Đối thoại để giảm nghèo hiệu quả

24/06/2020 | 23:36 GMT+7

Người nghèo mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng cũng như những cách làm để có thể thoát nghèo. Còn ngành chức năng giải đáp thấu đáo các vấn đề mà hộ nghèo đặt ra...  là những hiệu quả các cuộc đối thoại với hộ nghèo mang lại, qua đó, góp phần giúp công tác giảm nghèo của tỉnh đạt mục tiêu đề ra.

Anh Chương bày tỏ ý kiến tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với hộ nghèo xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp.

Người nghèo chủ động chia sẻ

Được tham dự các buổi đối thoại với hộ nghèo, mọi người sẽ thấy không khí cởi mở, chân tình. Lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã trả lời thấu đáo, cụ thể những vấn đề mà người dân đã ra.

Được tham dự buổi đối thoại của lãnh đạo tỉnh với hộ nghèo, anh Phạm Văn Chương, ở ấp 2, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, rất phấn khởi. Tại buổi đối thoại, anh đã chia sẻ nguyện vọng của mình về việc trồng cây atiso đỏ. Anh hy vọng, mô hình này sẽ giúp gia đình thoát nghèo. “Vì đây là giống cây mới, tôi cũng chưa biết như thế nào, nên mới trồng số lượng ít. Do đó, tôi mong muốn được ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật, để tôi có thể thu được hiệu quả kinh tế cao khi gắn bó với mô hình này”, anh Chương bày tỏ.

Cũng nhân dịp được gặp gỡ ngành chức năng và chính quyền địa phương, anh Bùi Hoàng Diệu, hộ cận nghèo ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, đã mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình. Theo anh Diệu, năm 2017 anh được mượn 10 triệu đồng không lấy lãi suất từ dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo ở địa phương. Với số tiền được mượn, anh đã trồng lục bình, song bị lỗ vốn. Gia đình anh đã cải tạo 8.000m2 vườn tạp do cha mẹ cho, với chi phí khoảng 20 triệu đồng. Nhân buổi đối thoại với hộ nghèo, anh Diệu mong muốn ngành chức năng và chính quyền địa phương hỗ trợ khóm giống, vốn, khoa học kỹ thuật, để anh có thể thu được hiệu quả cao với mô hình trồng khóm.

Trước những thắc mắc của người dân, đại diện ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đã giải đáp thấu đáo, rõ ràng. Chẳng hạn, ông Dương Minh Truyền, Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, đã trực tiếp trả lời ý kiến mà anh Diệu nêu lên tại buổi đối thoại. “Về khóm giống, địa phương sẽ giới thiệu chỗ để anh mua. Còn vốn, sẽ tạo điều kiện để anh tiếp cận, đầu tư vào rẫy khóm. Về khoa học kỹ thuật, tổ kỹ thuật của xã sẽ đến hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho anh”.

Còn ý kiến của anh Chương, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng đây là giống cây mới, sẽ tìm hiểu về tính năng sinh trưởng cũng như đầu ra của sản phẩm và hứa sẽ đến gặp gỡ để trao đổi trực tiếp với gia đình.

Có thể thấy, buổi đối thoại với hộ nghèo diễn ra như một buổi gặp gỡ thân tình, ngành chức năng luôn lắng nghe, giải đáp những thắc mắc, những chính sách liên quan đến hộ nghèo.

Đưa thông tin đến người nghèo

Nhớ lại buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với người nghèo ở địa phương diễn ra vào đầu tháng 6 vừa qua, ông Đặng Văn Hiếu, ở ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Tôi biết Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách dành cho hộ nghèo. Thông qua buổi đối thoại trực tiếp, được ngành chức năng giải thích cụ thể, tôi đã hiểu rõ chính sách về nhà ở. Với những hộ nghèo quá khó khăn, không thể cất nhà, để chia sẻ khó khăn với người dân, tỉnh và huyện đã vận động xã hội hóa, để hỗ trợ nhà cho bà con, chứ không phải ai là hộ nghèo đều được hỗ trợ nhà tình thương, nhà đại đoàn kết”.

Đối thoại với hộ nghèo là một trong những giải pháp thoát nghèo được các địa phương thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Thanh Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, những tâm tư, nguyện vọng được hộ nghèo nêu lên tại buổi đối thoại được các ngành và chính quyền địa phương tiếp thu, giải đáp thấu đáo. “Thông qua các buổi đối thoại với hộ nghèo, chính quyền địa phương biết được hoàn cảnh cụ thể của từng hộ nghèo, từ đó, sẽ có những hình thức hỗ trợ phù hợp, giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, nhân buổi đối thoại cũng tư vấn, hướng dẫn những mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng tại địa phương cũng như vấn đề đầu ra của sản phẩm”, anh Đoàn cho biết.

Nhờ đối thoại với hộ nghèo nhận thức của người dân về thoát nghèo tăng lên. Nếu chỉ nghe tuyên truyền các văn bản, thì người dân không nắm hết chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, tại buổi thoại, nếu một người đứng lên tự nguyện đăng ký thoát nghèo, thì sẽ lan tỏa đến nhiều hộ khác…

Mỗi hộ có nguyên nhân nghèo riêng và những mong muốn khác nhau, một khi nắm được những điều này, tác động trực tiếp và có những hỗ trợ phù hợp thì họ sẽ đăng ký thoát nghèo...

Đối thoại giúp ngành chức năng và chính quyền địa phương hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng hộ nghèo

Toàn tỉnh hiện có 10.088 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,9%. Trong năm 2020, tỉnh đề ra chỉ tiêu giảm 1% hộ nghèo. Theo ông Ngô Triều Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đối thoại với hộ nghèo là một trong những giải pháp tuyên truyền hiệu quả các chính sách trong việc thực hiện kế hoạch giảm nghèo, đồng thời, giúp ngành chức năng và chính quyền địa phương hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn của người dân, để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó, tỉnh và các địa phương cũng thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>