Nghe đồng bào Khmer kể chuyện chung tay dựng xây phum sóc

07/01/2021 | 04:44 GMT+7

Những ngày này, bộ mặt từng phum sóc ở Hậu Giang khang trang hơn, vui hơn, an yên hơn, phát triển hơn. Ở đó, người ta lại nghe nhắc lại chuyện đồng bào chung tay dựng xây phum sóc...

Cầu bắc qua kênh Xã, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa được bà con đồng bào Khmer tự lực bắc.

Làm một việc và tác dụng nhiều chiều

Ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, heo hút, khó khăn nhất tỉnh. Nhiều người kể, chỉ vài năm trước, ở đây còn cầu khỉ, lộ đất chiếm đa số, gây không ít trở ngại cho người dân từ đi lại, giao thương đến chuyện học hành của học sinh…

Nay khác rồi, cầu ván, cầu, lộ bê tông nối nhau từ đầu đến cuối ấp.

Chị Hồ Thị Bích, nhà gần cây cầu ván mới bắc ngang kênh ở ấp 10, nói tết này về nội ngoại dễ rồi, lúc trước lụy đò hay phải đi vòng, bức bối lắm. Thấy chồng nằm trên võng gần đó, chị nói như năn nỉ: “Đã có cầu như vậy rồi, mua xe gắn máy để đi chơi tết nghe mình!”.

Sự hân hoan ấy không chỉ của vợ chồng chị Bích mà còn nhiều hộ dân cùng tuyến thuộc ấp. Niềm vui ấy cũng không tự nhiên mà có, nó xuất phát từ tấm lòng vì quê hương ngày một đổi khác của nhóm người đồng bào dân tộc Khmer thường xuyên tự nguyện xây, sửa cầu, đường như: ông Lâm Khem, Danh Quận, Danh So, Danh Sên, Danh Sựng... Họ làm chuyện này cũng cỡ chục năm rồi, bằng khả năng và nội lực, có nhiêu làm nhiêu, chắp vá từ từ cho phum sóc liền mạch.

Nhóm này người ít tuổi nhất cũng 60, nhiều nhất khoảng 75. Với nhiều người, độ tuổi ấy đã an nhàn hưởng thụ nhưng các ông chọn cho mình chuyện cực khổ. “Vùng đất này là nơi 2-3 thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên, có những công trình lớn thì Nhà nước đầu tư, nhỏ nhỏ thì mình phải chung tay chứ không chờ đợi ở trên”, ông Danh So giải thích.

Chỉ tay về cầu ván gần nhà chị Bích bắc hồi tháng 8-2020 trị giá 5 triệu đồng, ông So nói làm cầu bê tông tốn nhiều tiền, hộ dân của ấp còn khó nên kết cấu như vậy là ổn rồi; cầu thành hình đa phần từ tiền quyên góp của đồng bào.

Ngày cầu nối nhịp bờ vui, mừng nhất ngoài người dân còn có các ông trong nhóm. “Giao thông liền mạch là trợ lực cho sự phát triển của ấp, chúng tôi nghĩ vậy nên rất tích cực làm cầu đường sóc mình”, ông Lâm Khem nói.

Trước đó, năm 2019, nhóm “Vì quê hương ngày một đổi khác” này còn chủ trì bắc cầu ván qua kênh Xã, dài hơn 20m, tổng kinh phí vận động đồng bào quyên góp gần 10 triệu đồng.

Theo các vị, trước năm 2019, ấp 10 và ấp 11, xã Lương Nghĩa chịu sự ngăn cách bởi con kênh Xã. Muốn qua chợ Lương Nghĩa phải đi vòng mất 3km, nếu không từ ấp 11 qua ấp 10 phải đi xuồng…

Nhận thấy đây không phải là khó khăn bí bách nên các ông tổ chức vận động người dân hai ấp quyên góp mua gần 10 cây tràm biển, cột dầu xẻ ra thành phẩm bắc cầu. 15 ngày mỗi ngày có từ 10-15 người hì hục làm, sau cùng cầu thành hình trong sự vui mừng của đồng bào 2 bên bờ. “Kênh Xã khá sâu nên khi bắc cầu phải dùng dây xích, ghe xuồng làm điểm tựa; có người đứt tay, chân nhưng họ vẫn quyết chí trầm mình để đôi bờ sớm nối nhịp”, một vị trong nhóm kể.

Nếu kể thêm hẳn còn nhiều vì 2-3 năm gần đây, khi đời sống đồng bào kha khá thì họ ủng hộ mạnh tay mỗi khi nhóm vận động, vậy là lộ làng luôn được sửa sang mới, đi lại dễ dàng trong 2 mùa mưa nắng.

Riêng năm 2020, các ông đã tự bỏ tiền túi gần 10 triệu đồng để giặm vá hơn 2km đường xuống cấp; tặng tập, sách cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Ông Lâm Khem cho biết: “Khi gặp những đoạn đường xuống cấp hay cầu hư, trước tiên là chúng tôi vận động bà con ở gần đó tự giặm vá, nếu không chúng tôi sẽ làm. Tôi nghĩ, ở đâu người dân cùng chung tay vì một công trình, phần việc của xóm ấp thì nơi đó sớm đổi khác”.

Ông Danh Xem, Bí thư Chi bộ ấp 10, cho biết: “Sự tự nguyện của nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer ở ấp rất đáng tuyên dương, khen thưởng; họ làm một việc mà có tác dụng nhiều chiều về nêu gương, phát triển địa phương, vun đắp tình đoàn kết xóm làng…”.

“Chuyện gì có lợi thì chúng tôi không từ chối”

Nhiều năm qua, ấp 5, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, liên tục được công nhận danh hiệu văn hóa, hộ nghèo ngày càng giảm, tình hình an ninh trật tự ổn định. Kết quả đó có phần đóng góp rất quan trọng của mô hình “3 quản, 3 phòng”, nhất là những người có uy tín, các vị sư sãi, Ban Quản trị chùa Khem-ma-rap-pa-phia.

Ấp 5 có khoảng 410 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm 1/3. Trước đây, do điều kiện tiếp cận chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước chưa thường xuyên; bị lôi kéo nên có vài người dân tộc Khmer phạm pháp…

Trước tình hình trên, ngành chức năng xã phối hợp với Ban Quản trị chùa tuyên truyền trong đồng bào về ý nghĩa, mục đích của thành lập mô hình để họ nắm, phối hợp phòng, chống vi phạm pháp luật. Trong đó, đại đức Danh Bal, Trụ trì chùa Khem-ma-rap-pa-phia, nói cách làm chủ yếu là phổ biến cụ thể “3 quản, 3 phòng”; kể những mẩu chuyện về hậu quả của trộm cắp, quậy phá mà đức Phật dạy làm bài học để phật tử chấp hành nghiêm”.

Ban Quản trị chùa còn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương động viên bà con trong ấp xây dựng hàng rào để tự bảo vệ tài sản; thông tin kịp thời tình hình tội phạm trên địa bàn để phòng ngừa; đề nghị đồng bào mạnh dạn đấu tranh, tố giác tội phạm khi phát hiện...

Lật nhật ký, ông Hồ Văn Đô, Bí thư kiêm Trưởng ấp 5, thông tin cụ thể: tháng 3-2020 có khoảng 7 người ở ấp và địa phương lân cận tổ chức đánh bài dưới hình thức ăn thua bằng tiền; phát giác, anh A. điện thoại báo với chính quyền đến xử lý. Hay khoảng tháng 6-2020, một gia đình ở ấp có đám; khuya, một đối tượng lạ mặt trà trộn vào định làm chuyện xấu, khi phát hiện, người dân báo với chính quyền di lý ra khỏi địa bàn.

Không những bảo vệ bình yên giấc ngủ cho đồng bào, Ban Quản trị chùa, Quản lý mô hình và ban dân chánh ấp còn phối hợp giúp nhiều hộ nghèo ổn định cuộc sống, như trường hợp của hộ ông Diệp In.

Ông In đã ngoài 60 tuổi, không đất sản xuất, hộ nghèo, bệnh tim, sỏi thận nên chạy từng bữa cơm còn khó nói chi có tiền chữa bệnh. Thấy vậy, Ban Quản trị chùa phối hợp hỗ trợ 2 triệu đồng và kêu gọi phật tử giúp đỡ thêm. Nhờ đó, ông Diệp In có điều kiện chữa bệnh và hơn 1 năm qua, tháng nào ông cũng được hỗ trợ tiền, gạo, mì.

Hay mới đây, cầu bắc qua Trường Tiểu học Vĩnh Trung 3 hư hỏng, vậy là chính quyền địa phương tổ chức vận động đồng bào cùng Ban Quản trị chùa (hùn 1 triệu đồng) sửa lại. Theo ghi nhận, mỗi năm khi ban dân chánh ấp làm việc thiện thì Ban Quản trị chùa đều tích cực góp tiền của (trên 10 triệu đồng).

“Việc xây dựng xóm ấp cần sự chung tay của tất cả mọi người, do đó hễ làm chuyện gì có lợi thì chúng tôi không từ chối. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia mọi công việc mà địa phương, bà con cần để xóm giềng thêm đổi mới”, ông Thạch Gươl, Phó Ban quản trị chùa Khem-ma-rap-pa-phia, cho biết.

Tuy không thể thống kê hết những việc làm cho địa phương, nhưng đa số người Khmer hiện nay ở tỉnh đều chí thú làm ăn, biết nghĩ và chung sức vì việc chung. Ở ấp 5 và ấp 10 vừa nêu, đâu phải chỉ nhóm người tiêu biểu mà là sự đồng thuận của cả ấp, thường xuyên khích lệ của cấp ủy, chính quyền… thì phum sóc mới đơm hoa, hương hoa lan tỏa, đổi khác từng ngày...

3 quản, 3 phòng: người dân tự bảo quản tài sản, quản các thành viên trong gia đình, biết được công việc của những người xung quanh; phòng người lạ mặt đến địa bàn để tuyên truyền các hình thức mê tín, lôi kéo người dân địa phương phạm pháp, phòng thanh niên tụ tập gây mất an ninh trật tự, phòng người xấu đến địa phương để vi phạm pháp luật.

 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>