Để chỉ thị của Đảng đi vào cuộc sống

19/07/2017 | 07:53 GMT+7

“Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU về việc nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; Chỉ thị số 20-CT/TU về tăng cường nâng cao sự lãnh đạo của Đảng về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, cho thấy các chỉ thị đã được triển khai sâu rộng và thực hiện nghiêm túc đem lại những kết quả khả quan” - đây là nhận định chung của nhiều đại biểu dự Hội nghị sơ kết, tổng kết các chỉ thị trên vào ngày 18-7 do Tỉnh ủy tổ chức.

Các cơ sở y tế đã được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang là một trong những điều giúp người bệnh hài lòng.

Gia tăng số lượng, chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên

Cách làm hay trong thực hien Chỉ thị số 17 là kết hợp báo cáo thuyết trình với công nghệ thông tin, tạo sức hấp dẫn, thu hút; sau mỗi kỳ hội nghị báo cáo viên, có gắn với họp giao ban an ninh tư tưởng để nắm bắt tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tỉnh cũng đã tổ chức các cuộc hội nghị báo cáo viên luân phiên tại các huyện, thị, thành phố… Việc tuyên truyền đã có sự đa dạng, đổi mới theo hướng tích cực.

Chia sẻ về hoạt động các báo cáo viên, tuyên truyền viên, ông Trần Quang Minh, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Vị Thanh, chia sẻ: “Từng đồng chí đều cố gắng tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đảng viên và quần chúng nhân dân nắm vững và thực hiện cho tốt. Kỹ năng của mình cũng nâng lên được một bước đáng kể. Để tạo sức hấp dẫn, thông tin kịp thời trong tình hình mới, bản thân sẽ tự thu thập thông tin, nghiên cứu nhiều hơn”. Ông Minh mong muốn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được quan tâm chăm bồi nhiều hơn và bồi dưỡng kỹ năng biên soạn tài liệu, kỹ năng thu thập thông tin, kỹ năng thuyết trình,…

Từng địa phương đều có sự chăm chút cho lực lượng này. So với năm 2006, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở huyện Châu Thành A cũng đã gia tăng rất nhiều về số lượng. Ông Phạm Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành A, thông tin: “Tất cả các báo cáo viên cấp huyện có trình độ chuyên môn đại học trở lên, còn lực lượng tuyên truyền viên ở xã, thị trấn mỗi nơi có 25-28 tuyên truyền viên, các chi bộ, đảng bộ đều có bí thư, phó bí thư phụ trách tuyên huấn. Số lượng tuyên truyền viên không ngừng tăng lên, hiện nay 352 đồng chí, tăng 220 đồng chí. Hàng năm đều được bồi dưỡng nghiệp vụ, 16 lớp trên 1.300 lượt đồng chí tham dự”.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề cập những khó khăn trong công tác tuyên truyền miệng. Đó là có nơi “khoán trắng” cho bộ phận tuyên giáo; một số nơi quản lý tuyên truyền viên còn lỏng lẻo, chưa thật sự phát huy hết thế mạnh của lực lượng này. Đội ngũ hầu hết kiêm nhiệm cũng ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng tuyên truyền miệng; chưa có chế độ cho tuyên truyền viên xã, phường, thị trấn…

Còn đối với những chỉ thị liên quan đến lĩnh vực y tế, đã có những chuyển biến tích cực sau thời gian thực hiện.

Khởi sắc bảo hiểm y tế

Chia sẻ tại hội nghị, ông Đặng Văn Nở, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thông tin, khi có Chỉ thị số 18 đã tạo chuyển biến tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền về bảo hiểm y tế, từ đó có sự chỉ đạo tích cực. Các sơ, ngành đã phối hợp tốt, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tuyên truyền vận động bảo hiểm y tế. Trước khi có Chỉ thị số 18, tỉnh có 67,45% người dân tham gia bảo hiểm y tế, nhưng qua 10 tháng đã có 75,78%, tăng 8,33%. Đối tượng tham gia tăng nhiều nhất là hộ gia đình và hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, đây là 2 nhóm đối tượng khó vận động và cần phải vận động tham gia.

Một trong những giải pháp tuyên truyền được đánh giá mang lại hiệu quả cao là hình thức đối thoại trực tiếp với người dân, hình thức này đang được các địa phương áp dụng. Ông Bùi Bảo Quốc, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Châu Thành, cho biết: “Bảo hiểm xã hội huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền bằng hình thức đối thoại trực tiếp tại các ấp đã tổ chức được 9 cuộc với hơn 450 người tham dự”. Đây cũng là hình thức tuyên truyền sẽ được phát huy trong thời gian tới.

Năm 2016, tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân của tỉnh là 76,89%, vượt 2,89% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao. Năm 2017, khả năng tỉnh sẽ thực hiện đạt 78% theo chỉ tiêu. Với tỷ lệ hiện nay, cần vận động 17.186 người tham gia bảo hiểm y tế nữa.

Tiếp tục rèn y đức

Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 20, nhiều giải pháp đồng bộ, như đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đào tạo nguồn nhân lực y tế,… đã được triển khai góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân của tỉnh. Qua đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh thì: “Ngành y tế đã thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp,  công tác khám, chữa bệnh có bước chuyển biến tích cực,… bước đầu được người dân và dư luận xã hội đánh giá cao. Cơ sở vật chất được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, nhất là y tế cơ sở”.

Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế là một trong những bước đột phá của ngành y tế trong thời gian qua. Ông Huỳnh Văn Huân, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Sau khi ký cam kết thay đổi phong cách hướng đến sự hài lòng người bệnh, chúng tôi đã khen thưởng và cũng nghiêm túc xử lý đối với những trường hợp vi phạm, cụ thể đã có 5 trường hợp bị xử lý”.

Thực hiện hiệu quả đường dây nóng trong ngành y tế, năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, cả tỉnh đã tiếp nhận 27 cuộc gọi và đã giải quyết 27 cuộc. Nội dung chủ yếu phản ánh về chính sách bảo hiểm y tế, chờ đợi lâu và vẫn có ý kiến phản anh về thái độ phục vụ,… Ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thừa nhận: “Thực tế tại cơ sở mình vẫn còn một số nhân viên y tế đôi lúc tiếp xúc chưa làm cho người bệnh thật sự hài lòng”.

Khắc phục tình trạng tuyên truyền khô cứng, rập khuôn, tuyên truyền phải có nghệ thuật, chắt lọc

Chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh nhấn mạnh, ngành y tế phải xem nỗi đau của bệnh nhân là nỗi đau của mình và làm việc có trách nhiệm. Tránh những hạn chế, sai sót trong chuyên môn. Tăng cường các giải pháp thu hút nguồn nhân lực y tế có trình độ chuyên môn sâu. Đảm bảo sử dụng có hiệu quả trang thiết bị y tế. Vận động bảo hiểm y tế phải mang tính bền vững. Báo cáo viên, tuyên truyền viên phải có kiến thức cao, khắc phục tình trạng tuyên truyền khô cứng, rập khuôn, tuyên truyền phải có nghệ thuật, chắt lọc được những nội dung cốt lõi, bản chất vấn đề để tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, nắm vấn đề bức xúc để định hướng dư luận. Tỉnh sẽ xem xét đề xuất hỗ trợ cho tuyên truyền viên ở các xã, phường, thị trấn.

 

Ông Phạm Quang Bản, Phó Vụ trưởng phụ trách phía Nam - Ban Tuyên giáo Trung ương, chia sẻ: “Cần quan tâm đến chất lượng tuyên truyền ra dân thật hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao. Cần có đề xuất hỗ trợ cho tuyên truyền viên cấp xã. Trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay thì vai trò định hướng tuyên truyền của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên rất quan trọng. Cần có thông tin nhiều chiều, thông tin định hướng, thông tin sâu, nội dung thông tin gắn vơi từng đối tượng và bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy. Song song đó, nên quan tâm chế độ thù lao, khen thưởng, động viên đội ngũ này”.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>