Đỡ đần nạn nhân chất độc da cam

12/09/2018 | 08:27 GMT+7

Với mong muốn chia sẻ phần nào gánh nặng với các nạn nhân chịu ảnh hưởng chất độc da cam (CĐDC), các ngành, các cấp và toàn xã hội đã có nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ các nạn nhân.

Nhờ được hỗ trợ chăn nuôi, cuộc sống gia đình chị Ly đã ổn định hơn.

Trong căn nhà tình thương, bà Nguyễn Thị Chín, ở khu vực 7, phường IV, thành phố Vị Thanh, đang chăm sóc người con trai bị nhiễm CĐDC anh Dương Văn Sen. Năm nay, anh Sen đã 30 tuổi nhưng không thể đi lại và tự chăm sóc bản thân. Do đó, mọi chuyện như ăn uống sinh hoạt cá nhân đều do một tay bà Chín lo liệu. Bà Chín cho biết: “Ngày trước có biết CĐDC là gì đâu. Thấy con sinh ra yếu ớt, trong khi đó đầu thì ngày càng phình to, chúng tôi chỉ biết đưa cháu đi chạy chữa khắp nơi, nhưng bệnh tình vẫn vậy. Từ lúc sinh ra đến nay, thằng Sen chỉ nằm một chỗ, lại còn thường xuyên bị động kinh”.

Theo lời bà Chín, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, cộng thêm anh Sen bị nhiễm CĐDC, sức khỏe yếu, bị bệnh thường xuyên nên đời sống kinh tế càng thêm túng quẫn. Vì thế, cả gia đình phải tá túc trong căn nhà xiêu vẹo mà không có khả năng sửa lại. Xét thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình, các ngành, các cấp đã xem xét hỗ trợ gia đình căn nhà tình thương, để cả nhà có được mái ấm an cư.

Cũng được hỗ trợ căn nhà tình thương, gia đình bà Nguyễn Thị Lươm, ở ấp 2, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy đã có được căn nhà vững chãi để ở. Hai mẹ con bà Lươm đều là nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC, không có sức lao động, cuộc sống rất khó khăn. Vì vậy, lâu nay hai mẹ con phải tá túc trong căn nhà lụp xụp. Tuy gọi là nhà nhưng đó chỉ là căn chòi nhỏ, chật hẹp. Chia sẻ trước khó khăn của gia đình, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh đã vận động hỗ trợ gia đình căn nhà tình thương. Chị Trần Thị Lập (cháu dâu bà Lươm) chia sẻ: “Hiện nay, mọi chuyện cơm nước của hai mẹ con cô Lươm đều do tôi lo liệu, bởi cô không làm được gì. Hoàn cảnh gia đình tôi cũng khó khăn, nhưng cô Lươm còn khó hơn. Được hỗ trợ căn nhà tình thương, cô Lươm mừng lắm. Trước sự quan tâm của các ngành, các cấp, chúng tôi vô cùng biết ơn, nếu không có sự giúp sức này, thì biết đến khi nào cô tôi mới có được căn nhà vững chãi để ở”.

Cùng với hỗ trợ nhà ở, các gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC còn được thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, tết, hỗ trợ cây, con giống, phương tiện sinh kế, để phát triển kinh tế gia đình. Như trường hợp gia đình chị Thị Ly, ở ấp 6, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy. Chị Ly có người con gái là nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC. Nhằm tạo điều kiện để gia đình phát triển kinh tế, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh đã vận động Công ty Cổ phần Dinh dưỡng nông nghiệp Quốc tế Anco hỗ trợ gia đình 4 con heo giống và thức ăn chăn nuôi. Sau 4 tháng nuôi, chị Ly bán 3 con heo thu được lợi nhuận kha khá, còn lại con cái, chị để tái đàn. Bình quân mỗi năm xuất bán 2 đợt heo con, cộng với nuôi heo thịt. Nhờ vậy đời sống kinh tế ổn định, vươn lên thoát nghèo, các con chị cũng có điều kiện học hành. “Sinh con ra ai cũng muốn con lành lặn, khỏe mạnh. Nhìn con tật nguyền, chúng tôi buồn lắm, nhưng trước sự quan tâm chia sẻ của mọi người, gia đình tôi cũng được an ủi”, chị Ly cho hay.

Mỗi nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC đều có hoàn cảnh riêng nhưng tất cả họ đều đang ngày ngày phải gánh chịu nỗi đau dằn vặt. Vì vậy, hoạt động chăm lo, đỡ đần nạn nhân da cam luôn được các ngành, các cấp và địa phương quan tâm chú trọng. Cũng nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện ấy nhiều gia đình nạn nhân CĐDC đã vượt khó vươn lên, ổn định cuộc sống...

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích