Khống chế kịp thời ổ dịch cúm gia cầm

23/01/2017 | 09:40 GMT+7

Ngay sau khi ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện ở xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, các ngành chức năng tỉnh đã nhanh chóng đến hiện trường để kịp thời triển khai công tác dập dịch, không để lây lan ra diện rộng.

Tiêu hủy hơn 800 con gà mắc bệnh

Cách đây khoảng nửa tháng, hộ ông Nguyễn Văn Thành, ở ấp 6, xã Long Trị A, phát hiện một số biểu hiện bệnh trên đàn gà của gia đình mình như: gà sốt, sưng phù chân, mắt gà chảy máu… rồi chết dần. Thấy các triệu chứng bất thường không điều trị khỏi, ông Thành đã nhanh chóng trình báo với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để tiến hành xác định chính xác bệnh.

Ngành chuyên môn phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân ở xã Long Trị A.

Cụ thể, vào ngày 19-1 vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã kịp thời có mặt tại nơi xảy ra ổ dịch để ghi nhận và giám sát bệnh trên đàn gà của ông Thành, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi phân tích. Đến ngày 20-1, kết quả chuẩn đoán được gửi về xác định đàn gà của ông Thành bị bệnh cúm gia cầm H5N1. Lập tức, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh triển khai lực lượng xuống địa phương, phối hợp với hộ chăn nuôi lập thủ tục tiêu hủy toàn bộ 810 con gà tại nơi xảy ra ổ dịch theo đúng quy định.

Theo ông Thành, hộ ông nuôi gà hơn 10 năm nay, nhưng chưa từng gặp tình trạng này. Lúc đàn gà bệnh, hễ ông cho uống kháng sinh vô thì gà lại chết nhiều, còn cho uống thuốc bồi dưỡng thì nó chết ít. Cầm cự được vài ngày điều trị, thấy không có tiến triển tốt, nhất là đàn gà có nhiều biểu hiện lạ, sợ nó lây sang người nên ông chủ động báo cơ quan chức năng đến can thiệp.

“Khi đó, tôi mổ gà ra thì bên trong có tụ huyết bầm, các cơ đùi, cơ ức chảy máu, gan và thận sưng, mật to khác thường... Giờ ngành chức năng đã tiêu hủy xong, nhưng chắc tôi phải để chuồng trống thêm mấy tháng theo khuyến cáo để triệt tiêu toàn bộ mầm bệnh, rồi mới tính tới chuyện nuôi mới. Gà đã hơn 1kg, chuẩn bị bán nhưng bỗng dưng mắc bệnh làm gia đình tôi lỗ nặng, tết này kém vui rồi”, ông Thành buồn bã phân trần.

Tăng cường giám sát, phòng chống dịch

Ghi nhận mới nhất từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hậu Giang, ổ dịch phát sinh cục bộ, các đàn gia cầm quanh ổ dịch không có biểu hiện bệnh và trên địa bàn xã Long Trị A, công tác tiêm phòng được thực hiện khá tốt nên khả năng lây lan dịch bệnh thấp. Hiện nay, trên địa bàn xã Long Trị A còn 2.510 con gia cầm của 4 hộ có tiêm phòng, nhưng đã hết thời gian miễn dịch. Vì thế, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang khẩn trương phối hợp với địa phương sớm triển khai công tác tiêm phòng bổ sung.

Ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thông tin: “Mặc dù ổ dịch đã được khống chế, nhưng ngành chăn nuôi và thú y xác định không thể lơ là trong công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh tại nơi xảy ra ổ dịch nói chung và công tác phòng chống dịch bệnh toàn tỉnh nói riêng. Hiện, chúng tôi đã rà soát đàn nuôi mới, đàn hết hạn miễn dịch trên địa bàn xã Long Trị A để khẩn trương tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm. Đồng thời, kết hợp các biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi nhằm triệt tiêu mầm bệnh. Mặt khác, tăng cường giám sát ổ dịch và vùng lân cận, theo dõi chặt tình hình chăn nuôi trên địa bàn…”.

Sau khi ngành chăn nuôi và thú y tiến hành tiêu hủy gia cầm bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã khẩn trương phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Long Mỹ, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh đến giám sát môi trường xung quanh khu vực xảy ra ổ dịch trên địa bàn xã Long Trị A, đồng thời tổ chức phát tờ rơi, tuyên truyền đến người dân về cách nhận biết biểu hiện bệnh cúm gia cầm H5N1 trên người, hướng dẫn cách phòng bệnh…

Ông Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, khuyến cáo: “Trong sử dụng thực phẩm, nên sử dụng sản phẩm có đóng dấu xác nhận an toàn của cơ quan chức năng. Đối với những sản phẩm gia cầm tại địa phương như gà, vịt, bà con nên chọn những con khỏe mạnh, không có biểu hiện khác thường, nhất là không nên dùng sản phẩm gia cầm chưa được chế biến chín. Còn đối với người chăn nuôi, khi chăm sóc gia cầm, cần có đồ bảo hộ an toàn”.

Theo cơ quan chuyên môn của tỉnh, vi-rút cúm gia cầm H5N1 có khả năng lây sang người qua các con đường như: mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm bệnh, chết, hoặc không rõ nguồn gốc; do ăn tiết canh, thịt, trứng gia cầm chưa được nấu chín kỹ; do vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi gia cầm không dùng đồ bảo hộ.

Triệu chứng cúm gia cầm H5N1 cũng giống với triệu chứng thông thường, nhưng một số điểm đặc biệt là sốt cao từ 39 độ trở lên và sốt liên tục, đau đầu, đau cơ; có những trường hợp đau bụng, nôn ói. Đặc biệt bệnh này thường xảy ra trường hợp viêm kết mạc mắt. Nặng hơn, có thể xảy ra tình trạng khó thở, suy hô hấp, suy tuần hoàn dẫn đến tử vong.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN HẰNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>