Giữ nghề bánh kẹp cuốn truyền thống

06/01/2021 | 07:00 GMT+7

Bánh kẹp cuốn là món ăn quen thuộc, gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều người, bởi khi ăn vị bánh ngọt, giòn, thơm và béo nhẹ nên thu hút cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.

Anh Phụng và chị Hồng kiểm tra lại bánh trước giao bán cho khách hàng.

Vào những ngày này, có dịp đi trên tuyến Quốc lộ 61, ngang qua địa phận ấp 7, ấp 8, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, sẽ thấy hàng quán dọc tuyến lộ này bày bán nhiều bánh kẹp cuốn, một thứ bánh truyền thống mà tuổi thơ ở vùng nông thôn ai cũng từng ăn, từng biết. Ở ấp 8, xã Vị Trung, từ lâu bà con đều nghe và biết đến tay nghề làm bánh kẹp cuốn truyền thống của vợ chồng anh Phan Văn Phụng và chị Bùi Thị Hồng, chủ nhân của nhãn hiệu bánh kẹp cuốn Trúc Mai, không chỉ khéo tay mà còn tạo mẫu mã đẹp, thơm ngon như bánh ống, bánh sâm banh bán chợ.

Chị Sáu Hậu, chuyên bán trái cây và bánh kẹo trên tuyến đường này cho biết chị bán rất nhiều loại bánh kẹo, nhưng món bánh kẹp cuốn là bán chạy nhất. Không chỉ có trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng rất thích loại bánh này vì vừa thơm ngon, giòn béo vừa hợp với túi tiền. Nếu như nhiều loại bánh khác có giá cao thì bánh kẹp cuốn chỉ có giá 60.000-80.000 đồng/kg mua tại lò, giá bán ra 70.000-100.000 đồng/kg. Hầu như ở bánh kẹp cuốn có mùi vị đặc trưng nhờ trong bột có pha nước cốt dừa, hột gà, hột vịt và mè đen nên khách hàng rất ưa chuộng.

Chị Hiền nhà ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, dừng xe mua liền mấy ký bánh kẹp cuốn và nói: “Mỗi lần đi ngang qua đây tôi đều mua bánh kẹp cuốn này về làm quà cho người thân. Chúng tôi rất thích loại bánh kẹp cuốn độc đáo này”. Không những vậy, nhiều người cho rằng bánh kẹp cuốn ở đây làm là nhờ sản xuất theo quy trình sạch, không sử dụng nhiều chất phụ gia.

Chị Hồng, người có nhiều năm gắn bó với nghề làm bánh kẹp cuốn kể lại: “Nghề này có rất lâu đời. Riêng gia đình tôi đã có 2 đời làm nghề này theo kiểu “cha truyền con nối”. Nghề làm bánh này tuy thu nhập không cao, ít ai giàu có nhưng bù lại công việc nhẹ nhàng, khỏi phải phơi nắng dầm mưa. Hơn nữa, đây là nghề của ông bà truyền lại nên mình phải cố giữ gìn và phát huy”.

Chị Hồng cho rằng nghề làm bánh kẹp cuốn không khó, nguyên liệu làm bánh chủ yếu là bột mì, mè đen, nước cốt dừa, hột gà, đường cát được pha chế theo đúng công thức miễn sao bột không cứng, không khô là được. Quan trọng là bột phải khuấy (quậy) thật đều bằng tay hoặc bằng máy. Khi nướng phải khéo tay, nhanh nhẹn, nếu bột chín quá bánh sẽ khét, còn như nướng chưa tới lửa bánh sẽ sống, không giòn. Lửa củi cháy khi cao khi thấp, cũng làm bánh chín không đều, làm mất sản lượng bánh, mất thời gian. Đặc biệt, người nướng bánh phải có đôi bàn tay khéo léo, khi bánh vừa lấy ra khỏi khuôn phải nhanh tay cuốn lại cho tròn, đều theo hình quặn.

Anh Phụng cho rằng nghề làm bánh kẹp cuốn này hiện nay còn ít người làm. Bởi bánh kẹp cuốn chỉ làm theo phương thức thủ công truyền thống, trong khi trên thị trường ngày nay xuất hiện quá nhiều loại bánh kẹo cao cấp, mẫu mã đẹp nên những thứ bánh làm thủ công truyền thống khó bề cạnh tranh. Ngoài ra, công việc làm bánh rất cực, ngoài ngồi lò trực tiếp tráng bánh, còn có các công đoạn khác như pha chế bột, đóng gói, giao hàng… nên phải làm từ 3-4 giờ khuya đến chiều. Đặc biệt, vào những ngày cận tết như hiện nay, khách mối đặt hàng tăng nên nhịp độ lao động cũng khẩn trương hơn.

Nếu bình thường, anh chị chỉ làm khoảng 10-15kg bột/ngày thì những ngày cận tết hay có người đặt thêm cho đám tiệc phải tăng lượng bột lên gấp đôi, gấp ba lần ngày thường. Sở dĩ, anh chị có được nhiều khách đặt hàng như vậy là nhờ giữ được uy tín thương hiệu bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chấp hành đúng các quy định về sử dụng phẩm màu, hương liệu, chất phụ gia nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, anh còn phải tuân thủ các quy định về điều kiện vệ sinh môi trường như khu vực sản xuất thích hợp, không ô nhiễm, chất thải luôn được xử lý đúng quy định. Để giữ an toàn thực phẩm, các thiết bị, dụng cụ sản xuất, chế biến, bao gói đều phải sạch, đặc biệt là nguyên vật liệu phải tránh xa ruồi nhặng, tuyệt đối không bán bánh quá hạn sử dụng hoặc bánh kém chất lượng cho khách hàng.

Nhờ làm tốt những quy định khắt khe nên hơn 20 năm qua lò nướng bánh kẹp cuốn nhà anh Phụng, chị Hồng luôn đỏ lửa, thương hiệu bánh kẹp cuốn “Trúc Mai” không còn xa lạ với nhiều người. Từ đó, tạo cho anh chị được công ăn việc làm thường xuyên, cuộc sống gia đình cũng dần ổn định. Từ một hộ khó khăn, bây giờ gia đình anh chị đã vươn lên khá giả.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>