Chùi lư dịp tết “hái ra tiền”

22/01/2020 | 09:11 GMT+7

Những ngày này, người người, nhà nhà tất bật chuẩn bị nhà cửa, trang trí bàn thờ gia tiên, đây cũng là thời điểm những người làm nghề đánh bóng lư đồng “hái ra tiền”.

Nhờ nghề chùi lư đồng, ông Học có thêm thu nhập gia đình dịp tết.

Vừa chùi xong bộ lư đồng cho khách, ông Nguyễn Văn Được, ở khu vực 2, phường III, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Thường nghề này chỉ làm vào dịp tết, bình quân mỗi ngày tôi cũng chùi 3, 4 bộ, cao điểm thì 7, 8 bộ”.

Để đánh xong mỗi bộ lư, ông Được mất thời gian từ 2-3 giờ đồng hồ, tùy theo kích cỡ, kiểu dáng của mỗi bộ lư mà tiền công dao động từ 120.000 đồng đến 180.000 đồng. Hiện nay, lư đồng có rất nhiều loại như lư tròn, lư vuông, lư trúc, lư chữ nhật... Trong đó, dễ đánh nhất là lư tròn và khó đánh nhất là lư trúc, vì có rất nhiều hoa văn chạm trổ với những chi tiết rất nhỏ, nếu không cẩn thận rất dễ làm hỏng các chi tiết nhỏ, khách không hài lòng, dễ bị mất mối. Ông Được cho biết: “Lư đồng được nhiều gia đình truyền từ đời này sang đời khác nên có giá trị tinh thần rất lớn. Trong từng công đoạn, tôi phải hết sức cẩn thận và tỉ mỉ”. Tuy mới vào nghề khoảng 4, 5 năm, nhưng Tết Nguyên đán năm nay ông Được cũng “bỏ túi” vài triệu đồng từ nghề thời vụ này.

Trước đây, khi chưa có những người đánh bóng lư đồng, mọi người phải tự làm mới bộ lư đồng của gia đình bằng chanh, cát... Từ khi xuất hiện những người thợ, người dân đỡ vất vả hơn. Chị Phấn - một khách hàng chùi lư ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Tết nhất mà, lư đồng trên bàn thờ gia tiên phải được sạch sẽ, sáng bóng. Nhiều năm liền, năm nào gia đình tôi cũng đem bộ lư của gia đình đi đánh bóng”.

Đánh bóng lư đồng là nghề thời vụ trong dịp tết, nên hầu hết mọi người không qua trường lớp, mà chỉ học hỏi lẫn nhau, rồi tự rút kinh nghiệm, để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Tuy vậy, công việc này cũng mang lại nguồn thu nhập kha khá cho nhiều gia đình. Theo ông Lâm Văn Học, ở ấp 1, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, tết đến, nhiều gia đình không có thời gian hoặc không có dụng cụ để đánh bóng lư đồng nên những người làm nghề như ông có đất sống. Gia đình cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày từ nghề này nếu đông khách.

Làm nghề đánh bóng lư đồng phải có uy tín và sự khéo léo, bởi không ai giao bộ lư đồng quý giá của gia đình từ thời ông bà tổ tiên xa xưa cho người lạ, người mới vào nghề. “Làm nghề này phải có cái tâm, phải làm cho thật kỹ, chứ không được làm sơ sài, làm qua loa cho xong. Có như vậy, khách hàng mới gắn bó dài lâu với mình”, ông Học chia sẻ.

Tuy số tiền kiếm được từ nghề đánh bóng lư đồng cũng kha khá, nhưng những người thợ phải thường xuyên tiếp xúc với bụi và hóa chất nên cũng rất có hại cho sức khỏe. Nhưng vì muốn kiếm thêm thu nhập dịp tết nên nhiều người cũng chọn lựa gắn bó với nghề này. Ông Học cho hay: “Làm nghề nào cũng có cái vất vả của nó. Mỗi khi nhìn mọi người vui vẻ, hài lòng nhận lại bộ lư đồng bóng loáng, thì tôi thấy rất vui”.

Dưới bàn tay thoăn thoát của những người thợ, những mảnh đồng phủ bụi bẩn của thời gian đã được thay áo mới để đón xuân. Trong dịp tết đến xuân về, việc làm mới những bộ lư đồng để bày trên bàn thờ gia tiên chính là nhu cầu tâm linh thiết yếu của mỗi người dân Việt Nam. Và trong năm mới, ai nấy đều mong công việc làm ăn thuận lợi, kinh tế gia đình thêm phát triển...

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>