Niềm vui hết nghèo

10/01/2021 | 15:48 GMT+7

Với nhiều giải pháp đồng bộ cùng sự nỗ lực vượt khó của “người trong cuộc”, nhiều người đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Năm 2020, công tác giảm nghèo của Hậu Giang ghi thêm dấu ấn mới.

Thoát nghèo, vợ chồng anh Ngôn quyết tâm xây dựng cuộc sống mới.

Có quyết tâm sẽ làm được

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Thanh Đài, ở ấp 3, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, một trong những hộ dân thoát nghèo trong năm 2020, mọi người sẽ thấy rõ nỗ lực vươn lên của gia đình. Đã quá trưa nhưng vợ chồng anh vẫn tất bật kiếm cá, bắt ốc để làm thức ăn cho lươn, ba ba. Trải qua những năm tháng nghèo khó, hơn ai hết anh chị rất nỗ lực để xây dựng cuộc sống mới. Nhớ về những năm tháng nghèo khó, chị Lê Thị Hồng Trang, vợ anh Đài rơm rớm nước mắt. Chị Trang kể, mấy năm trước túng thiếu, vất vả, đến ngày tết cũng phải tiết kiệm, nhìn mấy đứa nhỏ mong muốn có được những bộ quần áo mới để mặc trong mấy ngày tết như các bạn khiến vợ chồng anh chị rất buồn, bởi lo cái ăn còn khó, thì đâu dám nghĩ đến chuyện sắm sửa này kia. Nhờ chí thú làm ăn, quyết tâm vượt qua nghèo khó, vợ chồng anh chị đã đạt được kết quả như mong đợi.

Theo anh Đài, hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng anh luôn trăn trở, tìm cách làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy mô hình nuôi lươn cho hiêu quả kinh tế cao, anh mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư. Lúc đầu, nuôi khoảng 1.000 con lươn, trong thời gian nuôi anh đã đi giăng lưới, bắt ốc, đặt dớn… kiếm cá làm thức ăn cho lươn. Nhờ lấy công làm lời, sau một năm thả nuôi, gia đình đã thu về khoản lợi nhuận kha khá. Thành công từ đợt nuôi đầu tiên, anh quyết định mở rộng diện tích nuôi lươn. Hiện nay, gia đình đang nuôi khoảng 400kg lươn thịt và lươn sinh sản, ngoài ra còn nuôi 2.000 con ba ba. Anh Đài cho biết: “Mình còn trẻ, có sức khỏe nếu vẫn còn nghèo thì ngại lắm. Chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện, thì mình phải biết tận dụng sao cho hiệu quả, để có thể thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới”.

Còn gia đình anh Nguyễn Hữu Ngôn, ngụ cùng ấp 3, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, cũng vươn lên thoát nghèo trong năm 2020. Anh Ngôn chia sẻ: “Hồi trước, thu nhập chính của gia đình chủ yếu từ đi làm thuê, cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Với ước muốn thoát khỏi cảnh sống nghèo khó, chúng tôi cố gắng lao động, mạnh dạn vay vốn để đầu tư mô hình làm ăn. Nhờ đó thoát nghèo”.

Gia đình anh Ngôn gắn bó với mô hình nuôi heo mấy năm nay, nhờ giá cao, lợi nhuận mang lại kha khá, cộng thêm thu nhập từ máy trạc lúa, cuộc sống ổn định, gia đình chính thức gạch tên mình ra khỏi danh sách hộ nghèo. Anh Ngôn hiểu rõ khi thoát nghèo sẽ mất đi không ít quyền lợi, nhưng anh nghĩ rằng bản thân mỗi người phải biết phấn đấu vươn lên. Anh Ngôn bộc bạch: “Tôi biết gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng chưa đến nỗi khổ. Trong khi đó, xã hội còn rất nhiều gia đình nghèo hơn mình và rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước. Do đó, tôi xin “rút chân” khỏi danh sách hộ nghèo để nhường sự hỗ trợ lại cho những hộ gia đình đang còn gặp nhiều khó khăn”.

Bằng ý chí vươn lên không ngừng nghỉ, sự siêng năng, chịu khó cộng với sự quan tâm, tiếp sức kịp thời của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đã giúp gia đình anh Đài, anh Ngôn có đủ điều kiện trả lại sổ hộ nghèo và đang hướng tới một tương lai khá giả hơn.

Nhiều giải pháp được thực hiện

Giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, trong nhiều năm qua, cùng với cả nước, Hậu Giang đã tích cực thực hiện các chính sách, giải pháp giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.

Năm 2020, xã Vĩnh Trung có 139 hộ thoát nghèo, đó là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giảm nghèo cùng sự thay đổi trong nhận thức và ý chí của người dân. Theo ông Nguyễn Minh Nguyện, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung, nếu như đầu năm xã có 306 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,95%, thì đến cuối năm giảm còn 167 hộ, chiếm tỷ lệ 6,59%.

Là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao so với các địa phương trong tỉnh, lãnh đạo huyện Phụng Hiệp luôn đau đáu và trăn trở với công tác này. Do đó, huyện đã đề ra nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả. Theo bà Đỗ Thị Ngọc Trúc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả và bền vững, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể luôn quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của tỉnh, trong đó coi công tác giảm nghèo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của người dân, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội. “Chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần làm thay đổi suy nghĩ của hộ nghèo, bởi chỉ khi nào người dân tránh được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mới cố gắng phấn đấu vươn lên. Đồng thời,  hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở các lớp đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm, các hội, đoàn thể kèm cặp hướng dẫn hộ nghèo thực hiện mô hình làm ăn hiệu quả… Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các chính sách về vay vốn, vận động xã hội hóa hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Qua đó, giúp hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế”, bà Trúc cho biết. Nếu như đầu năm 2020, huyện Phụng Hiệp có 4.160 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,14%, thì đến cuối năm giảm còn 2.858 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,62%.

Mỗi địa phương đều có nhiều cố gắng để giảm nghèo bền vững và công tác này sẽ tiếp tục gặt hái được kết quả tốt trong thời gian tới, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Với nhiều giải pháp đồng bộ cộng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và ý thức vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động của người dân, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt kết quả khả quan trong năm 2020 khi tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,9% vào đầu năm xuống còn 3,1% vào cuối năm.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>