Trăn trở cùng lục bình

28/08/2019 | 08:00 GMT+7

Đã  có thời, cây lục bình góp phần giúp nhiều hộ khó khăn trên địa bàn tỉnh dần ổn định cuộc sống, thậm chí làm giàu, với công việc đan lục bình và bán nguyên liệu lục bình khô, nhưng giờ đây nghề này đang đối mặt với nhiều trăn trở...

Sức hút hiện nay của nghề đan lục bình không còn nhiều…

Giúp nhiều hộ thoát nghèo

“Từ hồi học được nghề đan lục bình này, đã giúp tôi có cuộc sống ổn định hơn. Có đồng ra đồng vào cũng ổn định lắm”, là chia sẻ của bà Đoàn Thị Huyền, 60 tuổi, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp. Nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt luồn những cọng lục bình khô vào từng thanh sắt sơn đen của cái khung sọt, ít ai biết rằng đây là công việc đã góp phần giúp bà và nhiều hộ nghèo của địa phương ổn định cuộc sống hơn chục năm qua. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhà lại không có đất canh tác, nên trước đây, cuộc sống của bà Huyền chủ yếu dựa vào công việc làm thuê, làm mướn theo mùa vụ, vì vậy, thu nhập rất bấp bênh. Thấy sức khỏe bản thân ngày càng yếu, nên khi địa phương mở lớp dạy nghề đan lục bình bà đã đăng ký theo học và gắn bó với nghề gần 10 năm nay.

Bà Huyền tâm sự: “Nghĩ cũng lạ, lục bình trôi sông trước đây là đồ bỏ đi không ai cần, mà giờ lại giúp nhiều chị em nghèo chúng tôi ổn định cuộc sống. Nhờ nghề đan lục bình này, mà mấy năm nay, tôi không còn vất vả đội nắng, dầm mưa đi làm mướn nữa. Không chỉ có việc làm tại nhà, mà tôi cũng có thu nhập ổn định và đều đặn hơn mỗi ngày”. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các sản phẩm từ lục bình những năm gần đây rất đa dạng về mẫu mã. Ngoài giỏ đựng đồ được đan bằng lục bình, còn có túi xách tay, thảm lục bình… tùy theo từng sản phẩm người làm sẽ được trả công khác nhau từ 15.000-100.000 đồng/sản phẩm.

Ngoài tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhờ công việc bán nguyên liệu lục bình, đã góp phần giúp nhiều hộ có cuộc sống dần khấm khá hơn. Bà Võ Thị Nuôi, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cho biết: “Hồi xưa, nhà đông con lại chỉ có một công đất, gia đình chủ yếu làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày không à. Rồi từ khi nghề đan lục bình này phát triển, thấy nhà gần sông, nguồn lục bình rất nhiều, nên tôi mới bắt đầu đi cắt, phơi lục bình để bán nguyên liệu cho những người đan sản phẩm. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn”.

Nếu trước đây, lục bình khô được bán với giá khoảng 3.000-4.000 đồng/kg, thì hiện nay giá đã tăng lên 3-4 lần, dao động từ 15.000-17.000 đồng/kg. Do giá cả khá cao, nên để có nguồn nguyên liệu lục bình đa phần người dân ngày nay phải thuê bãi để trồng. Bà Nuôi chia sẻ thêm: “Thông thường 15kg lục bình tươi mới cho ra được 1kg lục bình khô. Những tháng nắng còn đỡ, chứ gặp lúc trời mưa, lục bình cắt xong phơi không được rồi bị mốc, nhiều lúc tôi phải bỏ mấy trăm ký lục bình tươi luôn. Bởi vậy, nghề phơi lục bình này cũng vất vả lắm”.

Đắn đo bám trụ nghề

Không chỉ tạo điều kiện để hộ nghèo vươn lên, mà nghề đan lục bình cũng giúp những người ngoài độ tuổi lao động kiếm thêm thu nhập. Có dịp đi ngang qua phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các chị đang cặm cụi đan các sản phẩm như: giỏ đựng đồ, túi xách… từ lục bình. Là một trong những người có hơn 10 năm gắn bó với nghề đan lục bình tại địa phương, bà Võ Thị Thu Nga, 56 tuổi, tâm sự: “Bây giờ, tôi thường tranh thủ thời gian rảnh rỗi mới đan sản phẩm thôi, chứ không còn đan xuyên suốt như trước đây nữa. Trung bình mỗi ngày đan được 2 bộ sản phẩm, trừ hết chi phí nguyên liệu, tôi chỉ thu nhập được khoảng 50.000 đồng thôi. Do giá nguyên liệu mắc, sản phẩm làm ra không có lời nhiều, nên hiện nhiều chị, em ở đây không còn mặn mà với công việc đan lục bình lắm”.

Theo bà Nga, trước đây, hầu như nhà nào cũng có người biết đan lục bình, hiện trên địa bàn phường Vĩnh Tường, chỉ còn khoảng 30 hộ vẫn bám trụ với nghề. Đa phần những hộ này đều quá độ tuổi lao động hoặc không có điều kiện đi làm xa. Nếu những năm đầu, khi nghề đan lục bình mới phát triển tại địa phương, người dân có thể tự cắt, phơi để làm nguyên liệu đan sản phẩm. Nhờ vậy, trung bình mỗi người có thể kiếm được thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng từ công việc đan lục bình. Rồi những năm gần đây, khi nguồn nguyên liệu chủ yếu phải mua, nên sản phẩm làm ra không còn lời nhiều, vì vậy, một số người biết đan sản phẩm còn trong độ tuổi lao động đã bỏ đi làm công nhân.

Nghề đan lục bình đã không còn “thời vàng son” như ngày nào, nên ngày càng ít người tham gia, dù hiệu quả còn mang lại. Để giúp thêm nhiều hộ dân bám trụ, thoát nghèo, rất kỳ vọng khâu đầu ra và liên kết với doanh nghiệp để có thêm những sản phẩm mới từ cây lục bình - từng được xem như cây thoát nghèo của không ít địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>