cần phối hợp chặt chẽ với Trường Chính trị tỉnh trong công tác điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, không vì thành tích mà che giấu những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để xác định đúng thực chất về thực trạng hoạt động của chính quyền địa phương, từ đó xác định đúng nguyên nhân để xây dựng giải pháp triển khai thực hiện phù hợp trong thời gian tới…

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>