Công tác kiểm điểm được thực hiện nghiêm góp phần đẩy lùi suy thoái

13/06/2021 | 14:20 GMT+7

Năm năm qua, công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được cấp ủy các cấp ở Hậu Giang thực hiện nghiêm túc và mang lại nhiều kết quả tích cực.

Quang cảnh Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII do Tỉnh ủy tổ chức.

Hiện, Chi bộ khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh có 36 đảng viên, nhiều năm liền không có đảng viên vi phạm bị kỷ luật. Ông Trần Văn Tất, Bí thư Chi bộ khu vực 4, cho rằng, công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình được thực hiện tốt là một trong những nguyên nhân tạo ra kết quả này.

Bởi theo ông Tất, thông qua công tác kiểm điểm, tập thể chi bộ sẽ thẳng thắn cho ý kiến về mặt làm được, chưa được của đảng viên, đặc biệt là chỉ ra hạn chế mà đảng viên còn gặp phải trên tinh thần công tâm, khách quan, mang tính xây dựng. Qua đó giúp đảng viên nhận diện và khắc phục kịp thời.

“Tất cả sự phê bình, đóng góp đều được trình bày tại cuộc họp cho tập thể biết, chứ không được góp ý theo tính chất cá nhân bên ngoài. Điều này giúp cho công tác tự phê bình và phê bình được thực hiện công khai, đi vào thực chất”, ông Tất khẳng định.

Thành ủy Vị Thanh đánh giá công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã được các tổ chức đảng trên địa bàn thực hiện tốt. Nhất là kể từ năm 2016, ngoài kiểm điểm thường xuyên theo hướng dẫn, Thành ủy Vị Thanh còn gợi ý kiểm điểm 17 tập thể và 13 cá nhân. Nội dung kiểm điểm xung quanh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đoàn kết nội bộ, tác phong, lề lối làm việc, thái độ phục vụ Nhân dân.

“Công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đã được Thành ủy chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, qua thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, thành phố thi hành kỷ luật 7 đảng viên”, ông Trần Quốc Khởi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Vị Thanh, thông tin.

Ông Khởi cho biết thêm, do đánh giá việc kiểm điểm như thường lệ không mang lại hiệu quả cao nên Thường trực Thành ủy đã bàn và thống nhất cách thức thực hiện là trước khi tiến hành kiểm điểm đối với một cơ quan, đơn vị hay cá nhân nào đó thì sẽ bố trí các cơ quan giúp việc đến làm việc trước với cán bộ, đảng viên của cơ quan, đơn vị đó để lắng nghe ý kiến của họ.

Qua cách làm đó không chỉ ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp mà còn giúp Thường trực Thành ủy nắm chặt chẽ hơn đối với những hạn chế, khuyết điểm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân. Nhờ vậy mà gợi ý kiểm điểm có chiều sâu, đi vào trọng tâm vấn đề khó khăn, hạn chế mà tập thể và cá nhân còn gặp phải.

Cũng theo ông Khởi, khi kiểm điểm đối với các chức danh chủ chốt như trưởng, phó các phòng, ban của thành phố thì Thành ủy rất quan tâm kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Qua đó, để uốn nắn, nhắc nhở kịp thời đối với các đồng chí còn có những hạn chế, khuyết điểm cũng như có tác động lớn đến việc chấn chỉnh lề lối làm việc, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ được giao của các cán bộ, công chức. “Nếu kiểm điểm đến nơi đến chốn thì chúng ta có thể đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, ông Khởi nhấn mạnh.

Tỉnh ủy đánh giá trong 5 năm qua, việc chuẩn bị, tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã được các cấp ủy lãnh, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ. Nội dung kiểm điểm tập trung vào 27 biểu hiện nêu trong nghị quyết, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy chế, quy định của Đảng và Chỉ thị số 05 ngày 10/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc nâng cao ý thức trách nhiệm, rèn luyện đạo đức, tác phong; xây dựng lề lối làm việc khoa học, hiệu quả; công khai, dân chủ.

Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện, trọng tâm là quá trình chuẩn bị, tổ chức kiểm điểm và việc xây dựng, thực hiện kế hoạch sửa chữa, khắc phục khuyết điểm đã được kết luận qua tự phê bình và phê bình. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên; nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp, đảng viên, nhất là người đứng đầu về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng có nhiều chuyển biến tích cực.

Qua công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 147 đảng viên vi phạm Nghị quyết Trung ương 4 với các hình thức: khiển trách 75, cảnh cáo 49, cách chức 11, khai trừ 12. Nội dung vi phạm chủ yếu chấp hành không nghiêm nguyên tắc tổ chức đảng; thiếu tinh thần trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, không chấp hành sự phân công của tổ chức; tham ô, tham nhũng lãng phí, gây thất thoát tài chính; đánh bạc, rượu chè bê tha, vi phạm thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội... Ngoài ra, đình chỉ sinh hoạt đảng đối với 27 đảng viên; xóa tên 814 đảng viên.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Tiến Châu cho rằng, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, các biểu hiện suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ngày càng được nhận diện rõ; giải pháp rèn luyện, khắc phục, sửa chữa của cán bộ, đảng viên ngày càng thực chất, gắn liền với chức trách, nhiệm vụ được giao, từng bước khắc phục tình trạng kiểm điểm qua loa và giải pháp khắc phục chung chung.

Đặc biệt là việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, đánh giá xếp loại tập thể, cá nhân hàng năm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và các quy định nêu gương đi vào nề nếp; tình trạng nể nang, ngại va chạm đã và đang từng bước được khắc phục.

Mặc dù vậy, Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế. Đó là một số cấp ủy, tổ chức đảng lãnh, chỉ đạo thực hiện kiểm điểm, tự phê bình, phê bình chưa cụ thể, còn hình thức; việc đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên một số nơi chưa sát thực tế, vẫn còn biểu hiện “bệnh thành tích”; tình trạng nể nang, ngại va chạm, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm vẫn còn diễn ra.

Chưa kể, vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ chủ chốt các cấp chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm nêu gương; còn biểu hiện đối phó, né tránh, thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, công tác và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến xử lý kỷ luật.

Do đó, thời gian tới, ông Lê Tiến Châu yêu cầu cấp ủy các cấp phải lãnh, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; phát huy dân chủ trong Đảng, thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình, quan tâm khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trên tinh thần nói thẳng, nói thật, nói đúng chỗ, đúng lúc.

Ngoài ra, phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp; phát huy tốt sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu...

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>