Chỉ tiêu giảm nghèo thấp, nhưng trách nhiệm phải cao

17/03/2020 | 08:24 GMT+7

Từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2019, biên độ giảm nghèo của tỉnh đạt trên 2%, nhưng năm nay, Hậu Giang đặt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo ở mức 1%. Vậy tại sao chỉ tiêu giảm nghèo lại thấp xuống ?

Nhiều gia đình ở các địa phương đã vươn lên nhờ các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Luôn là nhiệm vụ trọng tâm ở các địa phương

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh đề ra chỉ tiêu giảm 2% hộ nghèo/năm, qua rà soát cuối năm 2019, toàn tỉnh hiện còn trên 10.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,98%, biên độ giảm nghèo từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2019 là trên 2%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra. Từ đây cho thấy, việc giảm tỷ lệ không phải là giảm bớt quyết tâm, mà giảm tỷ lệ này so với trước là phù hợp với tình hình chung tại Hậu Giang.

Xác định công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Nhờ được mọi người giúp đỡ và chăn nuôi đạt hiệu quả, gia đình tôi đã thoát nghèo”, ông Nguyễn Văn Măng, ở ấp Long Hòa 2, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, mở đầu câu chuyện. Mới năm trước, gia đình ông còn là hộ nghèo ở ấp, nhờ có mô hình này mà kinh tế gia đình ông ngày càng khởi sắc, vươn lên thoát nghèo và dần có tích lũy vốn. Ngày xưa, vợ chồng ông được cho 4 công ruộng, ngoài ra ông còn đi làm thuê, làm mướn, cuộc sống gia đình tạm ổn định. Nhưng năm 2002, trong một lần đi làm thuê về, ông bị tai nạn giao thông, cuộc sống gia đình rơi vào bế tắc, túng quẫn. “Tai nạn xảy ra, người ta chẳng lo chi phí điều trị, gia đình tôi đã vay mượn bà con dòng họ, cầm cố hết 4 công ruộng để chữa trị cho ông ấy”, bà Trần Thị Nửa, vợ ông Măng kể.

Đầu năm 2003, gia đình ông được công nhận hộ nghèo. Suốt mười mấy năm qua, cùng với hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, gia đình luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Năm 2019, gia đình đã được hỗ trợ căn nhà để có mái ấm an cư. Ông Măng chia sẻ: “Chỉ mới năm trước thôi, nhà cửa lụp xụp, gọi là nhà chứ chỉ như cái chòi thôi. Trời mưa, cả nhà không ai dám ngủ, sợ bị sập, rồi nước mưa dột ướt mùng mền, chiếu gối, vất vả không sao tả xiết. Sống tới tuổi này, có căn nhà vững chãi, còn mừng nào cho bằng”.

Ngoài hỗ trợ nhà ở, để tạo điều kiện cho gia đình làm ăn, phát triển kinh tế, địa phương đã xem xét cho ông mượn 15 triệu đồng từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Với số vốn có được, ông Măng đã sửa sang lại chuồng để nuôi heo và mua thức ăn cho heo. Năm vừa qua, gia đình ông nuôi 17 con heo thịt, nhờ bán được giá cao, gia đình lời trên 50 triệu đồng, cuộc sống cũng ổn định hơn và thoát được cảnh nghèo. Năm nay, ông Măng đã 59 tuổi, nhưng ai thuê mướn gì cũng làm. Ngoài đi làm phụ hồ, ông còn đi theo máy cắt lúa. Gia đình đang nuôi 11 con heo thịt, heo khoảng 80kg. Với giá heo trên 80.000 đồng/kg hiện nay, hứa hẹn mang về nguồn thu nhập kha khá cho gia đình.

Giảm nghèo đã trở thành phong trào sâu rộng và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng xã hội. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, người nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã được thụ hưởng, tiếp cận các chính sách hỗ trợ như cấp thẻ BHYT, được vay vốn tín dụng, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ giáo dục, xây dựng và sửa chữa nhà ở, được thăm hỏi, tặng quà…

Các cấp, các ngành và địa phương đã tập trung, chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, nhằm tiến tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống Nhân dân. Với nhóm nghèo về thu nhập đã được hỗ trợ sinh kế, giới thiệu việc làm, với nhóm nghèo về dịch vụ xã hội đã được hỗ trợ về nhà ở, nước sạch, y tế... Ông Phan Thạch Em, Bí thư Huyện ủy Châu Thành A, cho biết: “Trong công tác giảm nghèo, huyện luôn yêu cầu các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể. Phải nêu được nguyên nhân nghèo của từng hộ. Sau đó, ngành chức năng và người dân cùng bàn bạc đưa ra giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của người dân, để giúp đỡ hộ nghèo vươn lên. Với những hộ mới thoát nghèo, địa phương luôn quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để mọi người thoát nghèo bền vững, tránh tái nghèo”.

Trách nhiệm cơ sở và cấp huyện không nhẹ

Theo ông Ngô Triều Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2020, tỉnh đặt chỉ tiêu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 1%, thấp hơn các năm trước là do tỉnh đã thực hiện vượt chỉ tiêu giảm nghèo của nhiệm kỳ 2015-2020, một số địa phương hiện nay có tỷ lệ hộ nghèo thấp như thành phố Ngã Bảy 0,86%, huyện Châu Thành A 1,94%, thành phố Vị Thanh 2,67%.

Chỉ tiêu năm thấp, cho nên tỉnh giao tỷ lệ các địa phương cũng thấp, nhưng không phải trách nhiệm giảm nghèo từ cơ sở và ở cấp huyện nhẹ xuống. Số hộ nghèo còn lại là những hộ rất khó khăn, cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều thì mới có thể thoát nghèo bền vững. Năm 2020, chỉ tiêu giảm nghèo của thành phố Vị Thanh là 0,4%. Ông Hồ Hồng Lâm, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Vị Thanh cho biết, hiện nay, thành phố Vị Thanh còn 568 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,67%. Tuy mức giảm tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn những năm trước, nhưng đây là chỉ tiêu khó, đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Trong thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo, chúng tôi không chạy theo thành tích, số lượng, mà giảm nghèo phải thực chất, bền vững, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy tỷ lệ có thấp hơn những năm trước, nhưng các ngành, các cấp và địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả, mạnh hơn các chương trình, dự án giảm nghèo. Tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững tại một số xã, phường, thị trấn. Ngành chức năng còn tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo theo quy định. Triển khai đưa vốn tín dụng ưu đãi đến từng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo để giúp họ có điều kiện đầu tư làm ăn, khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, khơi dậy khát vọng thoát nghèo của người dân.

“Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, gắn dạy nghề với giải quyết việc làm, để lao động tăng thêm thu nhập. Chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân tăng năng suất trên cùng diện tích canh tác. Tiếp tục triển khai một số dự án đa dạng hóa sinh kế, qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát, đánh giá bảo đảm công tác giảm nghèo thực hiện đạt hiệu quả”, ông Ngô Triều Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết.

Huyện Phụng Hiệp được giao giảm 2,5% hộ nghèo - tỷ lệ cao nhất trong các huyện, thị, thành phố

 

 - Năm 2020, tỉnh phấn đấu giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo. Trong đó giao chỉ tiêu xuống các địa phương như sau: thành phố Vị Thanh giảm 0,4% hộ nghèo, thành phố Ngã Bảy giảm 0,2% hộ nghèo, thị xã Long Mỹ giảm 1% hộ nghèo, huyện Châu Thành giảm 0,9% hộ nghèo, huyện Châu Thành A giảm 0,8% hộ nghèo, huyện Phụng Hiệp giảm 2,5% hộ nghèo, huyện Long Mỹ giảm 1,5% hộ nghèo, huyện Vị Thủy giảm 1% hộ nghèo.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>