Một năm nỗ lực của ngành lao động - thương binh và xã hội

31/12/2020 | 08:20 GMT+7

Năm 2020, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, ngành lao động - thương binh và xã hội đã thực hiện đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra điểm cấp tiền hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng dịch Covid-19.

Thực hiện tốt chính sách, nỗ lực tạo việc làm cho người lao động

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên năm 2020 số lao động thất nghiệp tăng nhiều, cho nên ngoài thực hiện đầy đủ các chính sách dành cho lao động thất nghiệp, ngành lao động - thương binh và xã hội đã tăng cường các giải pháp để giúp người lao động sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống. Theo ông Tạ Văn Hạnh, ở xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, ông làm công nhân cho một công ty chuyên về gỗ ở tỉnh Đồng Nai đã 7 năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty không xuất khẩu được nên cắt giảm lao động. Về quê, ông được cán bộ ngành lao động - thương binh và xã hội hướng dẫn làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp và được tư vấn, giới thiệu việc làm mới, nhằm giúp ông sớm tìm được việc làm, để lo kinh tế gia đình và chuyện học hành của người con trai. Những việc làm này khiến ông Hạnh cảm thấy được an ủi khi không may bị mất việc làm.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2020 toàn tỉnh có 17.300 người được tạo và giải quyết việc làm, đạt trên 115% kế hoạch năm. Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống người dân. Như trường hợp của chị Thị Thanh Nguyên, ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ. Trước đây, chị Nguyên đi làm thuê ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, chị bị mất việc. Về quê chưa tìm được việc làm mới, chị tham gia lớp dạy nghề đan dây nhựa. Sau khi hoàn thành khóa học chị nhận nguyên liệu về đan gia công, từ đây cũng có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình. “Sau dịch covid-19 để tìm được việc làm mới là điều không dễ, nhờ được học nghề gia đình tôi đã có thêm đồng ra đồng vào, tôi mừng lắm”, chị Nguyên chia sẻ.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là hướng đi đúng đắn, không chỉ giúp người lao động có được việc làm, mà còn giúp doanh nghiệp tuyển dụng được lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu của công việc. Với hiệu quả thiết thực, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện cách làm này, nhằm giúp công tác đào tạo nghề ngày càng phát huy hiệu quả. Theo ông Hồ Văn Út, Giám đốc Hợp tác xã Kim Ngân, nhằm giúp người lao động nông thôn tìm được việc làm lúc nông nhàn, hợp tác xã đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm đan lục bình, đan dây nhựa. Hiện nay, hợp tác xã đã thành lập được 90 tổ đan gia công, mỗi tổ có từ 22 đến 40 thành viên. Bình quân mỗi lao động nông thôn có thể kiếm từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng từ nghề đan đát này.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành lao động - thương binh và xã hội còn thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, chăm lo những đối tượng yếu thế…

Quan tâm công tác an sinh xã hội

Những tháng đầu năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, với tinh thần vừa tập trung chống dịch vừa đảm bảo an sinh xã hội, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhanh chóng hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chủ động rà soát, nắm số lượng đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết quy định. Bà Đỗ Thị Ngọc Trúc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: Là một trong những địa phương có số lượng người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng nhiều nhất tỉnh, nên việc thống kê đầy đủ, chuẩn xác đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 không dễ dàng. Tuy nhiên, để đảm bảo cấp tiền hỗ trợ đúng đối tượng, tránh trùng, không để ai bị bỏ lại phía sau, với sự hướng dẫn của phòng chuyên môn, các cán bộ ở địa phương đã thực hiện tốt việc rà soát, lập danh sách cũng như cấp phát tiền đến tay người thụ hưởng.

Toàn tỉnh có trên 35.000 gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, trong năm qua, ngành lao động - thương binh và xã hội đã thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa như hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, thực hiện tốt chế độ điều dưỡng cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, dạy nghề, miễn giảm học phí… Ông Cao Thành Nhượng, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, cho biết: “Với tình cảm và trách nhiệm, thời gian qua, huyện đã nỗ lực và thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống người có công với cách mạng. Các chế độ dành cho các gia đình chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Nhiều ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng, sửa chữa, các Mẹ Việt Nam anh hùng được đơn vị cơ quan nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời… Nhờ đó, đời sống gia đình chính sách ngày càng được nâng lên”.

Không chỉ giúp các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng khi rời tay súng trở về cuộc sống đời thường có cuộc sống tốt hơn, ngành lao động - thương binh và xã hội còn thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách về giảm nghèo như hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ nhà ở, y tế hỗ trợ tiền điện... Qua đó, giúp người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Nếu như đầu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 4,9% dân số, thì đến cuối năm giảm còn 3,1%. Đời sống người dân ngày càng nâng lên về vật chất lẫn tinh thần. Với những hoạt động thiết thực, ngành lao động - thương binh và xã hội đã, đang và sẽ thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân về vật chất lẫn tinh thần...

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tạo và giải quyết việc làm mới cho 17.300 lao động, đạt 115,3% kế hoạch năm. Đào tạo nghề cho 11.195 lao động, đạt trên 172% kế hoạch năm. Tiếp nhận mới 2.217 hồ sơ các loại. Đã xét giải quyết 2.134 hồ sơ. Trong đó, đạt 1.667 hồ sơ, không đạt 467 hồ sơ. Còn lại 83 hồ sơ đang tiếp tục xem xét, giải quyết. Thực hiện trợ cấp hàng tháng cho trên 382.500 lượt đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ mai táng phí cho 2.151 trường hợp, hỗ trợ đột xuất cho 234 trường hợp. Cấp trên 24.600 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>