Đảm bảo an toàn thực phẩm từ ý thức cơ sở sản xuất, kinh doanh

22/02/2018 | 10:01 GMT+7

Không chỉ có các hoạt động kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, vận động, huyện Châu Thành còn xây dựng những mô hình mới nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm từ nhận thức của chính người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Bà Trần Thị Hằng (trái), chủ tiệm tạp hóa Sáu Hội, đã cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Phụ nữ tự trọng trong sản xuất”

Mới đây 10 hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm ở thị trấn Ngã Sáu đã tham gia thành lập Tổ phụ nữ tự trọng trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và đã ký cam kết thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm. Đây là một cách làm mới nhằm xây dựng ý thức sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm ở các hộ gia đình luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Là một trong 10 hộ ký cam kết, bà Trần Thị Hằng, chủ tiệm tạp hóa Sáu Hội, ở ấp Phước Thuận, nói: “Kinh doanh đảm bảo đúng các quy định về an toàn thực phẩm mình phải nhập hàng hóa của các cơ sở có uy tín, có thương hiệu. Hàng hóa vào mà cận đát là không nhập. Tôi cũng thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng để tránh bán hàng hóa hết hạn chẳng những ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà mình còn mất uy tín”. Đã bán tạp hóa mấy chục năm nay nhưng lần này ký cam kết bà Hằng càng biết mình phải có trách nhiệm cao hơn đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Có lẽ chính vì vậy mà tiệm của bà được người dân xung quanh lựa chọn để đến mua những thực phẩm về dùng cho gia đình mình.

Còn đối với bà Lê Thị Kiều Oanh, tiệm bán bún, cháo Kiều Oanh, ở thị trấn Ngã Sáu, thì việc buôn bán uy tín, chất lượng là quan trọng nhất đối với bà. Bà Kiều Oanh bộc bạch: “Mình buôn bán phải mua thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng. Tôi mua thịt, rau củ đều có địa chỉ cụ thể. Nguyên liệu mang về nhà tự chế biến luôn được rửa và nấu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi đem ra tủ bán cũng che chắn kỹ lưỡng không để ruồi bay đậu vào. Chén đũa khi bán xong rửa sạch sẽ và đem phơi nắng cho khô ráo. Khách hàng bây giờ khó tính lắm mình làm thấy ngon mà còn phải sạch sẽ an toàn mới thu hút được”. Không chỉ có bà Kiều Oanh, bà Hằng mà những nữ chủ sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trong tổ tự trọng đã nhận thức được tự trọng trong sản xuất là phải đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng chứ không chỉ vì chạy theo lợi nhuận.

Các hộ này đã ký cam kết trên tinh thần tự nguyện và được tuyên truyền, hướng dẫn về những việc phải làm nhằm sản xuất, chế biến, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Mô hình này đem lại nhiều kỳ vọng xây dựng được những địa chỉ tin cậy cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân địa phương.

Sẽ nhân rộng mô hình hay

Theo bà Huỳnh Thị Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam thị trấn Ngã Sáu: “Sau khi hộ đăng ký, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chế biến, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành có liên quan để kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả của việc ký cam kết chứ không phải đơn thuần là ký cho có hình thức. Bước đầu chỉ dừng lại ở 10 hộ, nhưng thời gian tới hội sẽ triển khai và nhân rộng trong toàn thể hội viên để xây dựng một môi trường sống không còn phải lo sợ về vấn đề an toàn thực phẩm cho người dân. Bên cạnh đó, cơ sở nào làm tốt cũng sẽ tuyên truyền, quảng bá trong hội để tạo điều kiện cho các chị mua may bán đắt để khích lệ”. Theo bà Thủy, việc thực hiện mô hình này hiện gặp khó khăn do không có kinh phí nên chủ yếu là tuyên truyền và dựa trên tinh thần tự nguyện của các chị.

Thị trấn Ngã Sáu là thị trấn thứ hai của huyện Châu Thành thành lập Tổ phụ nữ tự trọng trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Bà Nguyễn Thị Cẩm Chân, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam huyện Châu Thành, cho biết: “Trước đó, Hội LHPN Việt Nam huyện đã chỉ đạo thành lập tổ này ở thị trấn Mái Dầm. Trước tiên, chúng tôi muốn thí điểm mô hình này ở hai thị trấn có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nhất của huyện để đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng. Tất cả các hộ đã hăng hái cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm là hiệu ứng tốt. Dự kiến, đến cuối năm nếu cơ sở nào thực hiện tốt chúng tôi sẽ tiến tới công nhận cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm. Nếu có kinh phí sẽ đề xuất khen thưởng đối với những hộ thực hiện tốt nhất để động viên, khích lệ phong trào”.

Tổ phụ nữ tự trọng trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm là mô hình mới kỳ vọng mang lại nhiều kết quả trong nâng cao nhận thức cơ sở về đảm bảo an toàn thực phẩm. Huyện Châu Thành cũng sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác để tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. Ông Huỳnh Văn Tiền, Phó trưởng phòng Phòng Y tế huyện Châu Thành, cho biết: “Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 chúng tôi đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, thanh, kiểm tra và hướng tới sẽ tiếp tục hoạt động này bên cạnh duy trì thực hiện ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chưa thực hiện và những cơ sở mới”. Đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm đông người.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>