Đồng bào tôn giáo, dân tộc thực hiện nghiêm phòng, chống dịch Covid-19

15/06/2021 | 08:32 GMT+7

Đồng bào dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh đang thực hiện nghiêm các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của tỉnh.

Phật tử đến chùa Aranhứt Sócbàmai, ấp 6, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy đeo khẩu trang và rửa tay bằng nước khử khuẩn.

Ở cơ sở thờ tự

Toàn tỉnh có 27 nhà thờ, 2 nhà nguyện, 36 linh mục, hơn 38.000 tín đồ theo đạo Công giáo. Trước đây, hàng ngày hay thứ bảy, chủ nhật, nhiều giáo dân đến nhà thờ, nhà nguyện làm lễ. Từ khi có văn bản của UBND tỉnh thì các nhà thờ, nhà nguyện không tổ chức lễ, giáo dân cũng không tập trung đến đây như trước. Bởi lẽ họ biết mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19.

“Giáo dân có thể dự lễ, thánh lễ trực tuyến tại nhà qua mạng internet, như thế để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch”, ông Khuất Văn Đệ, Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, cho biết.

Cùng với đó, các vị linh mục, chức sắc, chức việc cũng tích cực tuyên truyền, vận động giáo dân thực hiện nghiêm 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) theo khuyến cáo; đề nghị hạn chế đi lại, nhất là những nơi có dịch Covid-19; đến cơ sở y tế khám bệnh nếu phát hiện mình, người thân có sốt, khó thở.

Trước đây, Nhà thờ Vị Thanh, thuộc phường I, thành phố Vị Thanh, có khá đông giáo dân đến dự lễ, nhất là thứ bảy, chủ nhật, từ khi có yêu cầu của UBND tỉnh thì nhà thờ không tổ chức lễ nữa. “Cùng với thực hiện nghiêm các quy định của chính quyền địa phương, ngành chức năng trong phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi còn vận động giáo dân cầu nguyện cho hết dịch, cuộc sống người dân Hậu Giang nói riêng, cả nước nói chung sớm bình ổn, an lành”, linh mục Nguyễn Văn Khuyến, Chánh sở Nhà thờ Vị Thanh, cho biết.

Ở các chùa Phật giáo Nam tông Khmer cũng thực hiện nghiêm quy định về phòng ngừa dịch bệnh. Thông thường, ngày rằm và ngày 30, mùng 1 âm lịch hàng tháng, phật tử đến chùa dâng cơm, cúng bái, nhưng nay chùa yêu cầu phật tử hạn chế đến, đồng thời hạn chế tập trung đông người; những ai đến chùa phải đeo khẩu trang và rửa tay bằng nước khử khuẩn...

“Nếu gặp người lạ, nhất là những người từ vùng dịch đến địa phương, chúng tôi báo với trưởng ấp để có biện pháp theo dõi”, ông Danh Lượm, Phó Trưởng Ban quản trị chùa Aranhứt Sócbàmai, ấp 6, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, cho biết.

Phòng, chống ở gia đình

Hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 nên ông Nguyễn Văn Luông (giáo dân thuộc họ đạo Vị Hưng), ở khu vực 2, phường IV, thành phố Vị Thanh, hạn chế đi ra ngoài nếu không thật sự cần thiết; nếu ra ngoài thì đeo khẩu trang,  chuẩn bị cho mình chai nước khử khuẩn. “Tôi làm như thế không chỉ bảo vệ cho mình mà còn mọi người, bởi tình hình dịch hiện nay khá phức tạp, nhiều khi mình bị bệnh mà không hay thì rất nguy hiểm”, ông Luông cho biết.

Ngoài ra, ông Luông có 3 người con đều làm việc tại thành phố Cần Thơ nên thường xuyên gọi điện thoại căn dặn các con chủ động phòng, chống như: hạn chế đi lại, không tiếp xúc nhiều người; thực hiện 5K theo chỉ dẫn của ngành chức năng, chủ động đo thân nhiệt tại nhà.

Còn ông Danh Thu, ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, thời gian qua cũng thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mặc dù là Phó Ban Quản trị chùa, công việc nhiều, nhưng việc gì cần thiết lắm ông mới vào chùa, không sẽ xử lý qua điện thoại. “Không vào chùa không có nghĩa là thiếu trách nhiệm, nhưng hiện nay tình hình dịch khá phức tạp và tránh tập trung trên 20 người nên tôi làm như thế. Đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng là điều nên làm mà!”, ông Danh Thu cho biết.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>