Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới

26/11/2020 | 08:02 GMT+7

Thời gian qua, các ngành, các cấp và địa phương đã có nhiều giải pháp để tạo việc làm cho chị em phụ nữ, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Nghề may công nghiệp thu hút nhiều lao động nữ tham gia. 

Trước đây, kinh tế gia đình của chị Trần Thị Hương, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập ít ỏi từ công việc làm thuê, làm mướn của chồng chị, trong khi phải chi tiêu đủ thứ từ sinh hoạt gia đình đến chuyện học hành của con, vì thế mà cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng. Chị Hương cho biết: “Còn trẻ nhưng lại không có việc làm ổn định để đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, tôi thấy mặc cảm với chồng. Vì vậy, khi hai vợ chồng mâu thuẫn nhỏ, tôi không đủ tự tin giải quyết, vì thấy bản thân còn đang sống phụ thuộc. Từ ngày học nghề, có việc làm và thu nhập ổn định, tôi có thể san sẻ gánh nặng kinh tế cùng chồng, đồng thời chia sẻ những khó khăn, vất vả sau mỗi ngày làm việc. Từ đó, tình cảm vợ chồng thêm bền chặt”.

Cũng nhờ được học nghề, chị Trần Thị Phê, ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A đã tìm được việc làm, có thu nhập ổn định. Theo chị Phê, trước đây chị chỉ quanh quẩn ở nhà, hết đưa đón con đi học thì lo chuyện cơm nước. Sau khi biết thông tin địa phương mở lớp dạy nghề may công nghiệp, đặc biệt sau học nghề được giới thiệu việc làm, chị liền đăng ký học. Chị Phê bộc bạch: “Từ ngày tôi đi làm, gia đình có thêm khoản thu nhập, cuộc sống cũng thoải mái hơn. Trước đây, nhiều khi túng thiếu, vợ chồng cũng không tránh khỏi tình trạng lục đục”.

Hậu Giang là tỉnh nông nghiệp, cuộc sống của người dân phụ thuộc vào mảnh vườn, thửa ruộng, vì vậy vào thời điểm nông nhàn, nhiều chị em lâm vào cảnh thất nghiệp, do đó, vấn đề tạo việc làm cho lao động nữ được các ngành, các cấp quan tâm. Nắm bắt được nhu cầu của người lao động trên địa bàn, đặc biệt là phụ nữ, thời gian qua, huyện Châu Thành A không chỉ mở các lớp dạy nghề phù hợp với thực tế địa phương, mà còn góp phần không nhỏ giúp lao động nữ có được việc làm, thu nhập ổn định. Theo ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A, hàng năm, trung tâm đều tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó, lao động nữ tham gia học nghề chiếm khoảng 90%. Sau khóa học các chị em đều được giới thiệu vào làm ở các công ty, doanh nghiệp mà trung tâm đã liên kết. Đối với trường hợp chị em không có điều kiện đi làm xa thì có thể vào làm tại xưởng may ở trung tâm”.

Cùng với việc mở các lớp dạy nghề nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nữ ở địa phương. Đơn cử như Hợp tác xã Kim Ngân (thị xã Long Mỹ) đã tạo việc làm cho hàng trăm chị em phụ nữ ở vùng nông thôn. Theo ông Hồ Văn Út, Giám đốc Hợp tác xã Kim Ngân, nghề đan lục bình rất dễ làm, không tốn chi phí đầu tư, thế nhưng thu nhập mang về lên đến hàng chục triệu đồng/năm. “Nghề đan lục bình thấy vậy mà hay lắm. Trước hết, nó giúp chị em phụ nữ có việc làm ổn định trong thời gian nhàn rỗi, cải thiện mức sống. Cái hay nữa là công việc này luôn có quanh năm, nên thu nhập cũng được ổn định”, ông Út cho biết.

Trong giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh có hơn 28.400 phụ nữ khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, chiếm 33% trong tổng số người được đào tạo nghề. Có việc làm, không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động nữ mà quan trọng hơn là góp phần trong việc nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình của mình. Mặt khác, khi được đi làm, được giao lưu với bạn bè, chị em được chia sẻ, trao đổi với nhau những kinh nghiệm trong nuôi dạy con chăm ngoan, học giỏi, các mô hình làm ăn hiệu quả, cũng như cách “giữ lửa” để gia đình ngày thêm hạnh phúc…

Theo ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn. Từ năm 2011-2020, toàn tỉnh có trên 28.400 lao động nữ khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, chiếm 33% trong tổng số người được đào tạo nghề. “Có nghề, phụ nữ không còn mặc cảm lệ thuộc, từ đó, góp phần cho việc thực hiện bình đẳng giới tốt hơn”, ông Cường nhấn mạnh.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>