Dạy nghề bây giờ…

17/05/2018 | 08:13 GMT+7

Với mong muốn giúp người lao động có việc làm sau học nghề, ngành chức năng và các đơn vị đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp để tạo việc làm cho người lao động.

Được học nghề may, rồi giới thiệu vào làm ở công ty, chị Nguyễn Thị Thúy Linh, ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, rất vui mừng, bởi từ đây chị đã có việc làm ổn định, để phụ giúp chồng lo cuộc sống gia đình. Chị Linh chia sẻ: “Trước đây, tui phụ giúp việc nhà cho người ta, mỗi tháng được trên 2 triệu đồng. Còn chồng tôi đi làm mướn, công việc cũng bấp bênh, cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Được học nghề và có việc làm ổn định tui mừng lắm”. Theo chị Linh, nhờ có công việc gần nhà nên chị mới có thể đi làm, nếu đi làm xa chắc chị không thể nào làm được, bởi con còn nhỏ.

Người lao động học nghề may công nghiệp ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A.

Cũng nhờ được học nghề, bà Huỳnh Thị Ngọc Trúc, ở xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, có thêm thu nhập hàng ngày. Mỗi ngày, bà Trúc đan cũng được 50.000-60.000 đồng, ngoài ra, gia đình bà còn làm vườn. Bà Trúc cho biết: “Công việc đan lục bình có nhiều cái hay, bởi nguyên liệu được Hợp tác xã Kim Ngân cung cấp quanh năm, rồi sản phẩm làm ra cũng được hợp tác xã thu mua, chúng tôi chỉ làm gia công, không lo hàng tồn đọng không bán được. Công việc này dễ làm, với lại nhận nguyên liệu về nhà, tôi cũng có thể tranh thủ làm thêm buổi tối”.

Xác định việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, do đó, tỉnh luôn quan tâm công tác này. Theo ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Ngoài ra, việc liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề để tạo đầu ra cho người học luôn được các cấp, các ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện.

Phát huy vai trò “cầu nối” giữa người lao động với doanh nghiệp, các đơn vị dạy nghề cho lao động nông thôn đã đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động. Đồng thời, liên kết đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của các công ty, doanh nghiệp. Theo ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A, việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp để dạy nghề cho người lao động là một trong những việc làm cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp người lao động có được tay nghề, đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, mà còn giúp doanh nghiệp tuyển dụng được lao động chất lượng đầu vào, có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu công việc.

Hiện nay, các đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp để tạo đầu ra cho lao động nông thôn. Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phụng Hiệp, từ đầu năm đến nay trung tâm đã khai giảng 3 lớp dạy nghề may cho lao động nông thôn. Để giúp học viên tìm được việc làm sau khóa học, trung tâm đã liên kết với Công ty TNHH Lạc Tỷ II, đồng thời, trên địa bàn huyện có hợp tác xã may gia công, do đó, người lao động yên tâm về vấn đề đầu ra sau học nghề. Cách làm này rất có hiệu quả, được địa phương duy trì và phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được thực hiện từ vài năm nay, để duy trì hiệu quả đạt được đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các ngành, các cấp, đơn vị đào tạo và đơn vị sử dụng lao động. Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân. Từ đó, giúp mọi người nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống…

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã khai giảng 7 lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn ở huyện Châu Thành A và huyện Phụng Hiệp.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>