Cái tình, cái nghĩa đã tròn đầy

20/01/2017 | 10:39 GMT+7

Năm nào cũng vậy, khi tiết trời se lạnh, lúc những cơn gió bấc đã lướt qua mấy cánh đồng, gió hanh lạnh làm mấy con đường đất bắt đầu nứt nẻ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các địa phương lại tổ chức các đoàn đến thăm, chúc tết những cán bộ lão thành, những trường nuôi dạy trẻ mồ côi, công nhân, bệnh viện, những cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại biên giới, hải đảo… Nét đẹp đầu xuân thấy thật ấm lòng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh (trái) đến thăm và chúc tết Hội đồng hương thành phố Cần Thơ – tỉnh Hậu Giang tại thành phố Hồ Chí Minh mới đây.

Thời điểm cuối năm, nhìn vô lịch Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ thấy không có ngày nào, buổi nào Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh có thời gian trống, kể cả những ngày cuối tuần. Những hội nghị tổng kết của các sở, ban, ngành, những hội nghị trực tuyến và nhiều cuộc họp khác chiếm gần như trọn thời gian… ấy vậy mà lãnh đạo tỉnh vẫn ân cần, cố gắng sắp xếp lịch để đến thăm và chúc tết người dân Hậu Giang trong và ngoài tỉnh.

Hôm trước, tại buổi họp mặt tại Hội đồng hương thành phố Cần Thơ - tỉnh Hậu Giang tại Thành phố Hồ Chí Minh, GS.TS Cao Minh Thì, Trưởng Ban Liên lạc Hội đồng hương, nói rằng: “Hội đồng hương tổ chức vào thứ bảy vậy mà Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh giấc khuya vẫn lên đây cùng nhiều cán bộ khác tham dự. Tôi nói với anh em đồng hương trên đây là người Hậu Giang mình đi đâu cũng quý cái nghĩa, cái tình, các anh dưới tỉnh đối đãi như vậy là cái tình, cái nghĩa đã tròn đầy rồi…”.

Tết truyền thống của dân tộc đến, từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đến những lãnh đạo khác của tỉnh dành nhiều thời gian để thăm cán bộ lão thành, Mẹ Việt Nam anh hùng, ăn tết với hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, những trường nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật… Tất cả những việc làm đó đều cụ thể, thiết thực, không hề hình thức. Mỗi nơi đến, các phần quà được trao tận tay, cùng những lời thăm hỏi chân tình, ân cần đã làm tình xuân ấm áp tràn đầy hơn.

Mà mỗi năm lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đâu đợi đến tết mới xuống dân. Năm qua, lãnh đạo tỉnh xuống dân rất thường xuyên và đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Còn khi tết đến, xuân về, với quyết tâm để ai cũng có tết, không để ai vì nghèo mà không có tết, lãnh đạo tỉnh đã mang xuân đến với nhiều hoàn cảnh đặc biệt.

Có theo chân lãnh đạo tỉnh đi những chuyến đi dài mới thấy rằng làm lãnh đạo đâu có dễ. Đêm giao thừa, khi các gia đình đã quây quần, tề tựu, cùng nhau vui vẻ, thì lãnh đạo tỉnh lại đến thăm những y, bác sĩ, những công nhân vệ sinh, những phóng viên báo, đài, nhân viên điện lực… Chắc phải qua giao thừa, khi phố phường yên ắng trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, các cán bộ này mới về tới mái ấm của mình!

Nói đến đây, lại nhớ đến câu chuyện giao thừa năm 1960, Bác Hồ đến thăm cô Tín, người gánh nước thuê ở phố Hàng Chĩnh (Hà Nội), gia đình này được chọn là người nghèo nhất thủ đô khi đó… Biết cô Tín chồng mất, một mình nuôi bốn đứa con nhỏ, mà tới giao thừa quang gánh vẫn nặng quằn trên đôi vai, Bác đã yêu cầu cả khu phố phải giúp đỡ cô Tín trên tinh thần “Lá lành đùm lá rách” và nhận trách nhiệm về Chính phủ khi để người nghèo đón tết chưa trọn.

Sau khi thăm cô Tín về, Bác đã nói: “Bữa nay tôi có một chuyến thăm một nhà nghèo nhất thủ đô Hà Nội. Cô Tín giờ này còn phải đi gánh nước thuê để có tiền mai mua gạo cho con. Chúng ta đã quá quan liêu để không biết những câu chuyện như vậy ở ngay tại thủ đô đất nước mình. Tôi biết không chỉ có một nhà như cô Tín đâu, người nghèo còn nhiều. Một đảng cầm quyền mà để người dân mình nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân...”.

Phong cách ứng xử gần gũi, gần dân, sát dân, chân thành, bình dị, tự nhiên, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên của Hồ Chủ tịch đã được Đảng bộ tỉnh Hậu Giang mà đứng đầu là lãnh đạo tỉnh học tập nghiêm túc, làm theo thiết thực và minh chứng là những chuyến thăm đầy nghĩa tình.

13 năm Hậu Giang ra đời và vẫn được gọi là tỉnh trẻ, nhưng cái tình, cái nghĩa với dân ở đây ngày càng “già”, càng thấm đượm, như lời Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh đã nói: “Dân giàu, dân yên ấm, quê hương mình mới mạnh, mới phát triển vững bền. Dân Hậu Giang từ trong chiến tranh đã cống hiến nhiều, mất mát, hy sinh nhiều, bây giờ thời bình, chúng ta phải là những người bù đắp, hàn gắn cho vết thương lành lại…”.

HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>