Giảm nghèo bền vững - Những kết quả tích cực của Hậu Giang

27/05/2020 | 18:27 GMT+7

Nhờ thực hiện các chương trình, dự án của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cùng với ý chí vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo ở Hậu Giang đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Những căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương được xây dựng đã giúp hộ nghèo an cư lạc nghiệp.

Hỗ trợ kịp thời cho hộ nghèo

Bên hiên nhà, ông Trần Văn Lĩnh, ở xã Long Phú, thị xã Long Mỹ trò chuyện cùng mấy người ở xóm. Câu chuyện vui hẳn lên, khi ông Lĩnh cho hay năm nay gia đình đã hết nghèo, cuộc sống dần bước sang trang mới.

Là hộ nghèo mấy năm trước, vợ chồng ở Lĩnh luôn cố gắng lao động, sản xuất, để nâng cao thu nhập gia đình. Thấy ý chí vươn lên của ông, chính quyền địa phương cũng quan tâm tạo điều kiện để gia đình mượn 15 triệu đồng từ Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Với số vốn được mượn, ông Lĩnh đã mua vịt về nuôi. Ngoài số vốn được mượn, ông Lĩnh con được Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển cộng đồng Ánh Dương hỗ trợ 500 con cá chạch. Nhờ chí thú làm ăn, kinh tế gia đình từng bước khởi sắc, vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2019. “Tôi luôn tận dụng có hiệu quả mọi sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Cùng với đó, học hỏi, tìm hiểu những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao để áp dụng”, ông Lĩnh cho biết.

Gia đình ông Lĩnh chỉ là một trong số hàng ngàn hộ đã thoát nghèo trong giai đoạn 2016-2019. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2015-2020. Công tác quản lý điều hành được tổ chức chỉ đạo thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, đảm bảo thực hiện đồng bộ và có lồng ghép nguồn lực thực hiện. Công tác phân bổ giao chỉ tiêu kế hoạch, kinh phí thực hiện được chủ động từ đầu năm hoặc sau khi được Trung ương bố trí. Trong đó, ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới và xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Nhờ được hỗ trợ thực hiện nhiều mô hình phù hợp, gia đình ông Lĩnh đã thoát nghèo.

Là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo nhiều nhất tỉnh, để giúp người dân thoát nghèo, huyện Phụng Hiệp đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể. Địa phương đã thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Toàn huyện có 391 hộ nghèo thuộc các xã như xã Phụng Hiệp, xã Bình Thành, xã Hòa An, xã Phương Bình, xã Long Thạnh và xã Tân Bình được hỗ trợ thực hiện dự án giảm nghèo, với tổng kinh phí 4,6 tỉ đồng. Thông qua dự án, người nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, thực hiện mô hình chăn nuôi, trồng trọt, đồng thời được Phòng NN&PTNT huyện hướng dẫn, chuyên giao kỹ thuật. Từ đó, góp phần cải thiện thu nhập, giúp người dân thoát nghèo. Từ năm 2016 đến cuối năm 2019, huyện Phụng Hiệp đã giảm được trên 6.000 hộ nghèo.

Cũng nhờ thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, giải pháp giảm nghèo, nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Châu Thành A giảm đáng kể qua từng năm. Kết quả tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 2.761 hộ vào năm 2016, chiếm tỷ lệ 10,5% đến nay còn 526 hộ, chiếm tỷ lệ 1,9%.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, cùng với các giải pháp, chương trình, dự án thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân là một trong những giải pháp quan trọng. Theo ông Nguyễn Công Duy, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo nhận thức sâu sắc, khơi dậy quyết tâm thoát nghèo của người dân. Rà soát các nguyên nhân dẫn đến nghèo của người dân, để có giải pháp giảm nghèo phù hợp. Cùng với đó, thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Được biết, đến cuối năm 2019, huyện còn 526 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,9%.

Cùng với đó, từ nguồn vận động Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên và mạnh thường quân, toàn tỉnh đã xây dựng mới 2.546 căn nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hỗ trợ xây dựng 974 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ. Để người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được chăm sóc tốt về sức khỏe, tỉnh đã thực hiện tốt việc cấp thẻ BHYT. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ giáo dục đào tạo, dạy nghề tạo việc làm… luôn được quan tâm thực hiện, từ đó, giúp người dân vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế.

Nhằm giúp hội viên thoát nghèo, nâng cao đời sống, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, địa phương thực hiện công tác giảm nghèo như phối hợp đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vật tư, kỹ thuật xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, giúp hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Đặc biệt, hội đang chỉ đạo thực hiện mô hình thoát nghèo bền vững giai đoạn 2018-2023. Theo đó, mỗi hội nông dân cấp xã chọn một ấp để xóa trắng hộ nghèo.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Đề án về giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh được tổ chức mới đây, ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho rằng, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường nguồn lực đầu tư cho các chính sách, chương trình giảm nghèo, tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; xây dựng, nhân rộng mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn. Để nâng cao hiệu quả giảm nghèo, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về công tác giảm nghèo. Tuyên truyền để bản thân người dân có ý thức vượt khó, phát huy nội lực, tuyên truyền để bản thân người dân có ý thức vượt khó, phát huy nội lực, thế mạnh để vươn lên thoát nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo hiệu quả, để nhân rộng, phê phán các hiện tượng tiêu cực không muốn thoát nghèo…

 

Hậu Giang thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình, chính sách liên quan đến giảm nghèo, hỗ trợ người dân…

- Theo bà Hồ Thu Ánh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình, chính sách hỗ trợ, để góp phần nâng cao đời sống người dân. Tỉnh đã thực hiện tín dụng ưu đãi cho trên 73.400 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với tổng doanh số cho vay trên 1.600 tỉ đồng. Hộ nghèo còn tiếp cận một số chương trình tín dụng khác như học sinh, sinh viên, nước sạch vệ sinh môi trường, làm nhà ở. Tỉnh cũng đẩy mạnh việc thực hiện các dự án Chương trình 135, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn một số xã... Nhờ đó, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên. Nếu như đầu năm 2016, toàn tỉnh có trên 29.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,9%, thì đến đầu năm 2020 số hộ nghèo đã giảm đáng kể, chỉ còn 10.088 hộ, chiếm tỷ lệ 4,9%.

 

Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 29.045 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,9%, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thoát nghèo, đến đầu năm 2020 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 10.088 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,98%, biên độ giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trung bình 2,48%, vượt mục tiêu đề ra mỗi năm giảm trên 2%. Trong giai đoạn 2016-2020, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể triển khai cung cấp tín dụng ưu đãi cho 73.418 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với tổng doanh số cho vay trên 1.600 tỉ đồng; hỗ trợ giáo dục cho 27.385 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; đào tạo nghề trên 4.100 lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Trợ cấp tiền tết trên 88.900 lượt hộ nghèo, hỗ trợ đầu thu số hóa truyền hình mặt đất cho 33.488 hộ nghèo, hộ cận nghèo...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>