Công ty TNHH mía đường cồn Long Mỹ Phát: Chỉ được phép vận hành thử nghiệm trở lại khi đáp ứng yêu câu kỹ thuật về môi trường

15/05/2020 | 08:09 GMT+7

Đầu tháng 4 vừa rồi, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, liên quan đến hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát đặt tại thị xã Long Mỹ, công ty này chỉ được vận hành thử nghiệm trở lại sau khi đã hoàn thành đầy đủ các công trình xử lý chất thải theo quy định.

Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát gây ô nhiễm một nhánh sông ở thị xã Long Mỹ.

Thông tin cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau khi nhận được phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt sông Cái Lớn, đoạn chảy qua địa bàn huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ, Bộ đã có Công văn số 2126 ngày 08/5/2019 gửi UBND tỉnh Hậu Giang hướng dẫn xử lý vụ việc.

Trong đó, Bộ yêu cầu, với thực tế diễn ra, tỉnh cần tổ chức ngay lấy mẫu, phân tích, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường ở khu vực; khoanh vùng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động xả thải ra sông; đánh giá, xác định nguyên nhân; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi xả thải gây ô nhiễm; tổ chức triển khai các giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm và cung cấp thông tin về kết quả thực hiện cho các cơ quan báo chí, người dân được biết.

Theo hướng dẫn, UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng liên quan triển khai các hoạt động xác định nguyên nhân và xử lý vụ việc. Trên cơ sở kết quả kiểm tra của cảnh sát môi trường Công an tỉnh, phát hiện Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát có xả nước thải vượt QCVN ngày 02/5/2019.

Đến ngày 13-5-2019, UBND tỉnh có Thông cáo báo chí số 1127 về vụ việc, trong đó, xác định nguyên nhân chính là do hoạt động xả thải của công ty, đồng thời chỉ đạo UBND thị xã Long Mỹ và UBND huyện Long Mỹ thống kê thiệt hại để tỉnh chỉ đạo phương án giải quyết phù hợp.

Sau đó, ngày 23-7-2019, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1131 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát số tiền 714 triệu đồng, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của công ty trong thời gian 4,5 tháng để khắc phục vi phạm.

Theo Nghị định số 03 ngày 06/01/2015 của Chính phủ quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường, trách nhiệm xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường liên quan đến vụ việc này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của tỉnh Hậu Giang.

Sau khi lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu công ty dừng hoạt động, theo đề nghị của UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng Cục Môi trường phối hợp với các cơ quan của tỉnh tổ chức Đoàn thanh tra đột xuất công tác bảo vệ môi trường đối với công ty. Nhiệm vụ chính của Đoàn là kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có); rà soát tổng thể các hạng mục công trình bảo vệ môi trường của công ty để yêu cầu công ty thực hiện cải tạo, nâng cấp, xây lắp bổ sung theo đúng quy định.

Đến ngày 17-10-2019, Tổng Cục Môi trường đã chủ động làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang và các sở, ban, ngành liên quan để cung cấp thông tin kết quả thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với công ty; thống nhất cơ chế phối hợp giám sát, kiểm soát hoạt động của công ty sau khi hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường. Đồng thời, Tổng Cục Môi trường đã đề nghị tỉnh Hậu Giang khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện phương án hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị thiệt hại từ vụ việc này.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, ngày 29-10-2019, Tổng Cục Môi trường đã ban hành Kết luận thanh tra về bảo vệ môi trường số 269 đối với công ty. Theo đó, công ty phải thực hiện trình tự quy định tại Nghị định số 40 để được xem xét, cho phép vận hành trở lại.

Cụ thể, công ty phải rà soát, cải tạo, nâng cấp và xây dựng bổ sung các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; chỉ được vận hành thử nghiệm trở lại sau khi đã hoàn thành đầy đủ các công trình xử lý chất thải theo quy định, được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang kiểm tra và cho phép vận hành; tổ chức lấy, phân tích mẫu chất thải để đánh giá hiệu quả của từng công đoạn và sự phù hợp của toàn bộ các công trình xử lý chất thải đã được xây lắp, làm căn cứ lập hồ sơ báo cáo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Với các yêu cầu cụ thể này, công ty chỉ được phép vận hành thử nghiệm trở lại sau khi các công trình bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; đồng thời, các công trình bảo vệ môi trường sau khi cải tạo, nâng cấp phải hạn chế tối đa khả năng gây ô nhiễm môi trường hoặc sự cố môi trường trong quá trình hoạt động…

Trong các lần tiếp xúc cử tri sau khi công ty gây ô nhiễm, cử tri huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ nhiều lần phản ánh, vào tháng 3-4/2019, tình hình ô nhiễm môi trưòng trên sông Nước Đục (tên địa phương là sông Cái Lớn) và các tuyến kênh nhánh thuộc địa bàn thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ diễn ra trên diện rộng và lặp lại nhiều lần. Trên cơ sở phân tích, đánh giá mức độ ô nhiễm từ các nguồn thải dọc tuyến sông Cái Lớn và các kênh nhánh dẫn ra sông Cái Lớn, kết quả bước đầu cho thấy nguồn nước thải chính gây ra tình trạng ô nhiễm nước mặt trên địa bàn thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ là từ hoạt động xả thải của Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát…

 

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>