Cảnh giác dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

27/05/2020 | 18:32 GMT+7

Giao mùa, người chăn nuôi lại canh cánh nỗi lo dịch bệnh tấn công đàn gia súc, gia cầm. Lúc này, khâu phòng bệnh là rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro hao hụt.

Người chăn nuôi chủ động phòng bệnh cho gia súc lúc giao mùa.

Người nuôi chủ động

Chăn nuôi vịt chạy đồng đã hơn chục năm, nhưng ông Phan Văn Tiến, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, đã nhiều phen khốn đốn với những lần bộc phát bệnh trên đàn gia cầm. Trải qua nhiều lần hao hụt, ông Tiến dần đúc kết cho mình những kinh nghiệm chăm sóc đàn gia cầm. Vài năm trở lại đây, do tiêm phòng đúng lịch và đủ bệnh nên tỷ lệ hao hụt trên tổng đàn vịt của ông ít hẳn. Nhưng không vì vậy mà ông Tiến chủ quan trong khâu chăm sóc, nhất là những lúc thời tiết giao mùa.

Ông Tiến chia sẻ: “Dù được tiêm phòng bệnh theo lịch hướng dẫn của cán bộ thú y xã nhưng tôi vẫn hết sức cảnh giác. Thời tiết gần đây cứ sáng nắng, chiều mưa; có những ngày nóng gay gắt, tối đến tiết trời se se lạnh. Gà, vịt sức đề kháng vốn yếu nên khó thích nghi được với sự thay đổi đột ngột này. Do vậy, tôi thường xuyên quan sát đàn vịt, che chắn chuồng và vệ sinh tiêu độc thường xuyên”.

Các địa phương đang rà soát tiêm phòng cúm gia cầm, kết hợp khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh vật nuôi lúc giao mùa.

Cùng nỗi lo với ông Tiến, ông Lê Văn Trên, ở ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy cho rằng, với người chăn nuôi gia súc, gia cầm thì khâu phòng bệnh là bắt buộc phải “làm đúng, làm đủ”. Nhà ông Trên đầu tư chuồng nuôi gà trên đệm lót sinh học, áp dụng song song nuôi nhốt và nuôi thả vườn. Ngoài ra, ông đầu tư cả máy ấp trứng để bán luôn con giống. Mấy năm nay, nhờ cẩn thận trong tất cả các khâu chăm sóc, phòng bệnh nên hộ này khá thành công trong chăn nuôi.

Với kinh nghiệm chăn nuôi gà nòi nhiều năm, ông Trên cho rằng những lúc giao thoa giữa mùa nắng và mùa mưa, hoặc tiết trời trở lạnh lúc cận tết cần phải giữ cho cơ thể gà và chuồng trại không bị gió lùa, mưa tạt. Nền chuồng luôn giữ khô thoáng, xung quanh chuồng che chắn kỹ, quan trọng là phải đầu tư thêm đèn xông cho chúng vào những ngày mưa bão. Nhưng nuôi nhốt không hẳn là biện pháp tốt mà phải kết hợp, tận dụng những ngày nắng cho gà ra môi trường tự nhiên, chiều xuống lùa hết vào chuồng.

Theo ngành thú y, đối với người chăn nuôi heo cần cảnh giác với các bệnh lở mồm long móng và heo tai xanh, nhất là dịch tả heo châu Phi. Bởi đây đều là những bệnh gây thiệt hại kinh tế lớn và mức độ lây lan nhanh.

Bà Nguyễn Thị Thuần, ở ấp 1, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cho biết: “Người nuôi heo nhỏ lẻ ít lắm! Nhà tôi ngày trước là một vựa nhỏ bán thức ăn, nhưng giờ đây chủ yếu lấy thức ăn để phục vụ chăn nuôi riêng. Giá heo đang cao, nhưng tôi cũng chỉ nuôi vài con nái chứ không phát triển đàn nhiều như trước nữa. Rút kinh nghiệm từ đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua, tôi che chắn chuồng trại kín lại. Tuyệt đối không cho người lạ hoặc thương lái vào chuồng tiếp xúc gần với vật nuôi”.

Đẩy mạnh tuyên truyền, quản lý

Sở NN&PTNT tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản, ngành chức năng các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Cụ thể, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, chủ động phòng dịch.

Tại huyện Vị Thủy, Trạm Chăn nuôi và Thú y đang phối hợp với Đài truyền thanh huyện tuyên truyền các bản tin, khuyến cáo người chăn nuôi gà, vịt, tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm, tụ huyết trùng, dịch tả... Đối với hộ chăn nuôi heo, cẩn trọng với các bệnh tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi, đây là 3 bệnh lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.

“Chúng tôi thường xuyên rà soát tổng đàn, tăng cường khuyến cáo hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm tiêm phòng và tiêu độc chuồng trại. Khoảng 1 tháng nữa các cánh đồng vào vụ thu hoạch, những đàn vịt sẽ bắt đầu đợt chạy đồng, hồi hương. Đó là thời điểm chúng tôi phải tăng cường rà soát, kiểm soát dịch bệnh hơn nữa trên gia cầm”, ông Nguyễn Hùng Vỹ, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vị Thủy, cho biết.

Hiện nay, các địa phương đã triển khai đến hộ nuôi thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tại thị xã Long Mỹ, Phòng Kinh tế đã tham mưu UBND thị xã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, từ đó các ngành phối hợp với cơ sở triển khai hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Thống, Phó phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho biết: Phòng Kinh tế đã chỉ đạo cho Trạm Chăn nuôi và Thú y, lực lượng thú y ở xã tăng cường kiểm tra, tuyên truyền bà con cảnh giác với dịch bệnh, nhất là thời điểm giao mùa. Nhắc nhở người dân tiêm phòng đủ bệnh, đúng lịch; tiêu độc thường xuyên cho vật nuôi. Trong tuần qua, Phòng Kinh tế cùng Trạm Chăn nuôi và Thú y đã đến các địa phương kiểm tra tình hình tái đàn trên heo và nhận thấy các hộ dân nắm rất rõ khâu tiêm phòng bệnh, tuân thủ đúng lịch tiêm phòng để có được miễn dịch cao trên đàn vật nuôi. Nhìn chung, đến thời điểm này tình hình dịch bệnh trên địa bàn thị xã Long Mỹ được kiểm soát tốt.

Theo Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua bệnh dịch tả heo châu Phi tái phát ở một số tỉnh, thành phố như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Nam…, nguy cơ bệnh này tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt trong điều kiện chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa và nuôi tái đàn heo, nuôi tăng đàn heo ngày càng gia tăng, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Trước tình hình này, Sở NN&PTNT tỉnh cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ngành chức năng địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả heo châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng. Nội dung tuyên truyền lồng ghép vào các biện pháp phòng dịch như vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; tổng kết, phổ biến, nhân rộng các mô hình và hướng dẫn chăn nuôi heo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác heo bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan. Thông báo cho các cơ quan liên quan, cơ quan truyền thông để đưa tin về việc hết bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh để người chăn nuôi nắm tình hình và tổ chức tái đàn, tăng đàn. Kiểm  soát  chặt  khâu  vận  chuyển  heo nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan…

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>