Gặp nữ giao liên năm xưa

09/01/2018 | 07:51 GMT+7

Là Chi hội trưởng Chi hội Liên hiệp Phụ nữ ấp Tân Quới Kinh, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, từ năm 1990 đến nay, nhưng mấy ai biết bà Lê Thị Hoa từng là giao liên, nội gián. Nghe bà kể những năm tháng hoạt động thật cảm phục về một phụ nữ gan dạ, kiên cường.

Bà Lê Thị Hoa xem những kỷ vật một thời làm nên tên tuổi.

Kiên cường trong thời chiến

Trong căn nhà tình đồng đội xây cách đây trên 10 năm đã xuống cấp, bà Lê Thị Hoa đem những kỷ vật, kỷ niệm chương một thời làm nên tên tuổi ra xem. “Không biết sao lúc ấy hoạt động mình không sợ gì hết mà còn hăng hái, tự nguyện tham gia, nay nghĩ lại thấy cảm phục bản thân!”, bà Hoa bộc bạch.

Bà Hoa sinh năm 1946, ở ấp Tân Quới Kinh, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Từ năm 1962-1964, khi nhiều bạn bè đồng trang lứa mải mê cắp sách đến trường thì thiếu nữ Hoa đã trở thành giao liên. Giai đoạn này, ngoài việc đưa những thông tin bí mật về cách mạng, bà Hoa còn canh giữ các chú, các bác phát quang, mở đường cho bộ đội hành quân. Trong những lần ấy, bà 3 lần bị địch bắt, thế nhưng bằng sự khôn khéo nên bà được thả. “Lúc đó, tôi có một người anh (con nuôi của bác) là cảnh sát ngụy đang công tác tại Công an thị xã Cần Thơ cũ nên mỗi lần bị bắt đều khai như thế, do đó địch không nghi ngờ”, bà Hoa giải thích.

Phát huy lợi thế trên nên mọi nhiệm vụ được giao cô Hoa luôn hoàn thành. Từ những chiến công ấy, đến năm 1965, bà được Huyện đội Phụng Hiệp giao nhiệm vụ làm Trung đội trưởng Trung đội nữ địa phương quân. Đến năm 1968, bà Hoa cùng gần 20 cán bộ, chiến sĩ của trung đội được lãnh đạo bí mật điều lên thị xã Cần Thơ bán quán cà phê hay giúp việc nhà cho một số cán bộ địch. Riêng bà được giao nhiệm vụ giúp việc nhà cho đại úy công an ngụy.

Lúc đầu, do nghi ngờ nên mọi hoạt động của bà đều được giám sát rất kỹ lưỡng; đại úy ngụy còn không cho bà ra khỏi nhà, công việc nhà đều bị tìm cớ mắng chửi. “Do ức chế, trong một lần xin phép về nhà thăm gia đình, tôi xin mấy chú cho về để đánh giặc, chứ ở nhà tên đại úy còn hơn ở tù, nhưng mấy chú động viên cố gắng”, bà Hoa kể.

Sau khi về thăm gia đình, tên đại úy ngụy càng nghi ngờ nên cố tình làm khó, đồng thời hỏi nhân thân gia đình để tìm cách tiếp cận. Với sự mềm dẻo, khôn khéo, bà Hoa cũng nói về lý lịch và có một người anh đang làm cảnh sát tại Công an thị xã Cần Thơ. Lúc này, tên đại úy mới dần tin và cho bà tự nhiên đi lại trong nhà, được phép đi chợ để mua các vật dụng sinh hoạt...

Lợi dụng lòng tin ấy, trong những lần đại úy họp tại nhà để bàn về những trận đánh, đi càn sắp tới, bà Hoa cố tình đem trà, trái cây vô để nghe. Sau đó, thông báo với đơn vị để ngăn chặn.

Thấy tôi thắc mắc thời gian đó thông tin, liên lạc đều rất khó, bà Hoa nói: “Khi được tin tưởng và được đi chợ nên tôi bí mật thông tin đến đồng đội; không chỉ vậy tôi còn nhận rải truyền đơn. Lúc đó, tôi không sợ gì hết, nếu có bị bắt thì không bao giờ khai nhiệm vụ của mình và sẵn sàng hy sinh vì cách mạng”.

Theo bà Hoa, khi ở nhà đại úy ngụy, bà đã bí mật liên lạc, thông tin đến đồng đội trên 10 trận đánh, đi càn của địch để bộ đội ta ngăn chặn.

Nhiệt huyết thời bình

Sau ngày giải phóng, bà được đơn vị cử đi học và đảm nhận Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thốt Nốt giai đoạn 1979-1985. Do hoàn cảnh, đến năm 1985, bà xin về nhà chăm sóc gia đình. Biết bà từng công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ, địa phương vận động bà giữ vai trò Chi hội trưởng Chi hội Liên hiệp phụ nữ ấp Tân Quới Kinh từ năm 1990 cho đến nay.

Lúc đầu nhận nhiệm vụ, điều bà băn khoăn, lo lắng là có trên 50% chị em phụ nữ ấp thuộc diện nghèo. Qua tìm hiểu, biết được nguyên nhân là do thiếu vốn sản xuất, độc canh cây lúa, chưa biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật…

Từ đó, bà phối hợp ngành chức năng mở lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện cho chị em vay vốn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi… Kết quả là kinh tế gia đình, tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên, phụ nữ ngày càng giảm. Đến nay, toàn ấp chỉ còn khoảng 40 hộ nghèo, đặc biệt có nhiều mô hình của phụ nữ cho thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm.

Đang tất bật chăm sóc 3 công dưa hấu tết, bà Tô Thị Lan bộc bạch: “Thấy trồng dưa hấu vậy nhưng thu nhập khá lắm. Dự kiến tết này, trừ chi phí gia đình tôi bỏ túi khoảng 15 triệu đồng”.

Nói rồi, bà Lan bộc bạch, trước đây do không biết chuyển đổi cây trồng nên 3 công đất quanh năm đều trồng lúa, lâm vào cảnh nghèo khó. Thấy vậy, bà Hoa đến vận động, mời tham gia học lớp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Từ đó, trên 3 công đất của mình, 1 năm bà Lan làm 2 vụ màu, 1 vụ lúa và cho thu nhập nâng lên đáng kể; mỗi vụ màu trừ chi phí bà Lan lời từ 15-18 triệu đồng và đã thoát nghèo.

Không chỉ vận động tham gia chuyển đổi cây trồng vật nuôi, bà Hoa còn vận động chị em hội viên bảo vệ môi trường bằng cách xây hố rác, nhà xí hợp vệ sinh, không vứt rác xuống mương, kênh… Đến nay có khoảng 70% gia đình chị em hội viên làm theo. “Tuy tuổi đã cao, nhiều lần muốn xin nghỉ nhưng thấy chị em còn nghèo quá nên tôi quyết ở lại để hỗ trợ. Tới đây, tôi sẽ tạo điều kiện cho chị em tham quan một số mô hình hay của ấp khác trong thoát nghèo để học hỏi, vận dụng làm theo”, bà Hoa thông tin.

Chia tay bà Hoa, một phụ nữ hăng say thời chiến, nhiệt huyết thời bình làm chúng tôi không khỏi cảm phục ý chí, nghị lực của bà vì cách mạng…

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>