Công tác xã hội - Nghề hướng đến những điều tốt đẹp

23/03/2018 | 08:11 GMT+7

Nghề công tác xã hội (CTXH) là những hoạt chuyên nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội; góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng xã hội và hạnh phúc của Nhân dân, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn, người yếu thế trong xã hội như: người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già... Từ đó, tạo sự công bằng, hạnh phúc, đảm bảo an sinh xã hội.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng các bệnh nhân tâm thần kinh và những người lang thang cơ nhỡ.

Nghề CTXH là một nghề mới ở Việt Nam và ngày 25-3 hàng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam” nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề. Ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm CTXH trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của Nhân dân. Bên cạnh đó, phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam. Thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm CTXH.

Nghề của lòng nhân văn

Nghề CTXH đòi hỏi nhân viên phải có trình độ, năng lực chuyên môn nhất định, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có kỹ năng tác nghiệp, lòng nhiệt tình và cái tâm với nghề. Đây là một trong những nghề khó khăn, phức tạp, thậm chí được xếp vào một trong những nghề nguy hiểm. Đối tượng của nghề CTXH là nhóm thiệt thòi, yếu thế, nhóm nghèo đói, bệnh tật, những cá nhân, gia đình gặp rủi ro, bất hạnh... vì vậy, người làm nghề CTXH phải có bản lĩnh, ý chí và lòng kiên định. Nghề CTXH cũng là nghề vinh quang, bởi hành động vì hạnh phúc, vì sự phát triển, vươn lên của người khác - người được trợ giúp. Nghề CTXH gồm 4 chức năng: phòng ngừa, can thiệp, phục hồi và phát triển. Với các chức năng trên, nghề CTXH góp phần giúp những đối tượng yếu thế có thêm cơ hội vươn lên, hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

Để trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, gặp rủi ro trong cuộc sống, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt là Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020. Đề án đã đạt được một số kết quả quan trọng như khuôn khổ pháp lý về phát triển nghề CTXH, các bộ, ngành và ủy ban của Quốc hội đã nghiên cứu, rà soát, làm rõ vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức và cộng tác viên CTXH. Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số luật, bộ luật liên quan đến phát triển nghề CTXH như Bộ luật Lao động, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em, Luật Con nuôi, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới. Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan cũng đã chủ động xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức danh, mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức CTXH, tiêu chuẩn chăm sóc đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, tiêu chuẩn cộng tác viên CTXH cấp xã, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm CTXH, quy định về chế độ tiền lương đối với đội ngũ viên chức CTXH, phụ cấp ưu đãi đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở trợ giúp xã hội. Hình thành hệ thống dịch vụ CTXH và đội ngũ cộng tác viên, nhân viên CTXH.

Đến nay, cả nước đã hình thành, phát triển trên 500 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có 40 trung tâm công tác xã hội chuyên sâu. Các tỉnh, thành phố đã hình thành, phát triển mạng lưới khoảng 300.000 người làm CTXH ở các hội, đoàn thể các cấp và cộng tác viên CTXH, góp phần trợ giúp cho những người yếu thế, những hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội về giáo dục, y tế, học nghề, tìm việc làm...

Bệnh nhân nghèo đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận quà do Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh vận động trao tặng.

Nghề công tác xã hội tại Hậu Giang

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản, kế hoạch để thực hiện tốt công tác chăm lo các đối tượng bảo trợ xã hội như kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2011-2020. Đề án trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2020. Thực hiện Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014-2020. Năm 2018, tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện tốt CTXH, tỉnh đã tổ chức đào tạo trình độ trung cấp chuyên ngành công tác xã hội theo Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 10/01/2011 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2011-2020 (Đề án 32) cho 46 học viên là cán bộ phụ trách công tác bảo trợ xã hội cấp huyện, cấp xã. Hướng tới, tỉnh sẽ tiếp tục đào tạo trình độ đại học chuyên ngành công tác xã hội cho cán bộ thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội các cấp và các đoàn thể chính trị xã hội hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu nhân lực, phát triển về nghề CTXH. Tỉnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về nghề CTXH cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ nghiệp vụ của các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ hoạt động liên quan đến lĩnh vực xã hội ở cấp tỉnh, huyện và các xã, phường, thị trấn. Triển khai nhiều hình thức, cách làm nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hoặc những trường hợp yếu thế trong xã hội. Các ngành, các cấp và địa phương đã tập trung cho công tác xóa đói giảm nghèo. Xây dựng và nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả để hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn áp dụng nhằm vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối với các đối tượng già yếu bệnh tật, thì thực hiện trợ cấp bảo trợ xã hội.

Trên địa bàn tỉnh có 2 nhà nuôi trẻ mồ côi Hoa Mai ở thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành A, hàng năm nuôi dưỡng 70 trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa. Hậu Giang cũng đã thành lập Trung tâm Công tác xã hội, có 150 trường hợp đang được nuôi dưỡng và chăm sóc. Ở trung tâm, các bệnh nhân được chăm sóc về sức khỏe, được tạo điều kiện lao động nhẹ, ngoài ra còn tham gia học nghề và học văn hóa.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng có Phòng Công tác xã hội. Trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, Phòng CTXH Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tư vấn cho 155 trường hợp về chính sách hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo, khó khăn, về chế độ, mức hưởng bảo hiểm y tế và quy định chuyển viện đối với bệnh nhân có bảo hiểm y tế. Thăm hỏi, động viên tinh thần các bệnh nhân nội trú có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn tại bệnh viện. Tổ chức tọa đàm giao tiếp ứng xử của viên chức và đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh có 194 viên chức tham dự. Khai trương tủ quần áo từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại khoa khám bệnh. Song song đó, trao nhiều phần quà cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại khoa thận nhân tạo. Tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo, gia đình chính sách tại một số xã, phường... Những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực ấy, đã giúp nhiều bệnh nhân nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, phần nào vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.

CTXH là một trong những lĩnh vực mang tính đặc thù, với những người làm CTXH chỉ có kiến thức thôi là chưa đủ, họ còn phải có cái tâm với cộng đồng để có thể cống hiến hết mình… Bên cạnh sự quan tâm của các cấp, các ngành, rất cần các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội quan tâm hỗ trợ về vật chất, tinh thần góp phần tạo điều kiện và chăm sóc, nuôi dưỡng những đối tượng yếu thế được tốt hơn!

Toàn tỉnh có 28.590 đối tượng bảo trợ xã hội, gồm 387 trẻ em mồ côi, 28 đối tượng nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, 13.787 người cao tuổi, 10.671 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng… Trong năm 2017, tỉnh đã thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 325.275 lượt đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng số tiền 120 tỉ đồng. Hỗ trợ mai táng phí cho 1.570 trường hợp, trợ cấp đột xuất cho 198 trường hợp, cấp gần 22.000 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trao tặng trên 212.700 phần quà đến các đối tượng người khuyết tật, nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/Dioxin, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>